Công ty Minh Thức nói gì?
"Công ty TNHH Minh Thức được nhà nước cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, có tư cách pháp nhân, thuộc sở hữu của tôi, từ khi thành lập đến nay do tôi là đại diện pháp luật, không phải "sở hữu" của gia đình ông Thái" là khẳng định của ông Trần Ngọc Dương, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thức trong văn bản gửi Báo PLVN.
Tuy nhiên, về mối liên hệ gia đình giữa Công ty Minh Thức và Bí thư, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm, ông Nguyễn Xuân Thái cho biết ông Trần Ngọc Dương là em rể ông, còn doanh nghiệp Hoàng Minh do cháu con trai ông là chủ doanh nghiệp.
Cũng trong văn bản gửi Báo Pháp luật VN, ông Trần Ngọc Dương khẳng định doanh nghiệp của ông không phải là "sân sau" của ông Bí thư, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm, không được "chống lưng" hay ưu ái đặc biệt gì.
Việc báo chí cho rằng Công ty TNHH Minh Thức "được "chống lưng", được "đặc biệt ưu ái" cho hoạt động khai thác có nghĩa là muốn ám chỉ chúng tôi hoạt động không minh bạch, không rõ ràng" - ông Trần Ngọc Dương khẳng định.
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Dương không cho biết việc người dân xã Yên Lâm phản ánh vợ, con ông Bí thư, Chủ tịch xã Nguyễn Xuân Thái mới là những người trực tiếp quản lý công nhân, điều hành sản xuất ở Công ty, còn ông chỉ có 1 xưởng sản xuất nhỏ ở đây là đúng hay sai. Ông Giám đốc Công ty TNHH Minh Thức cũng không cho biết doanh nghiệp của ông gây ô nhiễm môi trường đến mức bị nhân dân phản ứng nhưng không thấy ai nhắc nhở hay xử lý gì thì có phải là một dạng được "ưu ái đặc biêt" hay không.
Hết hạn khai thác vẫn hoạt động bình thường?
Xung quanh những phản ứng của người dân và dư luận về ông Nguyễn Xuân Thái – Bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã Yên Lâm (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) và hoạt động của doanh nghiệp người nhà là Công ty TNHH Minh Thức, đặc biệt là việc Công ty này chế biến đá và thải nước thải trực tiếp ra môi trường, ngày 24/8/2017, phóng viên Báo PLVN đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa để làm rõ những vấn đề trên.
Làm việc với phóng viên, ông Phạm Văn Hoành – Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa) đã cung cấp cho phóng viên một số thông tin, hồ sơ liên quan đến việc cấp phép, hoạt động của Công ty TNHH Minh Thức, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng thương mại và sản xuất Hoàng Minh.
Ông Phạm Văn Hoành - Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa) làm việc với phóng viên. |
Theo ông Hoành cho biết, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng thương mại và sản xuất Hoàng Minh vẫn đang hoạt động, khai thác đá theo giấy phép được cấp, còn Công ty TNHH Minh Thức hiện tại đã ngừng khai thác đá từ lâu. Hiện tại công ty này lấy đá từ Doanh nghiệp tư nhân xây dựng thương mại và sản xuất Hoàng Minh để chế biến đá.
“Công ty TNHH Minh Thức đã hết hạn khai thác đá từ lâu và hiện tại chưa có giấy phép khai thác đá, họ chỉ lấy đá từ bên công ty Hoàng Minh sang để chế biến đá. Trước đây, sau khi hết hạn trong giấy phép, phía công ty Minh Thức đã xin tạm dừng khai thác đá và làm thủ tục xin mở rộng mặt bằng mỏ và thăm dò trữ lượng khoáng sản. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt phương án và chờ họ hoàn tất thủ tục, nộp tiền để cấp giấy phép mới. Vài năm trước, do xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến việc khai thác đá nên tỉnh đã không đồng ý cho khai thác kiểu hàm ếch vì sẽ gây sập mỏ. Có thể, họ xin tạm dừng để cơ quan chức năng không thu hồi mỏ, và trong thời gian đó họ xin mở rộng mặt bằng mỏ”, ông Hoành cho biết.
Thấy vậy, phóng viên thắc mắc, nếu đã hết hạn khai thác thì phải đóng cửa mỏ và di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất đi tại sao phía công ty Minh Thức vẫn hoạt động trên khu vực mỏ bình thường như vậy. Nếu công ty này cứ “án ngữ” tại đây thì làm gì có doanh nghiệp nào vào đấu giá, làm thủ tục xin phép khai thác tại khu vực mỏ này được, ông Hoành liền cho biết: “Theo nguyên tắc là hết hạn trong giấy phép thì phải đóng cửa mỏ và di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất đi nơi khác.
