Tiết lộ lý do bất ngờ nhóm vệ sĩ chạy bộ theo xe Chủ tịch Kim Jong-un

Dàn vệ sĩ của Chủ tịch Triều Tiên luôn gây ấn tượng mạnh với giới truyền thông thế giới khi thường chạy bộ rầm rập theo chiếc limousine chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un mỗi lần tham dự các cuộc gặp thượng đỉnh. Lý do của hành động này mới đây mới được tiết lộ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đặt bước chân lịch sử lên lãnh thổ Triều Tiên tại Khu vực Phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền bán đảo. Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã một lần nữa thu hút sự chú ý của thế giới đến công tác bảo đảm an toàn cho Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Cuộc sống của ông Kim Jong-un luôn là một chủ đề bí ẩn, trong đó riêng đội vệ sĩ của ông cũng gây nhiều sự tò mò. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất vào năm 2018 ở Singapore, và cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Trump tại Hà Nội, hình ảnh 12 vệ sĩ chạy theo xe của nhà lãnh đạo Triều Tiên đã xuất hiện trên khắp các trang báo điện tử và mạng xã hội.

Trang Business Insider ngày 3/7 cho biết, theo cuốn sách "The Great Successor: The Divinely Perfect Destiny of Brilliant Comrade Kim Jong Un" (tạm dịch: “Người kế nhiệm vĩ đại: Số phận hoàn hảo tuyệt vời của người đồng chí lỗi lạc Kim Jong Un”), do nhà báo Anna Fifield của tờ Washington Post viết thì ông Kim Jong-un đã nảy ra ý tưởng cho vệ sĩ chạy bộ theo xe từ bộ phim "In the line of fire" ("Trong làn đạn") của nam tài tử gạo cội Hollywood, Clint Eastwood.

Chú thích ảnh
Nhân vật mật vụ do Clint Eastwood thủ vai chạy theo xe Tổng thống Kennedy. 

“Khi còn là một cậu bé, ông ấy đã xem bộ phim ‘In the line of fire', trong đó Eastwood đóng vai một mật vụ Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống John F. Kennedy thời điểm ông bị ám sát vào năm 1963”, cuốn sách của Fifield lý giải.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong phim "In the line of fire" ra mắt năm 1992. 
Chú thích ảnh
Vệ sĩ Triều Tiên chạy theo xe limousine chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi ông đến thị trấn Đồng Đăng, trước khi dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội vào tháng 2/2019. Ảnh: Reuters

Xem video vệ sĩ chạy theo xe Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội (Nguồn: euronews):

Theo ông Lee Yeong Guk, một vệ sĩ của cố lãnh đạo Kim Jong-il (cha của ông Kim Jong-un), trở thành một vệ sĩ của nhà lãnh đạo Triều Tiên là điều cực kỳ khó khăn, thậm chí còn “khó hơn cả chui qua lỗ kim”.

Nhà báo Fifield cho biết những ứng viên tiềm năng được lựa chọn từ quân đội và phải vượt qua nhiều bài kiểm tra để đánh giá sức khỏe, thị lực, khả năng quan sát, tính cách, nền tảng gia đình. “Những người chịu trách nhiệm bảo vệ Người Đồng chí Lỗi lạc phải có chứng nhận chính trị xuất sắc và chỉ xuất thân từ tầng lớp trung thành nhất”, cuốn sách viết. Họ phải có nhiều cao tương đương với ông Kim Jong-un và nằm trong số những công dân duy nhất được phép mang theo vũ khí gần nhà lãnh đạo.

Cựu vệ sĩ Lee Yeong Guk từng phát biểu với kênh ABC News vào năm 2018 rằng các vệ sĩ phải “rất giỏi bắn súng, võ Taekwondo và những môn khác như phi dao, bơi lội, diễu hành. Các điều kiện thứ hai, thứ ba và thứ tư là người đó phải cực kỳ trung thành với nhà lãnh đạo”.

Theo BBC, đội vệ sĩ của Chủ tịch Kim Jong-un thuộc biên chế của Văn phòng Trung ương Đảng số 6, được biết đến với cái tên Main Office of Adjutant (tạm dịch: Văn phòng Phụ tá chính). Họ được tuyển chọn từ các binh sĩ đang phục vụ cho Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA).

