Lập facebook báo sẽ bị chế tài?
Tại nước ta, trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã có nhiều kế hoạch, chuyên đề để xử lý vi phạm trật tự giao thông. Ví dụ như tại Hà Nội, các chốt 141 thường xuyên được lập đã phát huy rõ rệt hiệu quả trong công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) cũng như an ninh trật tự xã hội khác. Tại TP HCM, Công an thành phố cũng đã thành lập Tổ công tác 363, với mục tiêu chính là trấn áp tội phạm, xử lý hình sự và một số hành vi vi phạm hành chính, bao gồm cả vi phạm ATGT.
Kết quả ban đầu tích cực của Tổ 363 là đã triệt phá được nhiều vụ án trên đường phố, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ yên bình làm cho người dân yên tâm hơn; đồng thời có tác dụng răn đe, phòng ngừa các loại tội phạm hiện nay. Tương tự như 2 địa phương này, Đà Nẵng cũng thành lập Tổ công tác 911, đã phát huy cao hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm giao thông.
Tuy nhiên, để “né” các tổ công tác này của lực lượng chức năng, nhiều cá nhân, tổ chức đã lập hàng trăm hội, nhóm trên các phương tiện mạng xã hội khác nhau để thông báo về địa điểm, khu vực hoạt động của các tổ công tác.
Theo một lãnh đạo Đội CSGT của Công an TP Hà Nội, việc người dân đi đường thấy lực lượng CSGT chốt, trực, lập điểm xử lý vi phạm, điểm bắn tốc độ rồi báo lại cho bạn bè hay người thân là không vi phạm. Tuy nhiên, việc lập nhóm trên facebook để đưa thông tin này là không được phép.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Phương Loan - Đoàn Luật sư Hà Nội, Luật Công nghệ thông tin có quy định tổ chức, cá nhân thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Do vậy, việc lập nhóm, fanpage trên Facebook để báo chốt CSGT có thể sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khi không được đồng ý hoặc sai mục đích” theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Trong thời gian gần đây, nhiều trường hợp là các quản trị các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… đã bị xử phạt về hành vi này.
Còn tranh cãi
Tranh luận về việc áp dụng điều khoản như trên để xử phạt, nhiều ý kiến cho rằng như vậy là không đúng. Theo quan điểm của một chuyên gia pháp lý, trong trường hợp này, không có hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân nào.
Giả sử, những người này họ có dùng tài liệu của lực lượng CSGT để thông báo cho người khác trên mạng xã hội nhưng không phải tài liệu mật thì cũng không vi phạm. Hoạt động của CSGT cũng công khai nên việc thông báo như trên không vi phạm bí mật nhà nước.
Nếu mục đích của những người này thông báo điểm bắn tốc độ, chốt xử lý của lực lượng CSGT nhằm giúp họ thực hiện đúng quy định của Luật ATGT thì là việc làm tốt chứ không phải là xấu. Trong khi hiện nay chưa có quy định nào cấm người dân thông báo cho nhau biết CSGT có lập chốt ở chỗ này hay chỗ kia. Do đó, việc xử lý hành vi thông báo điểm bắn tốc độ, chốt xử lý của lực lượng CSGT lên mạng xã hội cũng rất khó có căn cứ để xử phạt vì họ không vi phạm điều pháp luật cấm.
Luật sư Bùi Thế Vinh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng không đủ căn cứ để xử phạt. Vì CSGT tuần tra, xử lý vi phạm ATGT là hoạt động công khai, mọi người đều có quyền biết. Không thể xử phạt hành vi của một người đăng tải thông tin về một hoạt động công khai của cơ quan nhà nước. Nói cách khác, việc đưa thông tin về các địa điểm lập chốt của CSGT không cần phải có sự đồng ý của lực lượng CSGT.
Việc người dân cảnh báo trước cho người khác về hoạt động tuần tra, xử phạt vi phạm giao thông cũng là một trong những biện pháp giúp nâng cao ý thức tuân thủ giao thông. Mục đích là để người khác biết và chấp hành tốt các quy định giao thông. Cạnh đó, pháp luật không có quy định cụ thể về mục đích của hành vi thông báo chốt CSGT như thế nào thì mới gọi là sai.
Còn nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này nhưng ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc đăng địa điểm bắn tốc độ, chốt xử lý vi phạm giao thông lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Ví dụ như tại nước Anh, các tờ báo địa phương như Wiltshire Times, The Sun... cho biết, tất cả những hành vi đăng hình ảnh, cảnh báo người khác về các “chốt” (trạm) đặt bẫy tốc độ của cảnh sát lên mạng xã hội sẽ bị phạt tới 1.000 bảng Anh (hơn 32 triệu VND).
Theo thông báo của cảnh sát nước này, hành vi này sẽ bị xử phạt theo Điều 89 Luật Cảnh sát năm 1997 về việc cố tình chống người thi hành công vụ.
Các chuyên gia pháp lý Anh cho rằng, việc đăng tải thông tin chốt bẫy tốc độ lên mạng xã hội có thể làm thay đổi hành vi tự nhiên của người lái, thậm chí khiến họ chuyển hướng đi để né phạt, do đó, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thi hành công vụ của cảnh sát Anh.