Ngoài các chuyên gia ngành Y học gia đình Việt Nam, hội nghị có tham luận của Chủ tịch Hội Bác sĩ Gia đình Thế giới (WONCA) và thu hút được chuyên gia nước ngoài: Bỉ, Hà Lan. Phía Bộ Y tế Việt Nam có lãnh đạo Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, Cục Công nghệ thông tin.
Hội Nghị lần này tập trung vào việc đào tạo, giải pháp công nghệ thông tin và thực hành chuyên ngành Y Học Gia Đình trên thế giới và tại Việt Nam.
Được biết, tại các quốc gia phát triển và có hệ thống y tế hiệu quả, toàn diện như Bỉ, Úc, Singapore, v.v…, Y học gia đình được công nhận và đào tạo chuyên khoa sau đại học. Tỷ lệ bác sĩ gia đình chiếm trên 40% so với các chuyên khoa khác. Việc đào tạo Y học gia đình tại các nước này giúp cho các bác sĩ tuyến đầu có thể giải quyết được hơn 80% các vấn đề sức khỏe của người dân.
Toàn cảnh hội nghị. PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh đang trình bày. Ảnh: Võ Anh Tuấn |
Phân tích từ mô hình của các quốc gia nêu trên, hội nghị tập trung vào đào tạo chuyên khoa Y học gia đình: mô hình đào tạo tại 1 số nước thành công và có hệ thống bác sĩ gia đình phát triển như Bỉ, Úc, Đài Loan; Các điều kiện cần thiết cho việc xây dựng mạng lưới y học gia đình; Việc áp dụng các ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong việc giảng dạy, khám chữa bệnh, quản lý sức khỏe và đào tạo liên tục cho các bác sĩ gia đình.
Hiện tại, Việt Nam hiện nay đã có 8 trường đại học y có chương trình đào tạo Y Học Gia Đình từ trình độ đại học đến sau đại học nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc và cung cấp dịch vụ cho tuyến y tế cơ sở cũng như góp phần giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, sự phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống đặt ra.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, PGS.TS.BS.Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng phòng khám đa khoa Trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Nhiều nước trên thế giới đã tổ chức thành công mạng lưới bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, hiệu quả với chi phí hợp lý góp phần tăng tuổi thọ người dân, tăng mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ y tế, giảm chi phí gánh nặng bệnh tật cho xã hội. Mạng lưới bác sĩ gia đình góp phần giải quyết căn cơ trình trạng quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện, góp phần xây dựng hệ thống y tế lành mạnh, thực hiện công bằng y tế, giảm nghèo trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân”.
PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng và đại diện tập thể Bộ môn y học gia đình Trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch nhận bằng khen của Bộ Y tế. Ảnh: Võ Anh Tuấn |
Nhân dịp này, Bộ Y tế cũng đã trao tặng bằng khen cho tập thể Bộ môn y học gia đình Trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch và cá nhân PGS.TS.BS.Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Nhà trường vì đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển Y học gia đình tại Việt Nam trong thời gian qua.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu