Những cuộc bỏ chạy gây xôn xao
Trước đó, giữa năm ngoái, Tòa án ở London (Anh) đã đưa cuộc chiến pháp lý giữa ông Mohammed bin Rashid al Maktoum với người vợ thứ 6 của ông là bà Haya bin Al-Hussein (Công chúa Jordan) ra xét xử. Bà Haya là con gái của cố Quốc vương Jordan Hussein và là chị em cùng mẹ khác cha với đương kim Quốc vương Jordan Abdullah II. Bà là người vợ thứ 6, cũng là người vợ trẻ nhất trong tổng số 6 người vợ của Thủ tướng UAE - người hơn bà 25 tuổi. Cả hai người kết hôn vào năm 2004 và có với nhau 2 người con.
Theo một thống kê, hoàng tộc Dubai được xếp thứ 9 trong danh sách những gia đình hoàng gia giàu có nhất thế giới. Trong đó, thành viên giàu có nhất trong gia tộc này chính là người đứng đầu Mohammed bin Rashid al Maktoum. Tiểu vương này đã cai trị Dubai kể từ năm 2006 và hiện là Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE. Tổng khối tài sản của ông ta ước tính lên tới 18 tỉ USD.
Truyền thông Anh cho biết, tháng 7/2019, bà Haya đã nộp đơn lên Tòa án London để yêu cầu được bảo vệ theo Luật Chống cưỡng ép kết hôn và Bạo lực gia đình, đồng thời đòi quyền được nuôi 2 con. Lệnh bảo vệ theo luật này của Anh được đưa ra để bảo vệ một người khỏi bị ép buộc kết hôn hoặc giúp đỡ một người đang ở trong cuộc hôn nhân bị cưỡng ép.
Bà Haya và Thủ tướng UAE trong một sự kiện |
Thủ tướng UAE trong khi đó đã gửi đơn phản đối yêu cầu của bà Haya, yêu cầu tòa án ra lệnh đưa các con của ông này và bà Haya về Dubai. Thông tin về việc đổ vỡ hôn nhân của Thủ tướng UAE đã rộ lên sau khi Công chúa Haya bỏ ra nước ngoài cùng các con, bao gồm 1 người con gái năm nay 12 tuổi và một người con trai 8 tuổi. Theo một số nguồn tin, cuộc trốn chạy của bà Haya có liên quan đến vụ việc của Công chúa Dubai Latifa (con gái của Tiểu vương Mohammed) và một người vợ khác của ông là bà Huriah Ahmed Al M’aash.
Đầu năm 2018, vị công chúa 35 tuổi này cũng từng gây chấn động dư luận với cuộc đào tẩu khỏi cung điện - nơi được cô miêu tả như “một nhà tù dát vàng” với cuộc sống xa hoa, giàu có về vật chất nhưng bị kiểm soát gắt gao cùng những điều luật nghiêm khắc tại Dubai. Trước đó, vào năm 2002, khi mới 16 tuổi, cô công chúa này cũng từng cố trốn khỏi UAE nhưng đã bị bắt lại ngay ở vùng biên giới. Hình phạt mà cô phải nhận cho việc này chính là việc gần như bị “biệt giam”, không được rời khỏi cung điện trong suốt 3 năm.
“Nếu bạn là phụ nữ, cuộc sống của bạn cũng giống như những món đồ dùng 1 lần”, Công chúa Latifa - người nổi tiếng với những đoạn video nhảy dù - từng nói trong một đoạn video được đăng tải trên tài khoản mạng xã hội nói. Latifa cũng cho biết muốn tìm kiếm sự tự do và được thỏa thích đưa ra những lựa chọn trong cuộc sống. Có điều, dù đã lập kế hoạch rất kỹ lưỡng nhưng Latifa vẫn bị một nhóm đặc nhiệm UAE bắt giữ khi đang ở khu vực cách bờ biển Ấn Độ 48 km.
Chị gái của Latifa là Shamsa cũng từng bị bắt lại sau khi trốn khỏi dinh thự của gia đình ở vùng Surrey (Anh) vào năm 2000. Shamsa sau đó bị đưa về Dubai để “chữa bệnh” dưới sự giám sát nghiêm ngặt của lực lượng an ninh. Hoàng gia Dubai đã lên đã bác bỏ mọi cáo buộc đối xử tệ với Công chúa Latifa, cho rằng cô “là người dễ bị lợi dụng” và đã “bị bắt cóc”.