Tiêu chuẩn chung cho nhóm vệ sĩ này là phải có chiều cao tương đương với nhà lãnh đạo cần bảo vệ, đồng thời không có bất kỳ khuyết tật nào về ngoại hình. Gia thế, lý lịch sẽ bị kiểm tra cực kỳ gắt gao, bao gồm cả gia phả ít nhất 2 đời. Bởi vậy, rất nhiều thành viên thuộc Văn phòng Phụ tá chính là họ hàng với Chủ tịch Kim, hoặc phải thuộc tầng lớp tinh hoa tại Triều Tiên.

Qua vòng tuyển chọn, từng thành viên sẽ phải trải qua một quá trình huấn luyện cực kỳ nghiêm ngặt giống như lực lượng đặc công của KPA, bao gồm huấn luyện dùng súng ngắn và nhiều kỹ năng võ thuật. Ngoài việc được trang bị súng ngắn, nhóm vệ sĩ chủ yếu dùng đến kỹ năng quan sát và các biện pháp phi sát thương, như sử dụng tay không và cơ thể, để đối phó với các mối đe dọa.

Mọi thứ đều phải nghiêm ngặt, bởi mục tiêu của nhóm là trở thành lá chắn sống cho nhà lãnh đạo. Nhóm này sẽ luôn đứng thành một vòng tròn bao quanh yếu nhân, nhằm có được góc nhìn 360 độ bao quát xung quanh.

Chú thích ảnh
Nhóm vệ sĩ vây quanh Chủ tịch Kim Jong-un khi ông tiến về khu phi quân sự để gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tháng 4/2018. Ảnh: AFP/Getty Images

Tờ Time cho biết nhóm vệ sĩ là một phần của lực lượng lớn hơn được gọi là “Bộ Tư lệnh bảo vệ tối cao”, gồm gần 100.000 quân, có nhiệm vụ xử lý một loạt mối đe dọa an ninh khác nhau với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Triều Tiên tiến hành nhiều biện pháp đặc biệt để bảo vệ Chủ tịch, bao gồm nếm thức ăn trước khi phục vụ, tẩy sạch toàn bộ khu vực nhà vệ sinh riêng để không một ai có thể phân tích mẫu DNA của ông nhằm lấy thông tin sức khỏe.

Khi di chuyển, Chủ tịch Kim sẽ luôn đứng giữa từ 3 đến 5 vệ sĩ, và một trong số đó là giám đốc Văn phòng Phụ tá chính. Bên cạnh đội hình này là 4 - 6 vệ sĩ khác, đứng về hai cánh phải và trái khi di chuyển. Phía sau cũng có 4 - 5 người bọc hậu, tạo thành một lá chắn kiên cố.

Về mặt quyền lực, đây cũng là những công dân Triều Tiên duy nhất được phép mang súng có đạn bên cạnh Chủ tịch Kim. Tuy nhiên, súng không phải là thứ bảo vệ được nhà lãnh đạo Triều Tiên, mà nằm ở kỹ năng quan sát của họ. Toàn bộ các vệ sĩ đều được huấn luyện để phát hiện và vô hiệu hóa từ xa những nguy hiểm có thể xảy ra.

Chú thích ảnh
Vệ sĩ của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chờ đợi nhà lãnh đạo tại nhà ga Đồng Đăng ngày 2/3/2019. Ảnh: Reuters

Về trang phục, đội vệ sĩ mặc theo phong cách phương Tây, với suit đen và đeo cà vạt. Vệ sĩ lái xe cần đeo thêm găng tay bằng lụa hoặc da khi lái, và tất cả đều đeo bộ đàm trong tai.

BBC cho biết với đặc tính công việc là bảo vệ yếu nhân bằng mọi giá, họ có nhiệm vụ phải theo sát nhà lãnh đạo trong mọi lúc. Ngay cả khi ông Kim Jong-un đã ngồi trong xe ô tô, nhóm này vẫn buộc phải bao quanh xe, chạy theo và chỉ rời đi khi cảm thấy xe chở Chủ tịch đã trong trạng thái an toàn. Sau đó, họ sẽ lên một phương tiện khác để theo sát, bảo vệ trong suốt hành trình.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.