Lần thứ 2 được đề cử
Đề cử Tổng thống Mỹ cho giải Nobel được ông Christian Tybring-Gjedde (thành viên của đảng Tiến bộ cực hữu có chân trong Quốc hội Na Uy) đệ trình. Trong phát biểu về động thái của mình, ông Tybring-Gjedde ca ngợi ông Trump vì những nỗ lực của ông trong việc giải quyết các cuộc xung đột kéo dài trên toàn thế giới. “Vì công lao của ông ấy, tôi nghĩ ông ấy đã cố gắng tạo ra hòa bình giữa các quốc gia nhiều hơn so với hầu hết các ứng cử viên được đề cử Giải Hòa bình khác”, ông Tybring-Gjedde nói với đài Fox News trong một cuộc phỏng vấn độc quyền.
Trong thư đề cử gửi cho Ủy ban Nobel, ông Tybring-Gjedde khẳng định chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ giữa Israel và UAE. “Như dự kiến, các quốc gia Trung Đông khác sẽ tiếp bước UAE, thỏa thuận này có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi, biến Trung Đông thành một khu vực hợp tác và thịnh vượng”, ông này nói.
Trong thư, ông này cũng khẳng định vai trò quan trọng của Tổng thống Mỹ trong việc tạo điều kiện tiếp xúc giữa các bên xung đột và tạo ra động lực mới trong các cuộc xung đột kéo dài khác, ví dụ như tranh chấp biên giới Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan, xung đột giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như đối phó với khả năng hạt nhân của Triều Tiên. “Tôi không phải là một người quá ủng hộ ông Trump. Ủy ban nên xem xét mọi việc và đánh giá ông ấy dựa trên sự thật, không phải dựa vào cách ông ấy đôi khi cư xử”, ông Tybring-Gjedde nói.
“Cho dù hành động như thế nào ở trong nước và nói gì ở họp báo, ông Trump chắc chắn có cơ hội nhận giải Nobel Hòa bình”, ông Tybring-Gjedde nói trong một phát biểu khác với hãng tin AP. Theo vị nghị sỹ Na Uy, ông đề cử Tổng thống Mỹ vì “ông Donald Trump hội đủ tiêu chuẩn” nhận giải Nobel Hòa bình. Theo ông này, những người nhận được giải Nobel Hòa bình trong những năm gần đây đã làm được ít việc hơn nhiều so với ông Donald Trump. Phản hồi thông tin về việc được đề cử nhận giải thưởng danh giá, Tống thống Mỹ chỉ đơn giản nói: “Cảm ơn!”
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên ông Trump được đề cử giải Nobel Hòa bình. Trước đó, vào năm 2018, cũng chính ông Tybring-Gjedde cùng một quan chức Na Uy khác đã đề cử Tổng thống Mỹ nhận giải thưởng này sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cũng được cho là đã đề cử giải thưởng này cho Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump đã không giành giải năm đó.
Tuy nhiên, trong một email gửi truyền thông Mỹ, con gái của ông Tybring-Gjedde là cô Mathilde Tybring-Gjedde (thành viên đảng Bảo Thủ trung hữu trong Quốc hội Na Uy) đã chỉ trích việc cha cô đề cử Tổng thống Trump. “Tôi không đề cử ông Donald Trump vì tôi cho rằng ông ấy không hội đủ điều kiện nhận giải Nobel Hòa bình. Giải thưởng này dành cho những người đã có công nhiều nhất hoặc tốt nhất xây dựng tình hữu nghị giữa các quốc gia, bãi bỏ hoặc giảm bớt quân thường trực, cũng như tổ chức và hỗ trợ đại hội hòa bình. Khi đọc chi tiết này, tôi không nghĩ đến ông Donald Trump”, cô Mathilde Tybring-Gjedde cho hay.
Theo quy định, những người được quyền đề cử ứng viên nhận giải Nobel Hòa bình phải là thành viên quốc hội hoặc nội các của các quốc gia, thành viên của một số tòa quốc tế, giáo sư các ngành lịch sử, khoa học xã hội, luật, triết học, thần học và tôn giáo, cá nhân hoặc tổ chức từng giành giải, thành viên, cựu thành viên và cựu cố vấn của Ủy ban Nobel Na Uy.
