Thủ phủ làm đẹp mới của thế giới
Nhiều người sẽ tỏ ra ngạc nhiên khi biết được rằng Iran từ nhiều năm nay đã được cho là một thủ phủ làm đẹp mới của thế giới, biệt danh mà khi nói đến người ta thường nghĩ đến Hàn Quốc, Thái Lan hay một nước nào đó. Marjan là một chủ cửa hàng quần áo 33 tuổi ở thủ đô Tehran của Iran. Cô đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, bao gồm một ca lầm mũi và một ca làm mí mắt và lông mày.
Để phẫu thuật mũi vào năm 2009, cô đã bỏ ra số tiền 45 triệu rials (tương đương hơn 3.000 USD) còn để cắt mí mắt và làm lông mày vào năm 2011, số tiền cô bỏ ra là gần 2.000 USD. Theo lời người phụ nữ này, khi còn thiếu niên, cô không nghĩ đến việc thay đổi khuôn mặt của mình. “Nhưng khoảng từ năm 2008, tôi bắt đầu thực sự cảm thấy cần phải thẩm mỹ. Tôi cảm thấy khuôn mặt của mình đã bắt đầu thay đổi so với trước đó trong khi tôi vẫn có thể trông trẻ hơn và xinh đẹp hơn nếu tôi muốn”, Marjan kể.
Theo người phụ nữ này, động lực để bản thân cô và nhiều cô gái trẻ khác cải thiện ngoại hình của mình chỉ đơn giản là lấy được một người chồng tốt hơn, một người đàn ông có điều kiện tốt hơn. “Đồng thời, bản thân chúng tôi cũng thấy thoải mái hơn khi ra ngoài xã hội do chúng tôi tự tin hơn về ngoại hình của mình. Tôi luôn cảm thấy có gì đó thiếu sót trên gương mặt mình và tôi thực sự ghét vẻ ngoài của mình khi cười. Vì vậy tôi thực sự không thoải mái khi giao tiếp với mọi người. Giờ tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều”, cô nói.
Trong số đó, Iran là nước có tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ mũi cao nhất thế giới. Mong muốn lấy chồng, có ngoại hình lai Tây… là những lý do phổ biến thôi thúc người Iran đi làm mũi. Theo một thống kê trên tờ báo Etemad theo khuynh hướng bảo thủ, từ năm 2013, mỗi năm tại Iran có tới 200.000 người, chủ yếu là phụ nữ, đến gặp bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ để giảm kích thước cánh mũi và làm cho đầu mũi cao hơn. Không chỉ nữ giới, nam giới ở Iran cũng “sốt sắng” không kém với việc làm mũi. Điển hình là anh Mohammad, làm việc trong một cửa hàng trang điểm và phụ kiện thời trang ở một khu vực sầm uất của Tehran.
Phụ nữ Iran nâng mũi nhiều nhất thế giới. |
Cùng với việc cải thiện ngoại hình, Mohammad cho hay, thu hút nhiều khách hàng hơn là động lực chính khiến anh tìm đến thẩm mỹ. “Tôi tiếp xúc với hàng trăm cô gái và phụ nữ mỗi ngày. Họ tìm đến tôi khi muốn mua đồ mỹ phẩm, vì vậy tôi phải trông thật đẹp và chỉn chu”, anh này nói. Kết quả một nghiên cứu do Hiệp hội Nghiên cứu của Iran tiến hành với sự hợp tác của Đại học Johns Hopkins ở Mỹ cho thấy tỷ lệ làm mũi trên đầu người ở Iran cao gấp 7 lần ở Mỹ.
Số người trả tiền cho các ca phẫu thuật hút mỡ bụng và làm ngực cũng ngày càng tăng ở Iran. Dù không có số liệu thống kê chính xác về những ca phẫu thuật này nhưng các báo cáo từ các chuyên gia trong lĩnh vực này cho thấy chỉ 1/5 trong số những ca phẫu thuật làm bụng và ngực ở Iran là vì mục đích y tế, phần còn lại là thẩm mỹ. Tiêm botox vào má hoặc trán để che giấu nếp nhăn, tiêm collagen ở môi để làm đầy đặn hơn hoặc xăm lông mày cũng ngày càng trở nên phổ biến ở nước này. Một phân tích cho hay, phẫu thuật thẩm mỹ ở Iran cũng phổ biến như ở Brazil.
Động cơ bất ngờ
Xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ dường như cũng bao gồm cả vợ và con gái của những nhân vật bảo thủ trong giới cầm quyền ở nước Cộng hòa Hồi giáo này. Theo tờ Ettela'at của Iran, vợ của ông Ali Akbar Velyati - cố vấn chính sách đối ngoại đặc biệt của Lãnh tụ tối cao của Iran - cũng đã qua đời do biến chứng của việc hút mỡ. Thậm chí, có ý kiến cho rằng không ai ám ảnh về vẻ đẹp hình thể hơn của người Iran.
