Không còn hiện tượng vay tiền treo gác bếp…
Tại cuộc Tọa đàm “Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng qua, 9/11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi nhớ lại thời cho vay chính sách còn nằm ở Kho bạc Nhà nước, sau đó chuyển sang Ngân hàng NN&PTNT, rồi hình thành Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) như hiện nay.
“Khi còn ở Kho bạc nợ rất cao vì người ta nghĩ đây là tiền nhà nước. Khi chuyển sang Ngân hàng NN&PTNT, đã thành lập Hội đồng Quản lý. Đến khi hình thành NHCSXH, đích thân Thống đốc NHNN là Chủ tịch HĐQT NHCSXH. Suốt 15 năm hoạt động của NHCSXH và 30 năm đổi mới, tín dụng chính sách đã khẳng định là một trong các quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Việt Nam, hệ thống chính sách tín dụng ưu đãi không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước...”- ông Bùi Sỹ Lợi nhận định.
Theo báo cáo của NHCSXH, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH luôn có sự tăng trưởng qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 25,82%. Sau 15 năm hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn..., đóng góp quan trọng để thực hiện được các mục tiêu đặt ra tại Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thời kỳ 2001-2005 từ 17% xuống 7%, thời kỳ 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%, thời kỳ 2011-2015 từ 14,2% xuống còn 4,25%.
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao (Chương trình hộ nghèo, Học sinh sinh viên và Giải quyết việc làm), đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác cho NHCSXH thực hiện. Đến 30/9/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ là 13.944 tỷ đồng, với gần 457 nghìn đối tượng đang dư nợ.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH, đến nay không còn hiện tượng đồng bào vay vốn rồi cất lên gác bếp đến kỳ trả nợ lấy ra trả nữa. Bà con đã biết sử dụng đồng vốn vay để kinh doanh, phát huy hiệu quả.
Điều đáng mừng là tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9/2017 (Trong đó nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%).
Thêm nguồn lực cho tín dụng chính sách
Báo cáo của NHCSXH cho biết, đến ngày 30/9/2017, tổng nguồn vốn đạt 179.120 tỷ đồng, tăng 172.098 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. Trong đó: NSNN cấp vốn điều lệ và cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng đạt 27.762 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng nguồn vốn; NHCSXH huy động trên thị trường, vay NHNN, nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng nhà nước và phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 129.775 tỷ đồng, chiếm 72,5%/tổng nguồn vốn. Nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay đạt 8.485 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng nguồn vốn.
Theo Phó Tổng Giám đốc NHCSXH, Nguyễn Đức Hải, cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn NHCSXH tự huy động được NSNN cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương, giảm dần nguồn vốn cấp trực tiếp từ NSNN cho các chương trình. Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách; NSNN cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn các chương trình tín dụng chính sách chưa kịp thời. Bên cạnh đó, một số địa phương dành nguồn lực từ ngân sách để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn còn hạn chế. Hiện có một số chương trình tín dụng chính sách có thời hạn cho vay dài, nhưng chưa cân đối được nguồn lực tương ứng (Cho vay nhà ở xã hội đến 25 năm).
“Rất mong nguồn lực từ các tổ chức quốc tế thông qua các chương trình mục tiêu cho NHCSXH vay lại để cơ cấu lại nguồn lực...”- ông Hải đề nghị. Đại diện NHXCSXH cũng đề nghị khi ban hành chính sách phải cân đối được nguồn lực để đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của chương trình...
Đại diện NHNN, ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cũng xác nhận đây là một trong những tồn tại trong hoạt động của NHCSXH. “NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ NHCSXH trong việc huy động vốn, vay tái cấp vốn và chỉ đạo các tổ chức tín dụng nhà nước thực hiện duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH theo quy định; kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh...: - ông Hùng cho hay.
“Với các kết quả đạt được trong suốt 15 năm qua, cùng với sự tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện của NHNN, sự nỗ lực của NHCSXH trong thời gian tới, chắc chắn hoạt động tín dụng chính sách tại NHCSXH sẽ ngày càng đóng vai trò trụ cột góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước. Thành tựu này được các đại biểu Quốc hội nhận xét là một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam”. - Ông Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
“Việc tồn tại các cơ chế tín dụng đặc biệt cho người nghèo là tất yếu. Tuy nhiên, quan trọng hơn là làm thế nào để tăng cường khả năng đáp ứng về nhu cầu vốn cũng như đảm bảo được tính bền vững của một cơ chế tín dụng đặc biệt cho người nghèo. Điều này đòi hỏi NHCSXH cần tiếp tục đánh giá, nhìn nhận các thành công cũng như các vấn đề hiện tại, so sánh với các nguyên tắc và bài học đúc rút được từ thực tiễn quốc tế và điều kiện môi trường Việt Nam để có những bước đi phù hợp tiếp theo…” - Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Chiến lược Ngân hàng