Tìm về 'căn cước văn hóa' Việt qua cổ phục cung đình

Cổ phục triều Nguyễn được trưng bày tại “Thấp thoáng vàng son”. (Ảnh: Lê Huy)
Cổ phục triều Nguyễn được trưng bày tại “Thấp thoáng vàng son”. (Ảnh: Lê Huy)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những bộ y phục cung đình của vua, hoàng hậu, thái tử, công chúa đã được các nghệ nhân “hồi sinh”. Sự say mê kết hợp với bàn tay tài hoa và tâm đức của các bạn trẻ tiếp nối các nghệ nhân đi trước đã tạo nên thành quả quý giá, góp phần giữ gìn di sản văn hóa Việt.

“Thấp thoáng vàng son” hồi sinh cổ phục

Triển lãm “Thấp thoáng vàng son” tại Hà Nội giới thiệu 10 bộ lễ phục cung đình triều Nguyễn lộng lẫy được phục dựng tinh xảo, đưa cổ phục Việt đến gần hơn với giới trẻ. Đây là hoạt động nằm trong dự án phục dựng và tôn vinh trang phục truyền thống do nhóm Great Vietnam, một nhóm các bạn trẻ nghiên cứu, thực hành và cung cấp các giải pháp về cổ phục Việt Nam tổ chức.

Anh Vũ Đức, người sáng lập nhóm Great Vietnam cho biết: “Trong triển lãm, tất cả 10 bộ trang phục này đều được tái hiện nguyên mẫu theo các bộ trang phục xưa. Điểm đặc biệt nhất của những bộ trang phục này không phải là việc thêu áo hay may áo mà là việc dập áo, tái hiện lại đúng việc dập áo của áo dài ngũ thân, các loại áo bào. Bên cạnh đó là câu chuyện về hoa văn. Bởi vì, trong các trang phục ngày xưa, đặc biệt là của các triều đại cuối cùng của Việt Nam như triều Lê Nguyễn thì hoa văn bao giờ cũng khẳng định bản sắc, văn hoá, thẩm mỹ, mỹ thuật của người Việt”.

Để có được “Thấp thoáng vàng son”, Great Vietnam đã phải dành ba năm để nghiên cứu, tìm tòi và phục chế lại các bộ trang phục này. Từ ảnh chụp, bảo tàng hay các phiên đấu giá quốc tế, các bộ trang phục này đã được phục chế lại. Lần đầu tiên, 10 bộ trang phục được phân loại theo sự kiện cũng như các vị trí khác nhau trong cung đình thời Nguyễn như áo dài năm thân; khăn xếp; mũ mão vua quan; hoàng bào... Triển lãm “Thấp thoáng vàng son” kéo dài đến hết ngày 31/5/2025 tại Sắn Café (Nguyễn Xiển, Khu đô thị mới Hạ Đình, Hà Nội).

Những năm trở lại đây, hàng loạt dự án về cổ phục được thực hiện bởi các bạn trẻ đến từ: Ỷ Vân Hiên, Năm Tuyền, Hoa văn Đại, Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp, Great Vietnam... Đa phần những nhà thiết kế, những nghệ nhân, những nhà nghiên cứu đều có tuổi đời còn trẻ. Đặc biệt, với sự hỗ trợ, cố vấn của các nhà sử học, nhà nghiên cứu lão làng, uy tín cùng với lòng nhiệt huyết, sự đam mê, tính cách dám nghĩ dám làm, đã giúp người trẻ nhanh chóng tạo nên sức sống mới cho những trang phục tưởng như đã cũ.

Nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc tâm niệm: “Cổ phục không phải là cái gì lạc hậu, cũ kĩ mà thực ra, rất đẹp và sang trọng. Tinh hoa của cả một dân tộc được gửi gắm tinh tế, ý nhị và hài hòa trong từng hoa văn, vạt áo. Vẻ đẹp đó đến tận hôm nay vẫn không hề bị lạc hậu, lu mờ so với nhu cầu hiện đại để các nhà thiết kế quyết tâm đưa cổ phục trở lại đời sống. Trào lưu tìm về cổ phục là tất yếu. Bởi khi thế giới càng phẳng, quá trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ cũng là lúc người ta tìm về “căn cước văn hóa”, lịch sử của dân tộc mình để khẳng định bản sắc riêng, định vị mình giữa vô vàn nền văn hóa”.

