Quy hoạch cấp nước bị bãi bỏ
Như PLVN đã thông tin, phản ánh về những tồn tại, bất cập xung quanh Nhà máy cung ứng nước sạch xã Tam Kỳ (huyện Kim Thành, Hải Dương) do ông Nguyễn Văn Hồi làm chủ đầu tư, không có trong quy hoạch phát triển mạng lưới cấp nước sạch mà tỉnh Hải Dương phê duyệt nhưng vẫn được UBND huyện Kim Thành “tạo điều kiện, ưu ái”, “cho phép” hoạt động nhiều năm. Từ việc thực hiện thiếu nghiêm túc quy hoạch của tỉnh còn là tình trạng chồng chéo, tranh chấp liên quan tới việc cấp nước sạch giữa một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Tình trạng diễn ra nhiều năm làm ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư, sự bất bình đẳng, những kiến nghị của doanh nghiệp cũng như nhu cầu dùng nước sạch của người dân nhưng để xử lý tình trạng đó, các sở ngành hữu quan còn lúng túng, chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu nào để ổn định tình hình.
Do vậy, sau nhiều lần nhận được kiến nghị, phản ánh, ngày 25/10/2018, UBND tỉnh Hải Dương đã có công văn số 3715/UBND – VP về Kiến nghị của Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương, giao Sở Xây dựng Hải Dương tổ chức cuộc họp liên ngành với một số sở, ngành, đơn vị có liên quan cùng xem xét, thống nhất đưa ra phương hướng giải quyết vụ việc.
Nội dung văn bản số 1434/SXD-PTĐT&KTHT ngày 26/12/2018 của Sở Xây dựng Hải Dương gửi UBND tỉnh Hải Dương |
Sau khi tổ chức cuộc họp liên ngành, ngày 26/12/2018, Sở Xây dựng Hải Dương đã có văn bản số 1434/SXD-PTĐT&KTHT gửi UBND tỉnh Hải Dương về việc xem xét, giải quyết kiến nghị của Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương. Cụ thể, ngoài thông tin chung về tình hình hoạt động của các đơn vị cấp nước khu vực phía Nam huyện Kim Thành như: Trạm cấp nước xã Kim Đính của Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương, trạm cấp nước xã Đồng Gia của Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn, Công ty TNHH nước sạch Liên Hòa (trước đây là Tổ kinh doanh nước sạch Liên Hòa), trạm cấp nước xã Tam Kỳ của ông Nguyễn Văn Hồi. Văn bản cho biết, sau khi nghe các đơn vị tham gia phát biểu ý kiến, cuộc họp tổng hợp, thống nhất báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo một số nội dung như sau:
Về quy hoạch cấp nước tỉnh: Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới nước sạch tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2639/QĐ-UBND ngày 24/10/2014. Theo quy hoạch được phê duyệt, phần lớn các nội dung quy hoạch đã được triển khai mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số bất cập, phạm vi cấp nước của một số đơn vị bị chồng lấn, chưa phù hợp với tình hình thực tế hoạt động cấp nước tại các địa phương.
Mặt khác, việc thực hiện theo quy hoạch còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nhu cầu và sự chấp thuận của địa phương, doanh nghiệp, tôn trọng quyền của địa phương, nhân dân, doanh nghiệp lựa chọn dịch vụ cấp nước, đơn vị nào thực hiện tốt, chất lượng, giá thành phù hợp thì họ sẽ lựa chọn; Tôn trọng những dự án có trước và có hướng thay đổi, nâng cao dịch vụ cấp nước đáp ứng nhu cầu của địa phương, nhân dân. Ngoài việc tồn tại việc thực hiện theo quy hoạch của Vùng 8 (gồm toàn bộ khu vực huyện Kim Thành), còn tồn tại một số khu vực khác trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu cấp nước cho nhân dân ngày một tốt hơn, cần thiết phải điều chỉnh một số nội dung Quy hoạch được phê duyệt từ năm 2014. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh giao Sở Xây dựng rà soát, tổ chức lập điều chỉnh bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới cấp nước sạch tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.