Các nguồn tin cho biết, ban đầu Công chúa Haya hoàn toàn tin vào lời chồng và những người khác về sự việc liên quan đến con riêng của chồng. Tuy nhiên, bà ngày càng hoảng sợ và lo cho cuộc sống của bản thân và các con sau khi biết được rằng Tiểu vương Mohammed đã cho người bắt con gái trở lại Dubai sau khi Công chúa Latifa tìm cách bỏ đi.
Ngoài ra, một số nguồn tin ở Trung Đông cho biết, Tiểu vương Mohammed cũng cáo buộc vợ ngoại tình với một trong những vệ sĩ của bà.
Phán quyết bất ngờ
Trong phán quyết được công bố hôm 5/3 vừa qua, Thẩm phán Andrew đã đưa ra một loạt những “phát hiện thực tế” về những cáo buộc mà bà Haya đã nêu ra trong các phiên điều trần kéo dài suốt nhiều tháng trời.
Dựa trên lời khai của các nhân chứng, vị Thẩm phán cho rằng chính Tiểu vương Mohammed đã sắp xếp và chỉ đạo vụ bắt cóc con gái Shamsa trên đường phố Cambridge vào năm 2000 và đưa cô trở về Dubai. Tòa cũng cho rằng có các chứng cứ chứng minh rằng ông Sheikh Mohammed đã sắp xếp để bắt cóc Công chúa Latifa từ một chiếc thuyền ở vùng biển quốc tế ngoài khơi Ấn Độ vào năm 2018 và đưa cô này trở về tiểu vương quốc trong nỗ lực trốn thoát thất bại thứ 2 của cô.
Phán quyết của Tòa án cho rằng công chúa Haya vì lo sợ cho tính mạng của mình mà phải bỏ trốn |
Theo Thẩm phán Andrew, cả 2 người này hiện đều ở Dubai trong tình trạng bị tước mất quyền tự do. Trong bản án vừa được công bố, Thẩm phán Andrew cũng cho rằng Tiểu vương Sheikh Mohammed đã tiến hành một chiến dịch đe dọa khiến công chúa Haya vì lo sợ cho tính mạng của mình mà phải ôm con bỏ trốn. Theo vị thẩm phán, những cáo buộc mà bà Haya đưa ra đều đã được chứng minh bằng những chứng cứ thực tế. Ông Sheikh đã không xuất hiện trong phiên tòa và chỉ đạo cho luật sư của ông không kháng cáo với phán quyết của tòa dù một mực bác bỏ những cáo buộc mà vợ cũ của ông đưa ra.
Thẩm phán cho biết, ông Sheikh đã bác bỏ tất cả các cáo buộc nhưng những tuyên bố của ông ta liên quan đến các cô Shamsa và Latifa đều không cởi mở và trung thực với tòa án. “Tôi thấy rằng ông ta tiếp tục duy trì một chế độ mà ở đó cả hai người phụ nữ trẻ đó đều bị tước đoạt tự do dù vẫn ở cùng gia đình tại Dubai”, vị thẩm phán nói, đề cập đến 2 vị công chúa Shamsa và Latifa.
Theo vị thẩm phán, ông Sheikh Mohammed đã hành động trái với luật hình sự của Anh và xứ Wales, luật pháp quốc tế, luật hàng hải quốc tế và những quy định về nhân quyền được quốc tế công nhận. Truyền thông Anh cho hay, trên thực tế, phán quyết trong phiên tòa nói trên đã được thẩm phán đưa ra vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, phải đến tuần qua, nó mới được công bố sau Tòa án Tối cao Anh ra phán quyết bác bỏ yêu cầu không công bố bản án do ông Mohammed đệ trình.
Vị tiểu vương này trước đó nhiều lần tuyên bố rằng đây là chuyện riêng tư và là vấn đề cá nhân của gia đình ông ta. Cuộc hôn nhân giữa vị Tiểu vương và Công chúa Jordan đã chính thức kết thúc vào năm 2019. Việc này diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của Nhà vua Jordan Hussein - mẹ của bà Haya.