Tìm phương án sử dụng chất nạo vét cảng Dung Quất

15,5 triệu m3 vật chất sẽ cần mặt bằng rộng 300ha với chiều cao 5m để chứa.
15,5 triệu m3 vật chất sẽ cần mặt bằng rộng 300ha với chiều cao 5m để chứa.
(PLVN) - Trước băn khoăn, lo lắng của dư luận khi Công ty cổ phần Thép Hòa Phát - Dung Quất (Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp đồng ý cho nhận chìm 15 triệu mét khối vật chất nạo vét từ khu vực cảng Dung Quất (PLVN đã có bài phản ánh), ngày 3/4, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL-KKT) Dung Quất đã chủ trì cuộc họp với đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi và các doanh nghiệp đang hoạt động trong KKT Dung Quất. Nội dung xoay quanh việc bàn phương án sử dụng vật chất trong quá trình nạo vét cảng nước sâu Dung Quất…

Nạo vét phải đảm bảo môi trường

Tại cuộc làm việc, ông Đinh Văn Chung, Phó giám đốc Công ty CP thép Hòa Phát - Dung Quất cho biết, sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép nhận chìm vật chất ở biển với khối lượng 15,3 triệu m3, doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục cần thiết để trong quý II này bắt đầu nạo vét khoảng 6 triệu m3 cát, bùn sét.

Trong đó, Hòa Phát- Dung Quất sẽ sử dụng hai triệu m3 cho việc san lấp nội bộ, bốn triệu còn lại sẽ nhấn chìm tại khu vực đã được cấp phép. Tháng 7 tới, Hòa Phát - Dung Quất chính thức đi vào sản xuất. Tiến độ dự án rất quan trọng để bảo đảm hiệu quả kinh tế, vì vậy, việc nạo vét cảng chuyên dùng của doanh nghiệp đang rất bức thiết. 

Xác nhận nhu cầu cần thiết này, ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất cho biết, hiện nay, nhu cầu nạo vét để tạo độ sâu luồng lạch ra vào cảng Dung Quất của các doanh nghiệp (DN) khoảng 27 triệu m3 cát nhiễm mặn, bùn sét…

Trong đó, ngoài dự án nạo vét cảng chuyên dùng của Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất là 15,3 triệu m3, còn ba DN đang lập hồ sơ xin nạo vét cảng, luồng tàu vào ra. Bao gồm cảng tổng hợp 6 triệu m3; cảng Hào Hưng 4 triệu m3; dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn II gần 1,67 triệu m3.

“Không có việc chính quyền, cơ quan, ban ngành nào ở Quảng Ngãi ngăn cản việc Hòa Phát nạo vét và nhấn chìm vật chất ra biển, vì DN đã có giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, như phía DN phản ánh cả. Tuy nhiên, cần thống nhất phương án sử dụng vật chất nạo vét cảng Dung Quất để không ảnh hưởng môi trường”, ông Tài khẳng định. 

Đồng quan điểm, bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ: “Ở góc nhìn địa phương, chúng tôi phản ánh tâm tư, lo lắng của nhân dân. Bài học cá chết hồi tháng 10 năm ngoái còn đó, Hòa Phát mới chỉ nạo vét một ít mà gây nên tình trạng cá nuôi lồng bè chết hàng loạt, người dân phản đối, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, tỉnh phải bỏ ra hơn tám tỷ đồng hỗ trợ, bản thân Hòa Phát cũng hỗ trợ 500 triệu đồng.

Điều đó chứng tỏ lãnh đạo Công ty Hòa Phát - Dung Quất cũng nhận thức được trách nhiệm của mình trong vụ cá chết vừa rồi. Chúng tôi mong mỗi DN khi sản xuất, kinh doanh, không chỉ tính đến lợi ích của riêng mình, mà cần quan tâm đến cả lợi ích chung của xã hội, của nhân dân trong vùng dự án, đặc biệt vấn đề môi trường”. 

Chuyên gia cảnh báo

Trong khi đó, chuyên gia Hải dương học Trần Văn Sâm nhận định, việc nhận chìm cát, bùn sét nạo vét cảng Hòa Phát trên phạm vi 180 héc ta ở vùng biển Dung Quất dễ gây ảnh hưởng các loài sinh vật biển. Hàng triệu m3 vật chất nạo vét nhận chìm bị tác động bởi sóng biển, dòng hải lưu có thể gây bồi lấp thảm thực vật, di sản biển nơi đây. 

Đặc biệt, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều khuyến nghị trong việc thực hiện công viên địa chất (CVĐC) Lý Sơn- Sa Huỳnh. Theo tiến sỹ Guy Martini, Tổng Thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu GGN, CVĐC Lý Sơn- Sa Huỳnh hoàn toàn có đầy đủ tiềm năng và triển vọng để trong tương lai trở thành thành viên mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO.