Khác với những giải Nobel khác vốn được trao ở Thụy Điển, thủ tục xem xét ứng viên, loại bỏ bớt ứng viên và trao giải diễn ra ở Na Uy. Đề cử các ứng viên phải được nộp cho Ủy ban hòa bình Na Uy trước ngày 1/2 hàng năm. Trong một thông báo trên trang web, Ủy ban hòa bình Na Uy hôm giữa tuần trước cho biết, tính đến thời điểm này, họ nhận được tổng cộng 318 đơn đề cử giải Nobel Hòa bình 2020, gồm 211 cá nhân và 107 tổ chức. Danh sách người được đề cử và người đề cử không được tiết lộ cho đến 50 năm sau đó.
Lại thêm những lùm xùm
Tin vui nói trên của ông Trump diễn ra cùng lúc với việc một loạt những tiết lộ bom tấn về ông được công bố, lần này là từ cuốn sách có tên “Rage” (tạm dịch là ‘Cơn thịnh nộ’) của phóng viên nổi tiếng Bob Woodward tại tờ Washington Post. Cuốn sách về nhiệm kỳ của ông Trump này là lần thứ hai ông Woodward viết về đương kim Tổng thống Mỹ. Có điều, khác với lần trước, lần này, tác giả đã phỏng vấn ông Trump 18 lần trực tiếp và qua điện thoại và có cả các đoạn băng ghi âm phỏng vấn. Cuốn sách sẽ được chính thức tung ra trong tuần này.
Trong số những tiết lộ được nêu ra trong cuốn sách có chi tiết, trong một cuộc phỏng vấn được ghi âm, ông Trump đã nói với ông Woodward rằng dù biết đại dịch Covid-19 là “nghiêm trọng” và “chết chóc” đối với Mỹ và thế giới như thế nào nhưng ông muốn “giảm nhẹ tầm quan trọng” và muốn tiếp tục làm như vậy. “Tôi vẫn muốn giảm nhẹ tầm quan trọng vì tôi không muốn tạo ra hỗn loạn”, ông Trump được trích lời nói trong cuộc phỏng vấn ngày 19/3.
Trước đó, ngày 7/2, ông Trump đã nói cho ông Woodward về việc dịch bệnh Covid-19 “gây chết người nhiều hơn” so với cảm cúm như thế nào. Điều này được cho là mâu thuẫn với những phát biểu công khai của ông Trump thời gian này cũng như cả nhiều tháng sau đó. AFP cho hay, dù luôn bị cáo buộc đã giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh để tăng cơ hội tái đắc cử nhưng đây là lần đầu tiên người Mỹ nghe ông Trump công khai thừa nhận về việc này. Còn theo CNN, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 190.000 người Mỹ, những gì ông Trump nói trong các băng ghi âm đã được CNN và Washington Post công bố khiến nhiều người bị sốc.
Ngoài ra, trong cuốn sách, phóng viên trên cũng cho biết, trong các cuộc nói chuyện với ông, ông Trump đã cho ông biết về một chương trình hạt nhân mới. “Tôi xây dựng hạt nhân - một hệ thống vũ khí mà trước đây không một ai từng có ở tầm quốc gia. Chúng tôi có thứ mà ông chưa từng nghe hoặc thấy. Chúng tôi có thứ mà các ông Putin và Tập Cận Bình chưa từng nghe đến trước đây. Không có ai có, những gì chúng tôi có đáng kinh ngạc”, Tổng thống Mỹ được dẫn lời cho biết. Theo ông Woodward, các nguồn tin giấu tên khác xác nhận sự tồn tại của chương trình dù không cung cấp chi tiết cụ thể.
Cuốn sách “Rage” không chỉ bao gồm những trích đoạn chưa từng được công bố từ số thư từ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi cho ông Trump mà còn tiết lộ hai nhà lãnh đạo này đã trao đổi thư từ qua lại ít nhất 27 lần. Theo tác giả, ông Trump không cho phép ông xem bản sao số thư ông gửi cho lãnh đạo Triều Tiên nhưng khẳng định nội dung thư là “tuyệt mật”.