Ngược dòng lịch sử, níu giữ những tinh hoa đất Việt

Làng nghề Đông Cứu (xã Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội) - ngôi làng nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ có truyền thống lâu đời về nghề thêu tay, chuyên chế tác phẩm phục cho triều đình. Một trong những cá nhân tiêu biểu đã phục dựng và hồi sinh những bộ trang phục cung đình truyền thống thành công chính là nghệ nhân Vũ Văn Giỏi. Ông Giỏi là hậu duệ của gia đình 6 đời làm nghề thêu, bản thân ông đã có gần 30 năm tìm tòi và phục dựng những cổ phục triều đình.

Tới nay, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã làm được hàng chục y phục, từ y phục của vua tới hoàng hậu, thái tử, công chúa... Mỗi y phục cung đình là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chi phí làm ra cũng tốn kém tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng/bộ. Các bộ y phục cung đình của ông từng được mang đi triển lãm tại Festival Huế; triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Dân tộc Hà Nội, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ…

Nhắc tới nghệ nhân “hồi sinh” y phục cung đình, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới nghệ nhân Trịnh Bách. Nghệ nhân Trịnh Bách cũng chính là người đưa nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đến cơ duyên phục dựng y phục này. Năm 2005, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đưa 8 bộ y phục cung đình do nghệ nhân Trịnh Bách phục chế sang triển lãm tại Nhật Bản.

Để có được những bộ y phục cung đình nói trên, nghệ nhân Trịnh Bách đã cất công tìm gặp những người trong hoàng tộc nhà Nguyễn lưu lạc ở nước ngoài như hậu duệ của Gia Hưng Vương (con Vua Thiệu Trị), cháu ngoại Công chúa Mỹ Lương (con Vua Dục Đức, chị Vua Thành Thái) đã 80 tuổi để nghe họ nói về những tập tục và thể thức ăn mặc trong cung cấm và được xem những chiếc áo của hoàng thất nhà Nguyễn.

Bên cạnh việc nghiên cứu nhiều sách cổ kim nói tới lề lối ăn mặc cung đình, ông còn đến khảo sát thực tế các bộ trang phục của hoàng gia triều Nguyễn ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế. Nghệ nhân Trịnh Bách cũng đã tới nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới từ Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản để đối chiếu xem vua triều Nguyễn và vua xứ người trang phục khác nhau ra sao. Và ông phát hiện ra rằng, triều phục của triều đình Việt Nam có nhiều chi tiết tinh tế, khó dệt, khó thêu hơn.

Từ những tư liệu đó, cộng với kết quả nghiên cứu các mẫu trang phục cung đình, ông đã tổng hợp một cách hệ thống các thể chế quy định việc ăn mặc trong triều Nguyễn và một phần của nhà Lê rồi bắt tay vào việc tìm thợ để “hồi sinh” những y phục cung đình. Nghệ nhân Trịnh Bách “hồi sinh” những trang phục cầu kỳ của vua chúa như: Long bào xuân hạ Hoàng đế, Phượng bào thu đông Hoàng hậu, Sa kép xuân hạ Quý phi, Sa kép xuân hạ Thái tử, Mãng bào thu đông Hoàng tử, Mệnh phụ thu đông Công chúa…

Theo các nghệ nhân và các bạn trẻ tiếp nối đam mê gìn giữ di sản, khi phục hồi y phục cung đình, quan trọng nhất là phải nghiêm túc, thận trọng, cần kiên trì và đủ đam mê, am hiểu kiến thức về lịch sử, văn hóa vì đó là góp phần gìn giữ những di sản văn hóa dân tộc.

Tin cùng chuyên mục

Có một Tản Đà nhà báo

Có một Tản Đà nhà báo

(PLVN) - Công chúng nhớ đến Tản Đà, là nhà thơ, nhà văn, nhưng với báo chí, Tản Đà lại vừa có cá tính, tài hoa, vừa ngang tàng khiến cho Hoài Thanh - Hoài Chân gọi ông là “tiên sinh”, một người có phẩm cách đi giữa đời sống gió bụi, xô bồ nhưng giữ được sự thanh thản.

Đọc thêm

Nhớ về thương cảng Hội An

 Ảnh trong bài: Tuấn Ngọc
(PLVN) - Thương cảng Hội An được giới sử học cho rằng đã bắt đầu hình hài vào cuối thế kỷ XVI, ở vùng đất Thuận Quảng của Chúa Nguyễn. Hội An, có thời là khu “trên bến, dưới thuyền” sầm uất, nhưng rồi suy tàn khi người Pháp đô hộ Việt Nam.

