Tinh thần tuổi trẻ với khí nhạc dân tộc
Chưa bao giờ tôi biết một dự án của người trẻ hướng về nguồn cội lại thú vị và cuốn hút như vậy. “Cầm Đàn” - một không gian thực hành, sáng tạo, chơi nhạc vô lo dành cho mọi người, được khởi xướng bởi dự án Tình tang.
Bùi Huỳnh Khánh Tường, hiện đang theo học đàn tranh tại Nhạc viện TP HCM là trưởng nhóm của dự án này cho biết, ý tưởng về “Cầm Đàn” xuất phát từ chính mong muốn của nhóm là khao khát tập thử và tập chơi với âm nhạc của chính mình bằng sự thôi thúc từ cảm xúc ngô nghê mà tự nhiên nhất. Để từ đó xem với những nhạc khí đã gắn bó bấy lâu liệu mình còn điều gì chưa biết về mình và về nhạc khí ấy? Và mình có thể làm được gì? Âm nhạc của mình sẽ nghe như thế nào?
Những câu hỏi ấy là động lực khiến họ tập tành thực hành, sáng tạo, nhưng cũng gói kèm những băn khoăn, trăn trở. “Trên hành trình ấp ủ và thực hiện “Cầm Đàn” trong gần một năm qua, chúng em đã đi tìm những câu trả lời ấy cùng nhau” - Khánh Tường cho biết - “Xuất phát điểm và điểm chung của chúng em vốn là những bạn trẻ được tiếp xúc với âm nhạc, với nhạc khí truyền thống từ khá sớm. Một vài bạn đã từng học cùng các nghệ sĩ dân gian, tự học, có niềm yêu thích và rồi chúng em cùng gặp nhau tại Nhạc Viện TP HCM. Qua những lần giao lưu, nhận ra chúng em có những quan điểm tương đồng về âm nhạc truyền thống trong đời sống hiện đại. Sau một thời gian thực hành, chúng em muốn có một sân chơi âm nhạc cho riêng mình, kết hợp tổ chức cùng Vietnamme, “Cầm Đàn” đã ra đời và chúng em đã có chuỗi sự kiện vào tháng 4/2023”.
“Thông qua dự án, chúng em hy vọng đã kịp nhóm một ngọn lửa, khuyến khích và cổ vũ cho những ý tưởng nghệ thuật thú vị, thúc đẩy những kết nối, thực hành và sáng tạo âm nhạc trong cộng đồng. Mong rằng dự án đã mang đến cho mọi người những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ về một hành trình chơi nhạc vô lo” - Khánh Tường cho biết.
Những “linh hồn” của “Cầm Đàn”
“Cầm Đàn” là một talkshow mang đến những câu chuyện âm nhạc, có mặt những nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp như thầy Trần Mạnh Hùng, thầy Mai Thanh Sơn và anh Teddy Chilla - những người đi trước mang cảm hứng cho nhóm của Khánh Tường xóa tan đi nỗi lo ngại, có thêm động lực và cảm hứng để tiếp tục cuộc hành trình mới lạ, hấp dẫn, lý thú.
“Cứ thử nghiệm, chơi nhạc với nhau, dù là khác biệt, nhưng rồi đôi bên sẽ vỡ ra nhiều thứ, vậy mới tập sáng tạo được” - thầy Trần Mạnh Hùng, một thành viên tích cực của dự án chia sẻ.
Là một người tiếp xúc với nhạc cụ truyền thống từ bé - đàn bầu, sau nhiều năm trải nghiệm, tìm kiếm ngôn ngữ âm nhạc của mình, thầy Trần Mạnh Hùng chọn theo đuổi dòng nhạc thính phòng giao hưởng - một dòng nhạc mang đậm dấu ấn phương Tây. Tuy nhiên, những âm thanh bản địa như âm hưởng của các vùng văn hoá Tây Bắc, Champa, cố đô Huế và Tây Nguyên,... lại là những cảm xúc ban đầu đã chấp bút cho thầy vẽ nên một bức tranh sơn hà bằng ngôn ngữ của dàn nhạc giao hưởng (Petite Suite for Orchestra “Thiên Thanh”).
Ở thầy Mai Thanh Sơn, Việt Nam lại là yếu tố then chốt trong ngôn ngữ âm nhạc của thầy, thể hiện một hành trình với nhiều sự dấn thân với nhạc cụ dân tộc. Là một nghệ sĩ biểu diễn đàn nguyệt và bộ gõ dân tộc được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc, thầy có khả năng biểu diễn được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, thầy đã được mời biểu diễn tại các sự kiện quan trọng và lưu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Cuối cùng, Teddy Chilla - một người đã và đang thực hành, mang đến những bản phối “tây nghe cũng được, ta nghe cũng được nhưng mở lên là người ta sẽ biết ngay đó là nhạc Việt”. Phép cộng giữa âm nhạc điện tử và các chất liệu Việt Nam đã làm nên những chi tiết, rất nhỏ, rất sâu - gợi mở một trải nghiệm âm thanh đa dạng, đa chiều trong các sản phẩm của anh.
Âm nhạc truyền thống có buồn chán không?
