Vẫn “khát” nguồn cho...
Nhu cầu ghép tạng thực tế vô cùng lớn và không thể thống kê được. Số ca được ghép hiện tại không thấm vào đâu so với những người có nhu cầu ghép. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các cơ sở y tế chuyên khoa của cả nước...
“Nếu như ở các nước ghép tạng khó một thì ta khó gấp một ngàn lần. Bởi, thực tế nguồn tạng của ta chủ yếu vẫn lấy từ người cho sống, trong khi đó tâm lý của người Việt Nam nói riêng, người Á Đông nói chung vẫn chưa “thoát” ra được” - GS. TS Nguyễn Tiến Quyết, GĐ BV Việt Đức chia sẻ.
Cũng chính vì thế, ông Quyết cho hay: “Danh sách BN chờ ghép dài dằng dặc mà tạng chả thấy đâu?”, và BV luôn trong tình trạng “ăn đong” tạng (có cái nào ghép ngay cái ấy, rồi lại điệp khúc chờ).
Nguồn cho từ người chết não cũng cực kỳ khan hiếm - vị lãnh đạo cơ sở y tế duy nhất trong cả nước có thể tiến hành lấy tạng từ người cho chết não khẳng định. Cụ thể, ông Quyết cho hay, mỗi năm cả nước có tới trên 2.500 ca chết não, những vận động chán chê, hết sức, 3-4 năm trời cũng chỉ lấy được tạng của 19 trường hợp.
Cũng chính vì tâm lý “chết toàn thây” luôn đè nặng, ông Quyết kể: Hầu hết gia đình các trường hợp cho tạng chỉ đồng ý cho với điều kiện “không được nói cho ai biết”. Thế nên mới có chuyện, người đã về “cõi thiên thu” từ lâu rồi mà người nhà vẫn yêu cầu BV phải bóp bóng và cho thở oxy về đến tận nhà để hàng xóm nhìn thấy.
Thậm chí, có trường hợp cả gia đình, họ hàng người chết não đã đồng ý cho tạng rồi, BV cũng đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để tiến hành phẫu thuật lấy tạng rồi, nhưng một người trong số đó lại thay đổi ý định. Không chỉ có vậy, lãnh đạo BV còn sống dở, chết dở vì bị gia đình BN kiện cáo vì “không giữ đúng lời hứa”...
GS. TS Hoàng Mạnh An - GĐ BV 103 cũng chia sẻ: Không hiểu vì lý do gì, nguồn tạng từ người cho sống (chủ yếu từ những người thân trong gia đình) ngày càng ít đi, ngược lại vấn đề “thương mại hóa” cho - nhận tạng lại ngày càng nở rộ.
Ông An cho hay, mặc dù BV vẫn làm rất tốt khâu truyền thông, vận động hiến tạng nhưng người dân vẫn không mấy hưởng ứng. Trong khi ấy, ngày nào ngoài cổng BV cũng có người “ngầm” rao bán nội tạng, thậm chí gia đình BN cũng đồng ý thỏa thuận, nhưng BV cũng không dám làm vì sợ trách nhiệm pháp lý.
Nguồn tạng cho từ người chết não càng khó khả thi hơn, bởi mỗi năm BV chỉ có vài ca chết não, khó khăn lắm mới vận động được một ca đồng ý cho thì lại gặp “phiền phức” từ phía cơ quan chức năng (Công an). Thuyết phục mãi mới được cơ quan này cho phép thì BN không còn đảm bảo sức khỏe cho việc lấy tạng nữa.
“Có lần, Đoàn cán bộ của Ngân hàng Mắt đã chuẩn bị mọi thứ xuống tận nhà BN để lấy giác mạc của một BN nữ cao tuổi, nhưng một trong những người cháu nội của bà không đồng ý, thế là cả đoàn kéo nhau về không” - TS. BS Phạm Ngọc Đông, GĐ Ngân hàng Mắt, BV Mắt TƯ thở dài chia sẻ.
Làm gì để tránh “ăn đong”?
Tuy chưa đạt được mong muốn nhưng dù sao những hoạt động truyền thông, vận động hiến giác mạc của Ngân hàng Mắt, BV Mắt TƯ thực sự xứng đáng là mô hình để các cơ sở khác noi theo.
Hơn thế nữa, họ đã biết dựa vào cộng đồng, dựa vào các cấp Hội (Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên...), đặc biệt là các chức sắc tôn giáo để truyền thông và vận động người dân tham gia hiến tặng giác mạc.
Cùng với đó, TS Đông cho rằng, Nhà nước phải đầu tư, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, thiết thực để động viên gia đình người hiến tạng.
Đồng nhất với quan điểm này, GS. TS Hoàng Mạnh An - GĐ BV 103 cho rằng, bên cạnh việc tôn vinh và có hình thức ưu đãi cho người sống hiến tạng tự nguyện và thân nhân của người chết não đã hiến tạng (nghi lễ tôn vinh; miễn giảm viện phí, bảo hiểm y tế lâu dài; miễn giảm học phí, ưu tiên đào tạo nghề cho con em họ...), Nhà nước cần đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất cho các cơ sở ghép tạng; đào tạo nhân lực toàn diện về ghép tạng; xây dựng các đơn vị điều phối ghép tạng của BV; đặc biệt là xây dựng các tổ nhân viên xã hội chuyên trách việc làm cầu nối giữa gia đình BN với đơn vị điều phối và các tổ chuyên môn ghép tạng, nhằm bảo đảm tính minh bạch trong hiến, ghép tạng...