Festival Mỳ Quảng 2025, lan tỏa hương vị di sản ẩm thực xứ Quảng

Festival Mỳ Quảng 2025, lan tỏa hương vị di sản ẩm thực xứ Quảng
(PLVN) - Festival Mỳ Quảng 2025 chính thức khai hội tại làng nghề Đông Khương (phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), sự kiện không chỉ tôn vinh món ăn trứ danh của vùng đất Quảng mà còn mở ra hành trình quảng bá di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đến du khách gần xa.

Fashion show 'Di Sản Hà Nội' – Hành trình di sản được kể bằng ngôn ngữ áo dài

Fashion show 'Di Sản Hà Nội' – Hành trình di sản được kể bằng ngôn ngữ áo dài
(PLVN) - Tối 31/5/2025, tại Hà Nội, trong không gian linh thiêng và cổ kính của Hoàng thành Thăng Long – Di sản Văn hóa Thế giới, chương trình Fashion Show “Di Sản Hà Nội” đã diễn ra đầy xúc cảm. Sự kiện do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng Câu lạc bộ Văn hóa Áo dài Việt Nam tổ chức, là điểm nhấn nghệ thuật đặc biệt trong chuỗi hoạt động quảng bá du lịch Thủ đô năm 2025.

Bảo vệ bảo vật quốc gia: Cần đánh giá lại hệ thống gìn giữ di sản

 Ngai vàng triều Nguyễn đặt tại điện Thái Hòa là bản gốc, được công nhận Bảo vật quốc gia. (Ảnh: Vi Thảo)
(PLVN) - Vụ việc bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy gây chấn động dư luận cả nước. Đây là chiếc ngai vua nguyên vẹn, tinh xảo, là biểu trưng quyền lực tối cao của triều Nguyễn suốt 143 năm tồn tại, được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2015. Vụ việc này là hồi chuông cảnh báo trong công tác bảo vệ những di sản, bảo vật quốc gia.

Liệt nữ trong lịch sử

Một phiên chợ ở Bắc Kỳ, khoảng năm 1890. (Nguồn: ST)
(PLVN) - Quan niệm của Nho giáo về người phụ nữ tiết hạnh, trinh nữ, tiết phụ, liệt nữ có ảnh hưởng sâu nặng trong đời sống văn hóa Trung Quốc, Đông Á và chiều dài lịch sử Việt Nam. Đã có những câu chuyện người xưa vinh danh những người đàn bà này.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP.Huế khẩn trương kiểm tra vụ phá hoại bảo vật quốc gia "Ngai vua triều Nguyễn”

Ngai vua triều Nguyễn - Bảo vật quốc gia trước khi bị phá hoại.
(PLVN) -  Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính yêu cầu UBND TP.Huế khẩn trương kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của bảo vật quốc gia “Ngai vua triều Nguyễn” sau sự cố bị xâm hại tại Điện Thái Hòa, đồng thời đề xuất giải pháp bảo quản, phục hồi theo đúng quy định.

Nhìn lại những trò chơi dân gian tuổi thơ

Tuổi thơ của nhiều thế hệ gắn liền với những trò chơi dân gian. (Ảnh: ST)
(PLVN) - Người ta vẫn thường nói, ký ức tuổi thơ, dù vui hay buồn đều mang một ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời mỗi người. Bởi lẽ, đó là nơi lưu giữ những tháng năm trong trẻo và đẹp đẽ nhất của một đời người. Nhất là, với các thế hệ 8x trở về trước, tuổi thơ lại càng đáng nhớ khi không có thiết bị điện tử, không có Internet mà chỉ có những buổi chiều rong chơi cùng bạn bè với những trò chơi dân gian mộc mạc, giản dị.

Tuồng sẽ đi về đâu nếu người trẻ không tiếp bước?

NSƯT Nguyễn Thị Lộc Huyền chia sẻ với các bạn Gen Z về nghệ thuật Tuồng. (Ảnh Tuấn Ngọc)
(PLVN) - Talkshow “Tuồng và GenZ - Khi hồn Việt lên tiếng” tại Đại học Đại Nam vào chiều 21/5 là cầu nối độc đáo giữa tinh hoa nghệ thuật dân tộc và tư duy sáng tạo của GenZ, đồng thời là "bước đệm" để các bạn trẻ tự tin kể câu chuyện văn hóa Việt theo cách của riêng mình. Nhiều bạn trẻ đã bị thu hút trong buổi trò chuyện của NSƯT Nguyễn Thị Lộc Huyền – Trưởng đoàn Thể nghiệm Nhà hát Tuồng Việt Nam về Tuồng.