Trưởng nhóm Khánh Tường dường như đã đem hết tâm tư gửi trao cho âm nhạc truyền thống. Ngay từ thuở ấu thơ, cô đã bắt đầu với đàn tranh khi chỉ vừa lên 6, rồi quyết định gieo mãi lòng mình cho thứ tình yêu diệu kỳ này. Hiện tại, Khánh Tường đã tốt nghiệp hệ trung cấp ngành biểu diễn đàn tranh tại Nhạc viện TP HCM cùng vô số hoạt động sôi nổi và giải thưởng danh giá… “Âm nhạc thường đưa người nghe đến chân trời tự do trong tâm hồn. Còn với người chơi nhạc, tự do đôi khi là được thả cảm xúc trôi theo những khuông nhạc không khuôn khổ” - Khánh Tường bộc bạch.
Chính đam mê đó đã khiến Khánh Tường thôi thúc thực hiện dự án độc và lạ này, cô chia sẻ rằng tình yêu âm nhạc truyền thống đã gắn bó các thành viên lại với nhau để khám phá vẻ đẹp của thanh âm.
Cô gái nhỏ bé chia sẻ thêm, bắt đầu “Cầm Đàn” đơn giản là tò mò rằng mình có thể làm gì với những nhạc khí truyền thống mà mình gắn bó bấy lâu. Ngỡ là mình đã hiểu hết những âm thanh, kỹ thuật vốn có của nhạc cụ ấy, nhưng trong quá trình thực hiện “Cầm Đàn” chính những nhạc khí ấy đã đưa họ đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. “Cầm Đàn” mong muốn mở ra một sân chơi vô lo, một phòng thí nghiệm âm nhạc, để các bạn có thể tập: tập chơi, tập thể nghiệm và có những thực hành, sáng tạo một cách cởi mở và thoải mái với các nhạc khí của mình.
“Tại “Cầm Đàn”, ngay từ đầu chúng em đã không phân loại “đây là đàn dân tộc”, “kia là đàn phương tây”. “Này là bàn DJ, controller, là nhạc khí điện tử”.... Những cách gọi ấy không sai, nhưng với chúng em thì chúng đều là đàn, là nhạc khí - một cách bình đẳng. Thay vì mang tâm lý so sánh piano hay guitar có thể đánh được nhiều nốt hơn đàn tranh, đàn kìm thì chúng em học cách tôn trọng sự khác biệt của nhau, tôn trọng những nhạc khí của mình và cùng tìm hiểu cách kết nối chúng cùng nhau, như là một kiểu đối thoại qua âm nhạc, như là đi tìm tiếng nói của chính mình qua nhạc khí vậy.
Chúng em giới thiệu cho nhau về những sự khác biệt và thú vị của chúng cho đối phương: có bạn được biết thêm nhiều điều về nhạc truyền thống, có bạn biết thêm về những kiến thức nhạc lý, hay một số thể loại nhạc hiện đại mà trước đây chúng em chưa từng nghe đến bao giờ” - theo trưởng nhóm Khánh Tường.
Khánh Tường cho biết là từ sự thành công và yêu mến của khán giả, cô mong muốn dự án sẽ phát triển để cộng đồng yêu nhạc được thưởng thức âm nhạc với phong cách mới.
Theo Khánh Tường: “Sau chuỗi sự kiện trên thì hiện chúng em vẫn có những thành viên hoạt động thường trú với tên gọi “Cầm Đàn Collective”, chúng em vẫn tổ chức các buổi chơi ngẫu hứng, đa quy mô, kết hợp và hoàn thiện một số những sản phẩm âm nhạc cùng nhau. Chúng em chỉ mới bắt đầu hành trình của mình thôi và ý tưởng về sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại này cũng không mới, chúng em thực sự đã được truyền cảm hứng và học hỏi, mở mang được rất nhiều điều từ quan điểm, kiến thức, cách thực hành,... từ thầy cô và các anh chị nghệ sĩ đi trước để từ đó xây dựng “Cầm Đàn” của riêng mình. Xuyên suốt quá trình này, điều duy nhất là nét riêng của chúng em (hầu như thành viên nào cũng có) chính là sự tò mò.
Nhờ có điều này làm động lực, đã thôi thúc chúng em muốn được trao đổi và học hỏi lẫn nhau (đặc biệt là những kiến thức về âm nhạc truyền thống) và một tinh thần không ngại thử, không ngại sai, không ngại việc nghe không hay để từ đó chúng em rút được kinh nghiệm và tiến bộ hơn. Và quan trọng hơn hết là niềm vui có được từ âm nhạc của chính mình!”.
“Cầm Đàn” là một dự án kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại của các bạn trẻ với một tình yêu dành cho những gì mà mình đang theo học. Từ cách mà các bạn luyện tập và chăm chút cho từng tiết mục hoàn toàn có thể thấy được sự vô tư và khao khát của các bạn dành cho dự án. Phải tự bỏ tiền làm show và số tiền vé bán ra cũng không đủ cover chi phí của toàn dự án nhưng các bạn vẫn vui vẻ, quyết tâm phải làm được và nỗ lực như thế trong nhiều tháng.
Các bạn giỏi nhưng lại rất khiêm tốn, chỉ khi nhận được sự ủng hộ của toàn thể khán giả tham dự show diễn, các bạn mới dám tin rằng những chuyện mình làm không chỉ được yêu thích bởi chính mình mà còn được khán giả quan tâm và khích lệ, rồi từ đó lại tiếp tục giữ nhóm âm nhạc, mong rằng sẽ lại được biểu diễn cho mọi người xem thêm nhiều lần nữa” - anh Xuân, một đối tác của “Cầm Đàn” chia sẻ.