Tiêu chí chung đối với vụ việc tham gia tố tụng (Điều 3) bao gồm: (1) Thực hiện TGPL trong vụ việc được dư luận quan tâm, nhiều cơ quan báo chí ở Trung ương hay địa phương đưa tin; (2) Vụ việc mà quan điểm của người thực hiện TGPL khác với một trong các cơ quan tiến hành tố tụng và được chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL tại bản án, QĐ tố tụng; (3) Thực hiện TGPL trong vụ việc có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau hoặc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều ý kiến khác nhau hoặc vụ việc có liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau; (4) Thực hiện TGPL trong vụ việc bị kháng nghị để giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm hoặc trong vụ án được xét xử lại; (5) Thực hiện TGPL trong vụ việc có liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (6) Thực hiện TGPL trong vụ việc có một trong các bên đương sự cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài.
Vụ việc TGPL trong tham gia tố tụng hình sự được xác định là vụ việc TGPL phức tạp, điển hình khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây: (1) Đáp ứng một trong những tiêu chí chung quy định tại Điều 3 Thông tư này; (2) Thực hiện TGPL cho bị can, bị cáo bị truy tố nhiều tội danh trong cùng một vụ án; (3) Thực hiện TGPL trong vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới nhưng được cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên lấy lên để giải quyết hoặc thực hiện TGPL trong vụ việc phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử; (4) Thực hiện TGPL trong vụ việc trả hồ sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung; (5) Thực hiện TGPL trong các vụ án mà VKSND đề nghị áp dụng mức hình phạt tù từ 02 năm trở lên, trừ những vụ việc được giải quyết theo thủ tục rút gọn; (6) Thực hiện TGPL trong vụ án chỉ định Trung tâm TGPL nhà nước cử người bào chữa theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Trong các vụ án mà VKSND đề nghị áp dụng mức hình phạt tù từ 02 năm trở lên, không phân biệt người được TGPL trong vụ án đó là bị can, bị cáo, bị hại hay là đương sự, bao gồm cả án treo.
Vụ việc TGPL trong tham gia tố tụng dân sự, trừ việc dân sự và những vụ việc được giải quyết theo thủ tục rút gọn, được xác định là vụ việc TGPL phức tạp, điển hình khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây: (1) Đáp ứng một trong những tiêu chí chung quy định tại Điều 3 Thông tư này; (2) Thực hiện TGPL trong vụ việc mà quy định của pháp luật về những vấn đề cần giải quyết trong vụ án chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất hoặc chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp; (3) Thực hiện TGPL trong vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND cấp dưới nhưng được TAND cấp trên lấy lên để giải quyết hoặc thực hiện TGPL trong vụ việc phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.
Vụ việc TGPL trong tham gia tố tụng hành chính, trừ những vụ việc được giải quyết theo thủ tục rút gọn, được xác định là vụ việc TGPL phức tạp, điển hình khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây: (1) Đáp ứng một trong những tiêu chí chung quy định tại Điều 3 Thông tư này; (2) Thực hiện TGPL trong vụ việc phát sinh trong lĩnh vực mới mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp; (3) Thực hiện TGPL trong vụ việc có liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều người; (4) Thực hiện TGPL trong vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài về quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng hoặc các lĩnh vực pháp luật khác tại địa phương.
Vụ việc TGPL đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật được xác định là vụ việc TGPL phức tạp, điển hình khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây: (1) Thực hiện TGPL trong vụ việc khiếu nại kéo dài được dư luận đặc biệt quan tâm, nhiều cơ quan báo chí ở Trung ương hay địa phương đưa tin hoặc trong vụ việc mà tổ chức thực hiện TGPL kiến nghị các cơ quan, tổ chức về các vấn đề liên quan đến vụ việc; (2) Thực hiện TGPL trong vụ việc đã được giải quyết nhiều lần hoặc do nhiều cơ quan có thẩm quyền giải quyết.