Tuy nhiên, ông Martini khẩn thiết đề nghị chính quyền Quảng Ngãi quan tâm bảo vệ môi trường trong khu vực công viên địa chất, ít nhất là tại 81 điểm dự kiến tham quan nằm trong các tour - tuyến du lịch. Có như vậy mới bảo vệ và phát huy được giá trị của CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh.

Về việc nhận chìm vật chất ở biển Dung Quất, trong phạm vi xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch bày tỏ, khả năng tác động điểm địa chất (đối với quá trình nhận chìm vật chất tại Dung Quất- PV), về trực tiếp không ai có thể nói, còn phải chứng minh khoa học lâu dài.

Nhưng điều rõ ràng nhất là đổ chất thải từ nạo vét sẽ ô nhiễm.“Việc xử lý bùn, cát trong quá trình nạo vét cảng biển là bước đi bế tắc của Việt Nam, chứ không phải của riêng DN. Vấn đề không phải chỉ có cát không, trong đó có thể nó có nhiều thứ khác. Cứ tác động vào tự nhiên, sẽ có hệ quả”, ông Trí nhấn mạnh

Tương tự, thạc sĩ môi trường Trương Thị Bích Hồng, giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) nêu: Việc người dân phản ứng và lo lắng là hiển  nhiên. Chưa tính đến việc khối lượng vật chất có chứa những thành phần độc hại, chỉ cần mang một khối lượng lớn như thế nhận chìm sẽ có những tác động đến hệ sinh vật ở khu vực này. Còn nếu như có thành phần độc hại, sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và nhiều vấn đề khác. Do đó, nhận chìm vật chất nạo vét của Hòa Phát cần phải cân nhắc, đánh giá một cách thận trọng, cụ thể. 

Trong trường hợp khu vực nhận chìm thuộc CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh, càng phải thận trọng hơn, bởi vì sẽ dễ làm tổn thương đến di sản. Đáng nói, nếu kiểm tra mà khu vực CVĐC bị ảnh hưởng, sẽ không được UNESCO công nhận.

Cuối buổi làm việc, đại diện cảng vụ Dung Quất kết luận, không chỉ Dung Quất, mà tại các cảng biển trong cả nước, việc nhấn chìm vật chất nạo vét là cực kỳ khó khăn. Cục Hàng hải luôn ưu tiên phương án đưa vật chất nạo vét lên bờ. Ngoài cát có thể san lấp, có khoảng 20% bùn cần được xử lý riêng. Vì vậy đề nghị tỉnh Quảng Ngãi sớm quy hoạch, xây dựng các bãi thải để chứa những chất không thể san lấp hay nhấn chìm.

Đối với các DN được phép nạo vét trong khu vực cảng Dung Quất, đại diện cảng vụ Dung Quất yêu cầu phải đăng ký với Ban Quản lý KKT Dung Quất về nhu cầu, lộ trình, khối lượng, đặc tính của vật chất nạo vét để xây dựng kế hoạch chung cho toàn bộ khu vực cảng, tránh chồng chéo, cản trở nhau.

Từng DN phải tuân thủ quy định của pháp luật, cái gì được nhận chìm, cái gì không được nhận chìm. Tuyệt đối không được để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đến chính quyền địa phương và đến chính lợi ích của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Quảng Ngãi. 

Riêng việc sử dụng vật chất nạo vét để san lấp những vùng trũng thấp, nhiễm mặn trong khu KKT Dung Quất, Ban QL KTT Dung Quất sẽ xem xét cụ thể, trình UBND tỉnh nghiên cứu, quyết định. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Thanh niên tham gia tích cực vì khí hậu

Các chuyên gia lĩnh vực biến đổi khí hậu trao đổi tại Lễ công bố báo cáo của công tác thanh niên về chính sách khí hậu. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Với sự sáng tạo và sức trẻ năng động, thanh niên Việt Nam được coi là lực lượng nòng cốt đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tham gia tích cực vì khí hậu suốt thời gian qua.

Ra quân đạp xe hưởng ứng giờ Trái đất năm 2024

Các đoàn viên thanh niên đạp xe hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2024.
(PLVN) - Sáng nay - 23/3/2024, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam) tổ chức Chương trình ra quân đạp xe hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024.

Bạc Liêu cảnh báo nguy cơ cháy, nổ vào mùa khô

 Bạc Liêu cảnh báo nguy cơ cháy, nổ vào mùa khô
(PLVN) - Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các cấp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống cháy nổ, đồng thời đưa ra khuyến cáo để người dân nâng cao ý thức trong việc phòng cháy, chữa cháy, nhất là vào thời tiết nắng nóng như hiện nay.