Triều Tiên “hoan nghênh” Mỹ mở văn phòng đại diện
Cuộc họp trong chương trình Hội nghị Thượng đỉnh sáng 28/2 khởi động trong không khí khá thuận lợi. Ông Trump và ông Kim đã có cuộc gặp riêng trước khi bước vào cuộc đàm phán mở rộng với sự tham gia của các cố vấn từ 2 bên. Trong các cuộc tiếp xúc với báo giới trước khi bước vào cuộc gặp, cả Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên đều có những phát biểu đầy tích cực.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp riêng vào buổi sáng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết cuộc đối thoại giữa 2 bên đã đạt được “thành công to lớn” và tái khẳng định quan điểm rằng Triều Tiên có thể có tương lai tươi sáng. “Tôi cho rằng Triều Tiên có tiềm năng kinh tế cực kỳ lớn, phi thường, không có giới hạn. Chúng tôi sẽ giúp để điều đó xảy ra”, Tổng thống Mỹ hào hứng tuyên bố.
Về phía Triều Tiên, trả lời câu hỏi của Hãng tin Reuters về việc có sẵn sàng phi hạt nhân hóa hay không, Chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố: “Nếu tôi không sẵn lòng làm vậy thì tôi đã không ở đây giờ này”.
Trước câu hỏi về khả năng sẵn lòng cho Mỹ mở văn phòng đại diện ở Bình Nhưỡng, Chủ tịch Triều Tiên khẳng định đó là việc “được hoan nghênh”. Ông Kim cũng khiến truyền thông vô cùng thích thú khi đã lần đầu tiên trả lời câu hỏi của báo chí phương Tây, thậm chí có thể nói là lần đầu tiên ông trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài.
Bữa ăn tối đầu tiên giữa hai lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên ngày 27/2. |
Tuy nhiên, tình hình sau đó đã tiến triển theo hướng không thuận lợi. Cuộc họp mở rộng của phái đoàn Mỹ - Triều Tiên đã kéo dài hơn so với dự định đến gần 2 tiếng đồng hồ. Theo lịch trình ban đầu, vào lúc 11h55 cùng ngày, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim sẽ ăn trưa kết hợp làm việc và đến 14h05 sẽ tham gia lễ ký kết thỏa thuận chung.
Song, đến 13h00 cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders thông báo rằng bữa ăn trưa làm việc của phái đoàn Mỹ - Triều Tiên đã bị hủy bỏ. Đến 13h25, phái đoàn của Mỹ và Triều Tiên lần lượt rời Khách sạn Metropole – nơi diễn ra các cuộc đàm phán. Nhà Trắng sau đó xác nhận 2 bên đã không đạt được thỏa thuận nào tại Hội nghị.
“Nút thắt” các lệnh trừng phạt
Trở về từ Hội nghị, lúc 14h25, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức họp báo tại Khách sạn JW Marriott – nơi ông Trump lưu trú. Cuộc họp báo ban đầu dự kiến diễn ra vào lúc 15h50 nhưng đã được đẩy lên sớm.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un trò chuyện thân mật trong khuôn viên Khách sạn Metropole. |
Mỹ và Triều Tiên đã chứng tỏ sự chân thành
Về phía dư luận quốc tế, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng chiều 28/2 đánh giá Mỹ và Triều Tiên đã chứng tỏ sự chân thành tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra sáng cùng ngày tại Hà Nội.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng “đối thoại Mỹ - Triều sẽ được tiếp tục”. Phủ Tổng thống Hàn Quốc trong một tuyên bố được đưa sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều đánh giá rằng hai bên đã đạt tiến bộ có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng nêu rõ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ rõ sẵn sàng tiếp tục đối thoại sẽ đem lại triển vọng tươi sáng cho một cuộc gặp khác giữa 2 nhà lãnh đạo.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng đã bày tỏ tiếc nuối khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên không đạt được thỏa thuận nào và hy vọng Mỹ và Triều Tiên tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. PV
Trong cuộc họp báo kéo dài gần một giờ, Tổng thống Mỹ đã thông báo những nội dung chính của Hội nghị và trả lời các câu hỏi của phóng viên. Trong đó, ông Trump khẳng định khúc mắc chính khiến 2 bên không đạt được thỏa thuận tại Hội nghị lần này là do vấn đề các lệnh trừng phạt.
“Về cơ bản, vấn đề là do các lệnh trừng phạt. Họ muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn và chúng tôi không thể làm điều đó vào lúc này... Đôi khi bạn phải đi bỏ đi và đây chỉ là một trong những lần đó”, ông Trump phát biểu tại họp báo.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump nói rằng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này không phải là không đạt được tiến bộ vì tại cuộc gặp này, Chủ tịch Kim Jong Un đã cam kết sẽ không tiến hành thêm các vụ thử tên lửa, rocket và bất cứ điều gì liên quan đến hạt nhân. Tổng thống Trump khẳng định ông tin tưởng lời hứa này. Cũng tại họp báo, ông Trump nói rằng ông và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã chia sẻ nhiều vấn đề và đã “có một thời gian hữu ích”.