Những người trẻ - một số ở độ tuổi 14 – cũng tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ với hy vọng có được “khuôn mặt búp bê” giống những diễn viên mà họ thấy trong các bộ phim Hollywood và các chương trình truyền hình. Sự gia tăng các ca thẩm mỹ đã đưa Iran vào nhóm 10 quốc gia hàng đầu thế giới thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Quốc tế cho biết, năm 2013, nước này xếp hạng thứ tư trên toàn thế giới, sau Brazil, Mexico và Mỹ - về số ca sửa mũi.
Đối với nhiều người, việc phẫu thuật thẩm mỹ không phải là để họ trở nên đẹp hơn trong mắt người khác mà là một phản ứng đối với các quy tắc buộc phải đeo khăn trùm đầu khi ra ngoài. Trong một xã hội bảo thủ như Iran, tất cả phụ nữ khi tới nơi công cộng đều phải đội ít nhất một chiếc khăn trùm lên đầu và cổ. “Bản chất con người là muốn tìm kiếm sự chú ý bằng dáng người, mái tóc, làn da đẹp... nhưng khăn trùm đầu không cho phép bạn làm điều đó.
Vì vậy, chúng tôi phải thỏa mãn bản năng đó bằng cách thể hiện “nghệ thuật” trên khuôn mặt của mình”, một phụ nữ Iran lý giải về việc vẫn quyết tâm đi thẩm mỹ dù không có cơ hội phô bày vẻ đẹp của mình trước mặt người khác. Với một số người khác, việc đi thẩm mỹ đơn giản là tận dụng những lợi ích của sự hiện đại. “Khoa học và công nghệ ngày càng tiến bộ, và mọi người có thể trông đẹp hơn. Tại sao chúng ta lại không làm vậy”, một người nói.
Tỉ lệ thuận với nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ bùng nổ ở Iran, ngày càng có nhiều ca phẫu thuật được thực hiện bởi những người hành nghề không có giấy phép. Nhóm nghiên cứu bệnh học của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Arya ở Tehran trong một báo cáo cho biết chỉ có 157 bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép ở thủ đô của Iran nhưng trên thực tế có khoảng 7.000 người đang làm công việc này. Hậu quả là đã có sự gia tăng các ca phẫu thuật hỏng, với một số bệnh nhân bị tổn thương không thể khắc phục được. Bác sỹ tâm lý Reza dẫn một báo cáo cho hay, khoảng 30% những người phẫu thuật thẩm mỹ ở Iran không hài lòng với kết quả của việc làm đẹp bằng dao kéo mà họ đã trải qua.
Lệnh cấm đáng chú ý
Dư luận thế giới trong tuần qua xôn xao trước việc Lãnh tụ tối cao của nước Cộng hòa Hồi giáo này Ayatollah Ali Khamenei đã ban hành lệnh cấm các bác sĩ phẫu thuật nam thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ cho phụ nữ. Theo truyền thông Iran, lệnh cấm trên được ông Ali Khamenei đưa ra khi trả lời câu hỏi của một trong những tín đồ của mình về sự phổ biến của phẫu thuật thẩm mỹ ở phụ nữ trẻ Iran. “Nếu một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ không gây ra thiệt hại đáng kể về thể chất thì việc phẫu thuật không phải là vấn đề”, Lãnh tụ tối cao của Iran được truyền thông nước này dẫn lời cho hay.
Tuy nhiên, ông Ali Khamenei cũng lưu ý rằng phẫu thuật thẩm mỹ vì lý do thẩm mỹ không phải là một phương pháp điều trị y tế nhằm điều trị bệnh. “Do vậy hành động khám và chạm của bác sĩ nam với bệnh nhân nữ là không được cho phép”, Lãnh tụ tối cao của Iran nhấn mạnh. Lệnh cấm này mang tính chất ràng buộc và những người hành nghề y tại Iran sẽ phải tuân thủ.
Iran là một trong những quốc gia có tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ cao nhất trên thế giới. Theo tờ nhật báo Etemad của nước này, mỗi năm có khoảng 250.000 phụ nữ Iran phẫu thuật thẩm mỹ. Ngành phẫu thuật thẩm mỹ tại Iran cũng thu hút rất nhiều bệnh nhân đến từ các nước Trung Đông và những người Iran ở nước ngoài. Nhiều khách hàng lựa chọn Iran để cải thiện nhan sắc nhờ dao kéo một phần vì giá rẻ. Chi phí để căng da cánh tay tại Iran có giá 2.200 USD trong khi tại Mỹ là 4.500 USD và 3.800 USD tại các quốc gia châu Âu.
Hoặc, việc phẫu thuật cắt mí mắt ở Iran có giá 1.000 USD, trong khi tại Mỹ là 6.200 USD. Trong khi đó, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Iran lại chủ yếu là nam giới. Do đó, một bác sỹ cho hay, lệnh cấm nói trên chắc chắn sẽ khiến doanh thu của các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nam ở Iran sụt giảm nghiêm trọng vì có rất ít bác sĩ phẫu thuật nữ làm trong lĩnh vực này.