Hôm 30/6, với 96,6% phiếu thuận, Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) thông qua Báo cáo của Ban kiểm soát công ty – một báo cáo được cổ đông đánh giá là “thẳng thắn chưa từng có” – theo đó, lần đầu tiên vén màn những bí mật tài chính “nhạy cảm” tại doanh nghiệp từng một thời “làm mưa, làm gió” trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Đảo nợ liên miên, mua cổ phần giá “khủng”
Tỏ rõ nghi vấn đối với tính trung thực và khách quan trong Báo cáo tài chính năm 2011 của Cty TNHH kiểm toán và định gía Việt Nam, Ban kiểm soát Sudico đã công bố số liệu chứng minh, 1.127 tỷ đồng/tổng số 1200 tỷ (tương đương 94%) mà Sudico thu về qua hai đợt phát hành trái phiếu để triển khai đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc tại dự án Nam An Khánh (Hà Nội) năm vừa rồi đã bị sử dụng sai mục đích.
Cụ thể, trong đợt 1, Sudico phát hành 500 tỷ đồng, nhưng chỉ sử dụng đúng mục đích 10,3 tỷ; đợt 2, phát hành 700 tỷ đồng, cũng chỉ sử dụng đúng mục đích 62 tỷ. Số tiền còn lại trong cả 2 đợt, DN này chủ yếu dùng để trả nợ và đảo nợ các khoảng vay ngân hàng.
Ban kiểm soát cho rằng,việc sử dụng không đúng mục đích nguồn vốn trái phiếu dẫn đến các dự án triển khai chậm trễ, chi phí vốn cao, “tiềm ẩn nguy cơ không cân đối được nguồn trả nợ, khả năng thanh toán nợ của công ty có khả năng không được đảm bảo”.
Việc không cân đối được nguồn trả nợ các tổ chức tín dụng, dẫn đến phải lấy nguồn phát hành trái phiếu để trả nợ, được cho là do Sudico đã “vung tay” đầu tư vào một số dự án đáng ngờ.
Đặc biệt là phi vụ DN này mua cổ phần của Cty CP đầu tư bất động sản và thương mại Thăng Long để thực hiện dự án tại Phố Nối, Hưng Yên. Theo hợp đồng, Sudico mua 60% cổ phần của Cty Thăng Long, tương ứng với 14,82 tỷ đồng theo mệnh giá, với tổng giá mua là 220 tỷ đồng. Với giá mua tương đương 148.400 đồng/1 cổ phần, Ban kiểm soát Sudico cho rằng, “cần xem xét lại toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần này, để đảm bảo không gây thất thoát vốn của công ty, quyền lợi cổ đông không bị ảnh hưởng”.
Tạm ứng, khen thưởng “mút mùa”
Bên cạnh đó, DN này còn nhận chuyển nhượng dự án của cá nhân ông Ngô Áng Hùng tại Khu đô thị Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), số tiền chuyển nhượng là 963 tỷ đồng nhưng đến nay đã được 2 năm, dự án vẫn chưa triển khai. Với chi phí lãi vay khoảng trên 20%/năm, giá vốn của dự án tính đến thời điểm hiện tại đã tăng thêm khoảng 400 tỷ đồng.
Không chỉ các khoản đầu tư, theo Ban kiểm soát Sudico, việc quản lý các khoản chi khác của ban điều hành DN trong năm 2011 cũng hết sức đáng ngại.
Chẳng hạn như, riêng ngày 24/1/2011 đã có 5 cá nhân tạm sứng số tiền 1,52 tỷ đồng cùng một nội dung “chi phí giao dịch công ty”; ngày 22/2/2011, có 2 cá nhân tạm ứng số tiền 2,2 tỷ cùng một nội dung “chi phí đi công tác nước ngoài” – không bao gồm tiềm mua vé máy bay 300 triệu. Tổng hợp cả năm 2011, có những cá nhân tạm ứng tới 4 tỷ đồng, trong khi việc hoàn thiện chứng từ hoàn ứng “còn chậm”.
Hay như, chỉ trong một ngày, Hội đồng quản trị Sudico đã quyết định chi thưởng và cấp nguồn khen thưởng 46,7 tỷ đồng với lý do “ hoàn thành tốt công tác sản xuất kinh doanh” trong khi kế hoạch sản xuất hoàn toàn không đạt. Doanh thu Sudico năm 2011 chỉ được 6% và lỗ mất 42 tỷ đồng, như vậy, tính ra khoản thưởng này thừa đủ để bù cho khoản lỗ…
Cổ đông “nhịn đói” dự đại hội
Tổ chức vào loại muộn nhất trong số các DN niêm yết, Đại hội đồng cổ đông thường niên của Sudico đồng thời cũng lập kỷ lục về việc kéo dài lâu nhất, từ 8h sáng đến 7h tối, khiến cổ đông phải “nhịn đói” dự đại hội vì kế hoạch ban đầu chỉ gút trong một buổi sáng.
Trong khi các báo cáo quan trọng về kinh doanh, về sửa đổi điều lệ đều nhanh chóng được thông qua thì cuộc giằng co, tranh giành phần ghế trong hội đồng quản trị giữa các cổ đông lớn chính là nguyên nhân phá vỡ kế hoạch đại hội.
Tập đoàn Sông Đà, cổ đông nhà nước đang nắm giữ 44% cổ phần tại DN muốn có thêm một ghế, nâng số đại diện tại Hội đồng quản trị Sudico lên 3/5 người, trong khi các cổ đông lớn khác, thì chỉ muốn duy trì như hiện tại, với 3 ghế “ngoài nhà nước”, gồm các vị: Đặng Văn Bình, Vũ Hồng Sự và Nguyễn Phú Cường.
Rốt cuộc, sau các cuộc hiệp thương kéo dài trong cả ngày, Tập đoàn Sông Đà đã phải nhượng bộ và thành phần ban lãnh đạo DN tiếp tục giữ nguyên theo như kết quả của Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra hai tháng trước.
Ông Hồ Sỹ Hùng – Chủ tịch hội đồng quản trị Sudico nói rằng trong từng chèo lái nhiều doanh nghiệp nhiều năm nhưng chưa bao giờ ông gặp một đại hội “căng” như thế. Tuy vậy, vị này lạc quan cho rằng chính sự thẳng thắn, minh bạch với tinh thần xây dựng sẽ là tác nhân quan trọng đối với sự phát triển của công ty. “Nhiệm vụ quan trọng nhất bây giờ là tập trung tái cấu trúc DN, gia tăng nguồn lực cho Sudico” – ông Hùng nói.
Đức Huy