Vẫn theo Tổng thống Mỹ, quyết định không ký thỏa thuận là điều mà tất cả đều đồng thuận. Tổng thống Mỹ cũng khẳng định dù không đạt được thỏa thuận nhưng bầu không khí khi ông rời đi vẫn rất tốt, rất thân thiện.
“Có sự ấm áp giữa chúng tôi. Chúng tôi muốn làm điều gì đó đặc biệt, nhưng vấn đề này đã nhiều thập kỷ rồi. Vấn đề này nên được giải quyết từ lâu rồi. Tôi thấy quan hệ khá ấm áp và việc tôi rời đi cũng thân thiện”, ông nói và cho biết 2 bên chưa có kế hoạch tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh thứ 3 nhưng hy vọng sẽ sớm gặp lại Chủ tịch Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ cũng khẳng định sẽ không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên và khẳng định hiện trạng như thời điểm này sẽ được duy trì trong thời gian tới, trong đó Triều Tiên sẽ tiếp tục đình chỉ các vụ thử hạt nhân và tên lửa, trong khi Mỹ sẽ không tham gia cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc.
Trước khi bắt đầu cuộc họp báo cũng như khi đang trên chuyên cơ bay trở về Mỹ sau khi kết thúc Hội nghị, Tổng thống Mỹ gửi lời cảm ơn Việt Nam đã tổ chức tốt đẹp cuộc gặp thượng đỉnh này. Trên trang Twitter cá nhân, ông Trump cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và toàn thể người dân tuyệt vời ở Việt Nam.
Việt Nam đã thành công
Trao đổi với phóng viên, PGS. TS. Phạm Hồng Thái - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đánh giá rằng, việc hai bên Mỹ - Triều Tiên không ra được tuyên bố chung là kết quả không được như đa số dư luận mong đợi.
Theo ông Thái, trong quá trình chuẩn bị cũng như khi Hội nghị diễn ra, mọi người có rất nhiều kỳ vọng Hội nghị Thượng đỉnh lần này sẽ đạt được bước tiến thể hiện bằng một kết quả cụ thể nào đấy liên quan đến việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Triều Tiên:
“Đó là kỳ vọng chung của mọi người, dù không nghĩ vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân được giải quyết ngay nhưng việc giải quyết từng phần, dần dần hai bên có sự nhượng bộ lẫn nhau để đi đến kết quả cuối cùng là điều mọi người đều hy vọng.
Tuy cuối cùng hai bên không đạt được kết quả như mong muốn, Hội nghị kết thúc sớm nhưng điều quan trọng là hai bên vẫn có hứa hẹn đây không phải hội nghị cuối cùng, tiếp theo vẫn có những cuộc gặp để có những giải pháp tiếp tục hướng tới mục tiêu mà hai bên kỳ vọng. Theo nghĩa đó, Hội nghị lần này không thất bại, nó vẫn là một bước thiết thực, trước hết là duy trì kênh đối thoại”, ông Thái nói.
Theo PGS. TS. Phạm Hồng Thái, những vấn đề bàn thảo hai bên đặt ra tại Hội nghị chưa được tiết lộ chi tiết song như Tổng thống Donald Trump nói trong cuộc họp báo là hai bên đã đề cập đến rất nhiều vấn đề, tiến gần hơn, hiểu biết nhau nhiều hơn.
“Chắc chắn Hội nghị lần này theo nghĩa như vậy cũng đạt được kết quả nào đó và chúng ta hy vọng với những vòng đàm phán tiếp theo, nếu được tổ chức, chắc chắn cuộc đàm phán lần này là một bước đệm góp phần hai bên có thể tiến thêm một bước lên phía trước”, ông nhận định.
Với Việt Nam, ông Thái cho rằng, với tư cách là một nước chủ nhà, tổ chức hội nghị thượng đỉnh, Việt Nam đã giành thắng lợi. “Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như mọi phương diện cho Hội nghị lần này Việt Nam đã làm rất tốt. Thông qua hoạt động của các phóng viên báo chí trong nước cũng như quốc tế trong những ngày qua, hình ảnh rất tích cực, tốt đẹp của Việt Nam đã được quảng bá ra thế giới.
Điều đặc biệt hơn, tôi cho rằng qua việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này thì vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ được nâng cao hơn, chúng ta đã khẳng định với quốc tế như một nơi có thể sẵn sàng, có đủ mọi lực lượng tinh nhiệm để tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, đặc biệt là các sự kiện liên quan tới những vấn đề lớn của khu vực và trên thế giới. Theo nghĩa đó thì Việt Nam đã thành công”, ông nói. Minh Ngọc