Phải tạo dòng chảy cho sông
Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14km, chảy qua địa phận sáu quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Điểm bắt đầu từ phường Nghĩa Đô, thuộc quận Cầu Giấy (phía Nam đường Hoàng Quốc Việt), điểm cuối đổ ra sông Nhuệ đối diện làng Hữu Từ, thuộc xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì.
Trước đây, sông Tô Lịch cùng với sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét tạo nên hệ thống tiêu thoát nước chính của khu vực trung tâm TP Hà Nội. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, sức ép của quá trình đô thị hóa, cùng với sự thiếu ý thức về bảo vệ môi trường, giữ gìn lòng sông nên lòng sông bị thu hẹp, hành lang bảo vệ bị lấn chiếm ở nhiều đoạn, nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Cách đây hơn chục năm, TP Hà Nội đã kè lại hai bờ sông, nạo vét bùn lòng sông. Khi mới hoàn thành, nhiều đoạn sông đã tương đối sạch, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, vì nước thải và tình trạng xả rác, dòng sông lại tái ô nhiễm trong thời gian rất ngắn.
Theo Sở TN&MT Hà Nội, trung bình một ngày đêm sông Tô Lịch phải tiếp nhận hàng trăm nghìn m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý. Thế nên, dù được cải tạo, nạo vét và kè bờ đều đặn hằng năm, tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch vẫn được đánh giá là nghiêm trọng với các chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.
Chảy qua nhiều khu dân cư đông đúc, đáng ra con sông này phải là “lá phổi xanh”, tạo cảnh quan quý giá cho đô thị thì nó lại trở thành nỗi ám ảnh với người dân và du khách.
Mới đây, Hà Nội đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và hạng mục cống ngầm chạy dọc sông Tô Lịch nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm tại con sông này, sau đó sẽ tạo dòng chảy cho sông.
Cuối năm 2020, làm việc với Sở Xây dựng, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ giao đơn vị này khẩn trương nghiên cứu, tìm giải pháp tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch khi TP chuẩn bị đưa nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vào sử dụng.
Ông Huệ cho rằng, khi tách được toàn bộ nước thải, sông Tô Lịch gần như sẽ không còn nguồn cấp. Vì vậy, tìm nguồn cấp bổ sung, tạo dòng chảy cho con sông phải được triển khai từ lúc này.
Nạo bùn sông Tô Lịch hồi cuối năm 2018. |
Phương án cấp nước nào?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc BQL dự án Cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội cho biết, đơn vị đang phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc rà soát các phương án phù hợp. Trong đó, việc tạo dòng chảy cho Tô Lịch bằng nước sông Hồng là hợp lý hơn và đang được nghiên cứu theo hai cách.
Cách thứ nhất là bơm nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua Hồ Tây. Đơn vị sẽ xây dựng trạm bơm cố định đặt sát mép nước sông Hồng, đặt tuyến ống dẫn nước từ trạm bơm đi qua ngõ 464 Âu Cơ, đê sông Hồng dẫn vào mương tiêu cạnh Công viên nước Hồ Tây.
Mương tiêu này có vai trò lọc nước qua bể lắng trước khi đưa nước vào Hồ Tây. Nước Hồ Tây xả qua các cửa điều tiết để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch và tạo dòng chảy cho con sông.
Cách thứ hai, bổ sung nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc. Theo ông Hùng, phương án này đem lại nhiều lợi ích do hệ thống đã được quy hoạch sẵn một số đoạn tuyến nên tiết kiệm được thời gian, kinh phí đầu tư.
“Ban sẽ không phải lập thêm một dự án mà sẽ dựa vào dự án thoát nước khu vực sông Tả Nhuệ, thực hiện thêm một số hạng mục để bổ cập nước cho sông Tô Lịch”, ông Hùng cho biết.
Đánh giá về hai phương án này, trả lời báo chí, ông Hoàng Xuân Hồng, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, mỗi cách làm đều có khó khăn, thuận lợi riêng.
"Mục tiêu là tạo ra dòng chảy tối thiểu 5-10m3/s và đảm bảo tương đối bền vững thì mới hồi sinh được con sông này. Bổ cập nước sông Hồng vào Tô Lịch đã được nhắc đến từ lâu và các nhà khoa học đã tính tới 2 phương án này", ông Hồng nói
Về phương án sử dụng cống Liên Mạc, ông Hồng cho rằng cần đáp ứng 2 yếu tố. Thứ nhất là tạo độ dốc đảm bảo tốc độ dòng chảy và thứ hai là tính đến việc xây lắp các trạm bơm phục vụ sông Hồng mùa cạn, mực nước dưới cao trình của cống.
"Mùa cạn, lúc thấp nhất thì nước sông Hồng cũng không vào được sông Nhuệ qua cống Liên Mạc. Để dẫn nước vào Tô Lịch cũng rất khó khăn. Theo tôi, các đơn vị nên tính toán thật kỹ phương án này, đảm bảo hiệu quả nhất", ông Hồng nói.
Zingnews.vn dẫn lời lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch vẫn đang được các đơn vị TP và cơ quan này nghiên cứu. Trước mắt, Sở Xây dựng tập trung hoàn thành và đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trước, rồi thống nhất phương án tạo dòng chảy cho Tô Lịch để trình TP.
Trả lời báo chí, PGS.TS. Nhà Sử học Hà Đình Đức cho rằng: "Ở góc độ chuyên gia và cả là góc độ người dân, tôi rất muốn dòng sông ô nhiễm Tô Lịch được cải tạo. Chỉ cần làm sạch phần nào để bớt ô nhiễm, bớt mùi hôi thối thôi, chứ chưa nói đến là biến sông này thành công viên hay điểm du lịch. Nếu như thực sự cải tạo được sông Tô Lịch thì đó là dấu ấn ngàn năm của Thủ đô chứ không phải là dấu ấn trăm năm".
Theo PGS Hà Đình Đức, ý định cải tạo sông Tô Lịch đã có từ rất lâu. Đặc biệt là cuối những năm 70, đầu những năm 80 (thế kỷ 20), Liên Hợp quốc đã đưa ra dự án cải tạo sông Tô Lịch với hy vọng trở thành con sông trong xanh, du lịch. Rồi những đề án cải tạo ở những năm 1998, 2000… nhưng tất cả đều không thành công.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, là sông là phải có dòng chảy, sông không có dòng chảy ắt là sông "chết". Muốn làm sông "sống" lại, trước tiên là phải xử lý nước thải, tiếp đến mới tạo dòng chảy.