Như đã nói ở kỳ trước, nghiệp lành thứ nhất là sống lương thiện, không sát sinh; nghiệp lành thứ hai không tà tâm trộm cắp; nghiệp lành thứ ba: không tà dâm, tà hạnh; nghiệp thứ tư: không dối trá, nghiệp lành thứ năm là không vu oan giá họa; nghiệp lành thứ sáu: nói lời ái ngữ, từ bỏ ác ngữ; nghiệp lành thứ bảy: không nói lời nhảm nhí, phù phiếm.
Nghiệp lành thứ 8: Ý vĩnh viễn từ bỏ sự tham lam
Có những mong muốn, ước muốn bình thường trong đời sống mà chẳng phải tham lam. Ví dụ đói muốn ăn, khát muốn uống. Hoặc, ta mong muốn làm một điều gì, muốn thực hiện một việc gì... Tất cả những mong muốn ấy, theo Abhidhamma, nó là dục tâm sở; chỉ mới là ước muốn thuần túy chưa quyết định thiện ác.
Còn tham lam là do tâm sở có trạng thái dính mắc, có sự tham dự của tư tâm sở mới tạo thành nghiệp. Do vậy, khi tâm tham khởi thì những tâm sở bất thiện đồng khởi theo để tạo tác tất cả những việc xấu ác trên trần đời!
Lòng tham ấy sẽ được hiện khởi từ các tâm trạng sau đây: Không bằng lòng, không vừa ý, không thỏa mãn những sở hữu mà mình đang có. Không bao giờ biết sống đời tri túc, mà luôn cảm thấy thiếu thốn, muốn có thêm vật này, vật kia... tương tự như tục ngữ: "lòng tham vô đáy", "đứng núi này trông núi nọ", được voi đòi tiên".
Nói rộng hơn, lòng tham được thỏa mãn lục trần: sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái cùng những tham vọng về tinh thần. Đấy là những tham vọng về quyền lực, danh vọng, sự nghiệp, bá chủ, thần thông, phép lạ...
Lòng tham của con người là không có đáy, không có giới hạn. Như mụ vợ trong truyện cổ "Ông lão đánh cá và con cá vàng", muốn nhà cao cửa rộng có nhà cao cửa rộng thì lại đòi làm nữ hoàng! Cũng vì lòng tham mà gây ra bao hệ lụy. Chính bởi vậy biết từ bỏ lòng tham là vì lợi ích cho mình và cho người. Đây là nghiệp lành vừa có phước báu nhân thiên vừa gieo duyên với cứu cánh giải thoát tối hậu.
Nghiệp lành thứ 9: Ý vĩnh viễn từ bỏ sự sân hận
Tâm sân do chữ dosa. Theo Abhidhamma, tâm sân không bao giờ khởi một mình, tuỳ theo cường độ, tính chất của nó mà các tâm sở tương ứng cùng khởi theo. Ví dụ: tật, xan, hối...
Theo cách hiểu thông thường, sân mà còn hận nữa thì cường độ sân ấy đã tăng thêm một bậc, có thể thiêu huỷ, đốt cháy các đối tượng. Lửa sân hận rất khủng khiếp, nó có thể tạo nên các tội ác trên cuộc đời, nó có thể đốt cháy tất thảy mọi ruộng vườn công đức, phước báu.
Người có trí, có căn bản giáo pháp, có tu tuệ quán, có thể biết được sự hiện khởi của tâm sân ấy qua mấy dạng sau đây: Sân bình thường, tức là sân do phản ứng tự nhiên của tâm sinh lý; chưa có hại, chưa tạo nghiệp. Những điều trái ý, nghịch lòng nếu cứ gặp mãi thì trạng thái sân này sẽ gia tăng, cứ âm ỉ thiêu đốt ở trong lòng. Như vậy là từ sân bình thường đã chuyển sang ưu. Nếu ưu càng gia tăng, mới nghĩ đến đối tượng đã không còn chịu nổi, muốn đập phá, muốn tiêu diệt đối tượng. Trạng thái tâm lý này đã chuyển thành hận.
Tuy nhiên, ưu và hận sẽ không khởi một mình mà nó còn đi theo những tâm sở khác: tật, xan, hối... để tạo thành nghiệp. Do vậy, sân hận sẽ gia tăng cường độ rất nguy hiểm, càng lúc càng không thể kềm chế nổi. Nó có thể hủy diệt nhân loại, thiêu cháy một làng, một xóm. Nó có thể tạo ngũ nghịch đại tội. Nó có thể đưa chúng sanh vào hàng trăm loại địa ngục đồng sôi, lửa đốt, dao đâm, vạc dầu... thật vô vàn thống khổ.
Biết sự nguy hại của sân hận, chúng ta nên nguyện phát triển nghiệp lành này, bằng cách tỉnh niệm thường xuyên để thấy rõ sự dấy khởi của nó và vĩnh viễn từ bỏ, loại trừ ưu và hận ra khỏi tâm.
Nghiệp lành thứ 10: Ý vĩnh viễn từ bỏ tà kiến
Tà kiến trái ngược với chính kiến, là thấy sai, thấy lệch, thấy nghiêng, thấy một bên, thấy một phía, không thấy được cái chân, cái thực, cái toàn diện. Tuy nhiên, mới thấy tà như vậy cũng chưa phải tà kiến. Người thấy tất cả cái tà ấy, còn chấp cái tà ấy là chính, là sự thật; rồi còn ra sức bảo vệ, phát triển quan điểm lệch lạc ấy nữa, mới chính thật là tà kiến.
Muốn từ bỏ được tà kiến thì tâm phải sáng suốt, công minh, chính trực; trí tuệ phải thông đạt để phân biệt được đau là chính, đâu là tà. Biết được tà kiến rồi thì không những phải tránh điều xấu, cái ác mà còn phải bảo vệ cái đúng, cái tốt.
Trong mười nghiệp lành đạo Phật chia ra thân có 3, khẩu có 4 và ý có 3. Trong thân, khẩu và ý thì ý là cái quyết định. Theo Kinh Pháp cú: "Ý dẫn đầu các pháp/ Ý làm chủ, ý tạo/ Nếu với ý thanh tịnh/ Nói lên hay làm chủ/ An lạc bước theo sau."
Đạo Phật cho rằng, nếu thân - khẩu - ý được điều tiết, gìn giữ, bảo trọng, phát huy và tăng trưởng 10 nghiệp lành này, được gọi là thân - khẩu - ý trọn lành hay tam nghiệp trọn lành. Đấy chính là ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa nhân văn sâu sắc ngàn đời của đạo Phật vậy.