Tuy nhiên, theo thăm dò thì trữ lượng mỏ rất lớn, phải nhiều năm khai thác mới hết. Và họ xin tạm dừng để mở rộng thêm mặt bằng mỏ, bản chất là cấp phép một mỏ mới có mặt bằng rộng hơn trên nền tảng mỏ cũ. Bên cạnh đó, mỏ khai thác của Công ty TNHH Minh Thức không nằm trong khu vực đấu giá, vả lại công ty Minh Thức cũng có nhiều cơ sở vật chất xây dựng trên mặt bằng mỏ cũ nên việc di chuyển đi cũng là điều khó khăn cho nên tỉnh cũng tạo điều kiện cho họ”.
Theo một chuyên viên của phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ, khi mỏ khai thác đá của Công ty Minh Thức đã hết hạn khai thác thì làm văn bản xin tạm dừng như Công ty Minh Thức làm là thừa, vì nếu làm thủ tục mở rộng mỏ thì coi như là cấp phép một mỏ mới và làm hồ sơ lại toàn bộ để cấp phép.
Giấy phép khai thác đá và thuê đất của Công ty TNHH Minh Thức đã hết hạn từ năm 2011. |
Theo như tài liệu mà Phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa) cung cấp cho phóng viên, ngày 20/9/2007, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định số 2847/QĐ-UBND về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất đối với Công ty TNHH Minh Thức với thời hạn 36 tháng. Trong đó, diện tích thuê đất là 37.115 mét vuông, diện tích khai thác là 21.578 mét vuông, diện tích khai trường là 15.537 mét vuông.
Đến ngày 08/12/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ra quyết định số 4371/QĐ-UBND về việc gia hạn giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản và cho thuê đất đối với Công ty TNHH Minh Thức theo như quyết định số 2847 /QĐ-UBND ngày 20/9/2007 đã ký trước đó. Thời hạn khai thác và thuê đất được gia hạn đến ngày 30/4/2011 thì hết hiệu lực.
Như vậy, Công ty TNHH Minh Thức đã hết hạn giấy phép khai thác đá và thuê đất từ ngày 30/4/2011.
Cho đến ngày 24/4/2013, phía Công ty Minh Thức đã có tờ trình xin mở rộng mỏ đá và ý kiến đề xuất của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa tại công văn số 1553/STNMT-TNKS ngày 27/5/2013. Thì lúc này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 3922/UBND-CN ngày 4/6/2013 chấp nhận chủ trương cho phép Công ty Minh Thức thăm dò khoáng sản tại khu vực mỏ muốn mở rộng và làm cơ sở để lập dự án khai thác khoáng sản trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Mới đây nhất, ngày 24/5/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định số 1687/QĐ-UBND về việc phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản và nộp tiền hoàn trả kinh phí thăm dò mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Loáng, xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đối với Công ty TNHH Minh Thức.
Quyết định số 1687/QĐ-UBND về việc phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản và nộp tiền hoàn trả kinh phí thăm dò mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Loáng, xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đối với Công ty TNHH Minh Thức. |
Theo cách tính tại quyết định này thì số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với Công ty Minh Thức là 2,485 tỷ đồng với thời hạn khai thác là 30 năm, số tiền hoàn trả kinh phí thăm dò là 54,119 triệu đồng. Như vậy, Công ty Minh Thức đã hết hạn khai thác từ ngày 30/4/2011 và đến giờ chỉ cần qua một số văn bản tạm dừng, tờ trình, quyết định thì chỉ đợi Công ty Minh Thức nộp tiền vào là lại tiếp tục có giấy phép khai thác do UBND tỉnh Thanh Hóa cấp với mỏ có diện tích rộng hơn.
Về vấn đề ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Minh Thức gây ra trên địa bàn, ông Hoành cũng cho hay, trách nhiệm này thuộc về Chi cục quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa). Tuy nhiên theo nhận xét của ông Hoành: “Khi nước chế biến đá thải ra môi trường phải theo quy trình, trước đây tôi cũng nằm trong hội đồng đánh giá tác động môi trường, thường là nước thải này sẽ tuần hoàn, không thải ra ngoài trực tiếp. Nước được lấy vào để chế biến đá, sau đó nước thải sẽ được thải ra bể lắng. Rồi từ bể lắng, nước thải sẽ được xử lý thành nước sạch và tiếp tục dùng để chế biến đá, còn bột đá lắng lại thì làm nguyên liệu để sản xuất gạch không nung. Tất cả các doanh nghiệp khai thác đá nằm trên địa bàn tỉnh đều phải tuân thủ đánh giá tác động môi trường và Chủ tịch tỉnh là Chủ tịch hội đồng đánh giá tác động môi trường”.
Nước thải chế biến đá được Công ty TNHH Minh Thức thải trực tiếp ra môi trường mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. |
Khi phóng viên qua Chi cục quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa) để làm việc và lấy ý kiến về việc gây ô nhiễm môi trường của Công ty Minh Thức thì một chuyên viên nơi đây cho biết các lãnh đạo của Chi cục này đều đi vắng. Qua kiểm tra nhanh thì chuyên viên này cho biết, Chi cục không quản lý doanh nghiệp này và việc gây ô nhiễm môi trường của Công ty Minh Thức thì trách nhiệm là của UBND huyện Yên Định vì Công ty này thuê đất của tỉnh.
Sự “im lặng” khó hiểu?
Để làm rõ những vấn đề gây ô nhiễm môi trường trong quá trình chế biến đá của Công ty Minh Thức và những “lùm xùm”, đồn đoán xung quanh việc ông Nguyễn Xuân Thái – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm sở hữu nhiều tài sản có giá trị lớn, xây dựng trụ sở Công sở xã “hoành tráng” có dấu hiệu lãng phí, nghi vấn đưa người nhà vào thực hiện dự án xây dựng trụ sở Công sở xã, “bảo kê” doanh nghiệp của người nhà hoạt động, khai thác đá, trưa cùng ngày, phóng viên Báo PLVN đã liên hệ với ông Lưu Vũ Lâm – Chủ tịch UBND huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa). Theo như ông Lâm trao đổi từ tuần trước khi phóng viên liên hệ: “Phải giữa tuần tôi mới làm việc được!”, tuy nhiên qua điện thoại, ông Lâm vẫn cho biết: “Các anh làm việc với anh Tùng Chánh văn phòng, chiều nay tôi bận họp thường trực”.
Ông Phạm Quang Thọ - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Yên Định. |
Chiều cùng ngày, phóng viên có mặt tại phòng của ông Tùng – Chánh văn phòng UBND huyện Yên Định, được sự hướng dẫn của cán bộ văn phòng, phóng viên ngồi chờ ông Tùng tại phòng làm việc. Được một lúc, một người đàn ông bước vào phòng và giới thiệu tên là Phạm Quang Thọ - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Yên Định, ông Thọ mới nhận nhiệm vụ phó Chánh văn phòng được vài hôm, do ông Tùng bận nên ông Thọ sẽ là người làm việc với phóng viên.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, ông Thọ đưa ra một văn bản và cho biết: “Các anh có nhận được công văn của Sở thông tin và truyền thông tỉnh Thanh Hóa số 1033 ngày 16/8/2017 này chưa, còn anh Thái cũng đã làm báo cáo gửi huyện rồi. Anh ấy cũng đưa ra nhiều thông tin và giải trình trước những thông tin này. Trong tay tôi cũng không có thông tin, tài liệu gì cung cấp cho các anh mà chỉ biết Sở thông tin và truyền thông tỉnh Thanh Hóa có thông tin thế này thôi”.
Cũng trong buổi làm việc, ông Thọ không chia sẻ, cũng không cung cấp thông tin gì mà cho biết, ông chỉ ghi nhận lại nội dung phóng viên đến làm về việc gì rồi báo cáo lại lãnh đạo sẽ hẹn với phóng viên sau.
Cán bộ UBND xã Yên Lâm tiếp nhận nội dung liên hệ của phóng viên Báo PLVN, tuy nhiên đến nay chưa có bất cứ liên hệ, phản hồi nào? |
Thiết nghĩ, để thông tin được khách quan, chính xác nhất, tránh dư luận “xì xào”, đồn đoán việc bao che cán bộ, Báo PLVN đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, công khai minh bạch mọi thông tin việc có hay không ông Nguyễn Xuân Thái – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm sở hữu nhiều tài sản có giá trị lớn, xây dựng trụ sở Công sở xã “hoành tráng” có dấu hiệu lãng phí, nghi vấn đưa người nhà vào thực hiện dự án xây dựng trụ sở Công sở xã, “bảo kê” doanh nghiệp của người nhà hoạt động, khai thác đá.
Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh./.