Tìm cơ chế phối hợp để luật sư tham gia tố tụng các vụ án hình sự trong dịch bệnh COVID-19

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị Bộ Công an đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp xem xét, thông báo kế hoạch hỏi cung và các hoạt động tố tụng khác sớm hơn thời hạn 03 ngày (đối với Luật sư tại cùng địa phương) và trước 4 ngày (đối với Luật sư ở địa phương khác) để các Luật sư kịp làm các thủ tục xét nghiệm COVID-19.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa ban hành Văn bản số 227/LĐLSVN ngày 26/7 về việc xem xét cơ chế phối hợp, tạo điều kiện cho Luật sư tham gia tố tụng các vụ án hình sự trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Trong văn bản gửi đến Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư cho biết, thời gian qua, trước đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và nghiêm trọng xảy ra trên thế giới và trong nước, nhất là các tỉnh phía Nam, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đã có nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt nhằm phòng chống dịch bệnh trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo đảm duy trì phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội, vì sự bình an của nhân dân.

Cùng với các ngành nghề trọng điểm, hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của các tổ chức hành nghề Luật sư cũng được Nhà nước cho phép tiếp tục hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu.

Trong điều kiện dịch bệnh nói trên, hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung, hoạt động của các cơ quan, người tiến hành và người tham gia tố tụng hình sự trong các vụ án hình sự nói riêng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cùng với các biện pháp chỉ đạo cấp bách của Lãnh đạo Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, về phần mình, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư địa phương đã chủ động và có các giải pháp đề nghị các Luật sư tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch, tích cực tham gia, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo tiến độ giải quyết các vụ án hình sự.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề và nhiều Luật sư, một phần do điều kiện khách quan của dịch bệnh COVID-19, sự tham gia hỗ trợ về mặt pháp lý, bào chữa cho người bị buộc tội đang bị tạm giữ, tạm giam, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đang gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại. Mặc dù đã được chấp thuận tư cách người bào chữa, trước thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, một số hoạt động tố tụng vẫn tiến hành, nhưng nhiều Luật sư không được Cơ quan điều tra thông báo và tạo điều kiện tham dự hỏi cung (điển hình trong vụ án xăng giả xảy ra tại Đồng Nai, nhiều Luật sư 2-3 tháng không được tham dự hỏi cung).

Trong khi đó, vào làm việc trong một số Trại tạm giam, nhà tạm giữ, do quy định bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính còn giá trị trong thời hạn 48 hoặc 72 giờ, nhưng Cơ quan điều tra thông báo bị chậm trễ nên nhiều Luật sư không xét nghiệm kịp do nhu cầu xét nghiệm của người dân rất đông, dẫn đến không tham dự được các buổi hỏi cung. Thực tế cũng chưa có sự thống nhất là Luật sư khi vào làm việc trong Trại tạm giam, nhà tạm giữ chỉ cần xuất trình kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên (gọi là test nhanh) hay bắt buộc phải có kết quả test RT-PCR âm tính với Sars-CoV-2.

Cá biệt, có trường hợp như Luật sư Đặng Thị Hương Lan (Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An) phản ánh được Đoàn Luật sư phân công bào chữa chỉ định cho bị cáo Nguyễn Đức Trinh, bị truy tố về tội giết người, gặp khó khăn về thủ tục xuất trình kết quả xét nghiệm khi vào làm việc tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Luật sư đặt vấn đề chi phí xét nghiệm nhiều lần sẽ do ai chi trả trong khi Luật sư đang thực hiện nghĩa vụ bào chữa chỉ định theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong khi đó, mức giá xét nghiệm hiện nay bằng phương pháp RT-PCR được quy định bằng mức giá thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định tại Công văn số 4356/2020 của Bộ Y tế, còn mức phí xét nghiệm test nhanh bằng giá dịch vụ được quy định tại Phụ lục đính kèm Thông tư số 13/2019 và Thông tư số 14/2020 của Bộ Y tế là 238.000 đồng/mẫu.

Với tình trạng dịch có thể còn diễn biến phức tạp và kéo dài, nếu tình trạng này không được làm rõ việc cơ quan nào phải chi trả chi phí xét nghiệm cho Luật sư tham gia bào chữa chỉ định (nhất là Luật sư hành nghề tại các địa bàn kinh tế khó khăn, vùng dân tộc, miền núi,...), sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, ảnh hưởng đến việc hành nghề Luật sư.

Từ một số diễn biến mới phát sinh do nguyên nhân khách quan từ tình hình dịch bệnh COVID-19 đang hết sức phức tạp và nghiêm trọng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương xem xét, có ý kiến chỉ đạo và có giải pháp phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được giải toả.

Theo đó, trên cơ sở quy định Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và hướng dẫn thi hành tại Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an, Liên đoàn Luật sư kiến nghị Bộ Công an có văn bản đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp xem xét, thông báo kế hoạch hỏi cung và các hoạt động tố tụng khác sớm hơn thời hạn 03 ngày (đối với Luật sư tại cùng địa phương) và trước 4 ngày (đối với Luật sư ở địa phương khác) để các Luật sư kịp làm các thủ tục xét nghiệm COVID-19.

Đồng thời, Bộ Công an hướng dẫn thống nhất các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ về yêu cầu xuất trình thủ tục giấy xét nghiệm để Luật sư vào làm việc, tham dự hỏi cung, không phân biệt giấy xét nghiệm kết quả test nhanh hay test RT-PCR và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt quy định về 5K.

Liên đoàn Luật sư cũng kiến nghị Toà án nhân dân tối cao trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Đề án mô hình Toà án điện tử và thí điểm xét xử trực tuyến, cần quy định một cách minh bạch, thông thoáng về cơ chế, trình tự, thủ tục tham gia tố tụng của Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự trong quá trình tổ chức phiên toà theo hình thức xét xử trực tuyến.

Trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Liên đoàn Luật sư kiến nghị Lãnh đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương xem xét và đưa chi phí xét nghiệm COVID-19 vào chi phí do cơ quan tiến hành tố tụng chi trả đối với các Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu chỉ định của các cơ quan tiến hành tố tụng, trên cơ sở Luật sư xuất trình các chứng từ chi phí hợp lệ, hợp pháp.

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.