Ngày 23/11, TCBS gửi văn bản xin ý kiến cổ đông về việc tăng thêm khoản vốn trị giá 10.038 tỷ đồng. Việc tăng vốn dự kiến sẽ thực hiện trong Q1/2023. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của TCBS đạt hơn 2.176 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu của TCBS dự kiến sẽ vượt trên 21.000 tỷ đồng, thuộc top những công ty có vốn chủ sở hữu cao nhất ngành.
Trong bối cảnh thị trường đang ảm đạm, việc TCBS tăng vốn là tín hiệu tích cực cho động lực phát triển, thể hiện tham vọng chiến lược rất lớn của CTCK này: Chiếm lĩnh và duy trì vị thế tiên phong về Wealthtech và hướng đến ZeroFee cho khách hàng. Ở chiều ngược lại, TCBS cũng là một “gà đẻ trứng vàng” xứng đáng được chọn lựa để rót tiền đầu tư.
[Biểu đồ] Tăng trưởng khách hàng của TCBS
Sự khác biệt của TCBS
Từ năm 2014, sau khi định vị lại chiến lược, TCBS đã nổi lên là một công ty chứng khoán khác biệt so với thị trường khi tập trung vào hoạt động môi giới trái phiếu – một ngách chưa được các CTCK khi ấy quan tâm. Trong 7-8 năm, TCBS nhanh chóng trở thành công ty số 1 trong mảng trái phiếu và sau thành công đó, đầu năm 2020, TCBS quay lại đẩy mạnh hoạt động môi giới ở mảng cổ phiếu.
Tuy nhiên, cách thức TCBS chiếm thị phần tại thị trường cổ phiếu cũng rất khác biệt, được đánh giá là “cách thức của tương lai”. Họ tập trung vào công nghệ và gây ấn tượng bởi mô hình không có môi giới chứng khoán, chỉ dựa trên dữ liệu và robot.
Nền tảng giao dịch TCInvest mà TCBS xây dựng bao gồm hệ thống nhiều sản phẩm đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư trực tuyến. Đặc biệt, tính năng iCopy giúp cho các nhà đầu tư không chuyên có thể sao chép, hành động theo giao dịch của các nhà đầu tư có hiệu quả đầu tư tốt.
Lợi thế công nghệ cũng giúp cho TCBS tận dụng được cơ hội thu hút khách hàng mới trong giai đoạn chứng khoán bùng nổ khi đại dịch COVID19 hoành hành, nhờ áp dụng định danh khách hàng điện tử (eKYC) sớm nhất thị trường.
Quý 3/2022, TCBS nắm giữ 5,23% thị phần môi giới cổ phiếu trên HOSE và 9% thị phần cho vay ký quỹ. Và cho đến hiện tại, chiến lược trở thành công ty công nghệ quản lý gia sản (wealthtech - quản lý tài sản bằng công nghệ) mà TCBS xây dựng từ năm 2014 vẫn đang chứng tỏ hiệu quả kinh tế, đi đầu thị trường khi mở ra bức tranh quản lý tài chính cá nhân lớn hơn một khoản đầu tư cổ phiếu hay trái phiếu thông thường. Xu hướng này đã diễn ra trên thế giới, và Việt Nam tương lai cũng không ngoại lệ.
Lợi ích cộng hưởng
Thực tế, đề xuất tăng vốn cho TCBS là lộ trình đã được lên kế hoạch, và được các thành viên HĐQT ủng hộ, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của TCBS, duy trì vị thế dẫn đầu trong các mảng kinh doanh cốt lõi. Từ đó, TCBS sẽ tiếp tục đóng góp lớn cho lợi nhuận và ROE hợp nhất của Techcombank.
9 tháng đầu năm 2022, TCBS vẫn giữ vững vị thế là CTCK có lợi nhuận lớn nhất ngành với 2.738 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong quý 3, CTCK đã đóng góp 13% vào lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ngân hàng mẹ - Techcombank.
Hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của TCBS đang đạt trên 300% thuộc top đầu các công ty chứng khoán và cao hơn nhiều so với quy định 220%. Sau kế hoạch tăng vốn này, CAR dự phóng của TCBS sẽ vượt trên 400%. Hạn mức cho vay ký quỹ của TCBS sẽ lên trên 40.000 tỷ đồng.
Việc tăng vốn là một trong các kế hoạch về huy động vốn của TCBS trong giai đoạn chiến lược 2021-2025. Song song với kế hoạch tăng vốn cổ phần này, TCBS cũng chủ động đẩy mạnh việc đa dạng hóa các nguồn vốn vay tín chấp từ các định chế nước ngoài, vốn được xem là có tính ổn định và dài hạn hơn nhưng cũng nhiều tiêu chí khắt khe hơn.