Về việc xem xét lại việc tuân thủ, chấp hành quy hoạch cấp nước tỉnh đối với dự án Trạm cấp nước xã Tam Kỳ: đề nghị UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thanh, kiểm tra việc chấp hành thủ tục về đầu tư xây dựng của dự án Trạm cấp nước xã Tam Kỳ theo quy định hiện hành, đồng thời hướng dẫn đơn vị thực hiện theo đúng quy định, sớm hoàn thiện dự án để cải thiện, nâng cao dịch vụ cấp nước cho nhân dân.
Được biết, cũng trong ngày 26/12/2018, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 4838/QĐ-UBND về việc bãi bỏ một số quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể trên địa bàn tỉnh Hải Dương, trong đó Quy hoạch tổng thể mạng lưới cấp nước sạch tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 mà UBND tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định 2639/QĐ-UBND ngày 24/10/2014 cũng bị bãi bỏ.
Huyện phê duyệt đúng thẩm quyền?
Liên quan vấn đề này, Điều 11 Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch có quy định rõ: Quy hoạch cấp nước được lập, phê duyệt làm cơ sở cho các hoạt động tiếp theo. Mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cấp nước phải tuân theo quy hoạch cấp nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Rõ ràng có thể thấy, Trạm cung ứng nước sạch xã Tam Kỳ của ông Nguyễn Văn Hồi, ngay từ ban đầu không có trong quy hoạch mà tỉnh phê duyệt và thời gian tới không biết có được “bổ sung” vào quy hoạch cấp nước của tỉnh hay không nhưng “vẫn được” các cơ quan chức năng hết sức “tạo điều kiện” để “sớm hoàn thiện dự án để cải thiện, nâng cao dịch vụ cấp nước cho nhân dân”.
Nhà máy cung ứng nước sạch xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành |
Theo khoản 2, điều 1 Nghị định 117/2007/NĐ-CP cho biết: Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến việc sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch trên lãnh thổ Việt Nam.
Điểm b khoản 2 Điều 18 Nghị định 117/2007/NĐ-CP cũng nêu rõ thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch cấp nước vùng đối với quy hoạch cấp nước vùng thuộc tỉnh như sau: UBND cấp tỉnh phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch cấp nước vùng thuộc giới hành chính do mình quản lý trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của cơ quan thẩm định và ý kiến thỏa thuận của Bộ Xây dựng; Sở Xây dựng các tỉnh, Sở Giao thông công chính các thành phố trực thuộc trung ương chủ trì thẩm định các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch cấp nước vùng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Đối chiếu những quy định trên với ý kiến của ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương khi cho rằng: “năm 2012, huyện Kim Thành chấp thuận cho hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Văn Hồi làm nhà máy cấp nước sạch cho xã Tam Kỳ và xã Đại Đức. Tại thời điểm đó, việc phê duyệt như vậy là đúng quy định” là không đúng. Bởi căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 18 của Nghị định này, rõ ràng UBND tỉnh Hải Dương mới là cấp có thẩm quyền phê duyệt cho dự án của ông Hồi chứ không phải là UBND huyện Kim Thành.
Một dự án cấp nước sạch ngay từ khi đầu tư triển khai cho đến khi đi vào hoạt động, điều chỉnh đã có nhiều vướng mắc, chưa đúng với quy định của pháp luật, thiếu sót về trình tự thủ tục, không có các sở ngành của tỉnh thẩm định… nhưng cớ sao vẫn được hoạt động ổn định đến bây giờ?
Từ sự việc trên, dư luận cũng trăn trở, băn khoăn đặt câu hỏi: có quy hoạch cấp nước nhưng vì thực hiện thiếu nghiêm túc nhiều năm dẫn đến làm ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư, sự bất bình đẳng, chồng lấn giữa các doanh nghiệp cũng như nhu cầu dùng nước của người dân. Vậy khi quy hoạch đã bị UBND tỉnh bãi bỏ, những bất cập trên sẽ được xử lý ra sao? Liệu có đảm bảo được sự công bằng giữa các chủ thể hay không?
Báo PLVN tiếp tục thông tin.