Bốn lần xử chỉ một kết quả
Như PLVN đã phản ánh trong số báo trước, vì xót thương những người em ngoài quê nghèo khó, vợ chồng ông Bùi Văn Tâm (ngụ ấp Chiến Thắng, xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đưa những người em vào Xuân Lộc sinh sống và cho ở nhờ trên đất của mình. Hơn 20 năm sau, những người em bị cho là trở mặt chiếm luôn đất, đẩy gia đình người anh vào một cuộc chiến tìm công lý.
Năm 2015, TAND huyện Xuân Lộc đưa vụ án ra xét xử. Phía bị đơn có yêu cầu phản tố đề nghị tòa công nhận đất này của mình. Người bán đất cho vợ chồng ông Tâm là vợ chồng ông Đông cũng có mặt. Cuối cùng, bản án tuyên “bác yêu cầu khởi kiện của ông Tâm, bà Khánh” và “chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, công nhận diện tích 900m2 đất thuộc quyền sử dụng của ông Niên, bà Hiền…”.
Bản án sơ thẩm (lần đầu) sau đó bị cấp phúc thẩm tuyên hủy vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thu thập không đầy đủ chứng cứ. Thêm gần hai năm nữa kể từ thời điểm tuyên hủy án sơ thẩm, vụ kiện mới được đưa ra xét xử sơ thẩm lần hai vào giữa năm 2017. Bản án sơ thẩm lần hai của TAND huyện Xuân Lộc vẫn tuyên như cũ.
Vợ chồng người đòi đất tiếp tục kháng cáo. Lúc này, VKSND Đồng Nai ra Quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm lần hai. Trong kháng nghị, đại diện VKS nhận định “đủ căn cứ đất trên của vợ chồng ông Tâm nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Đông...”. Do đó, đề nghị TAND tỉnh xử phúc thẩm theo hướng sửa án sơ thẩm như nhận định đã nêu trong kháng nghị.
Điều thấy được, sau sáu năm quay vòng với bốn lần xét xử, phần quyết định của bản án lần thứ tư (phúc thẩm) là bản sao của bản án lần đầu (sơ thẩm). Bà Khánh bức xúc: “Nếu chỉ có một kết quả là bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của vợ chồng tôi và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, công nhận diện tích 900m2 đất thuộc quyền sử dụng chung của gia đình bị đơn thì cần gì phải xét xử tới sáu năm với bốn bản án?”.
Kháng nghị bị bỏ ngoài tai
Không chỉ phía nguyên đơn và dư luận quan tâm đến vụ kiện bức xúc mà VKSND tỉnh Đồng Nai cũng ra quyết định kháng nghị. Theo kháng nghị, bản án sơ thẩm (lần thứ 2) bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (ông Tâm, bà Khánh) và chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn (đại diện là ông Niên, bà Hiền) là không có căn cứ pháp luật.
VKS nhận định, đất và nhà của vợ chồng ông Đông chuyển nhượng cho ông Tâm, bà Khánh có “Giấy sang nhượng nhà đất” năm 1992 có đầy đủ chữ ký các bên. Vợ chồng người bán đất trước sau đều khai thống nhất chỉ chuyển nhượng nhà đất và nhận vàng (1,5 lượng) của vợ chồng ông Tâm bà Khánh chứ không chuyển nhượng nhà đất và nhận vàng của ông Niên. Việc sau này có lần ông Đông làm “giấy xác nhận” có bán đất cho ông Niên nhưng nhờ ông Tâm, bà Khánh đứng tên giúp, mục đích chỉ để ông Sáu (cha của ông Niên) đủ điều kiện được xã xây nhà tình thương. Ngay sau khi viết tờ “Giấy xác nhận” đó, ông Đông đã nộp đơn trình báo với Công an, UBND xã… về việc xác nhận sai sự thật và yêu cầu các cơ quan trên hủy giấy này.
Trước lời khai của phía bị đơn là phải nhờ vợ chồng ông Tâm đứng tên giúp năm 1992 vì lúc đó quy định không cho phép người không có hộ khẩu đứng tên nhà đất, phía VKS nhận định: nội dung lời khai của bị đơn hoàn toàn không có căn cứ chấp nhận. Bởi lẽ, trong một công văn trả lời của UBND xã Bảo Hòa (nơi có mảnh đất bị tranh chấp), khẳng định “việc đăng ký cấp sổ đỏ lần đầu theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn không bắt buộc người nhận chuyển nhượng phải có hộ khẩu tại địa phương mới được kê khai đăng ký cấp giấy”. Như vậy, những lời khai của bị đơn đều không có giá trị.
Từ những nhận định trên, kháng nghị của VKS tỉnh cho rằng có đủ căn cứ xác định nhà đất là của vợ chồng ông Tâm nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Đông năm 1992. Năm 1993 ông Tâm được cấp sổ đỏ. Năm 1994 ông Niên (con ông Sáu) mới vào ở nhờ. Do vậy, cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mới đúng quy định. Tuy nhiên, bị đơn có hoàn cảnh khó khăn, không còn chỗ ở nào khác, đã sinh sống trên đất ngoài 20 năm và có công cải tạo, trông coi đất nên cần xem xét công cải tạo, trông coi đất của bị đơn mới hợp lý, hợp tình.
Không hiểu lý do gì, quyết định kháng nghị trên bị tòa cấp phúc thẩm bác toàn bộ tại phiên xử cuối tháng 3/2018.
Quá nhiều khuất tất?
Có hai điểm mà bản án phúc thẩm luôn bấu víu vào, đó là việc ông Đông viết xác nhận cho ông Niên năm 2012 và việc gia đình ông Niên, ông Sáu đóng thuế đất từ năm 1994 đến năm 2010.
Điểm thứ nhất có lẽ không cần nói thêm nữa vì chính vợ chồng ông Đông (chủ đất cũ) đã nhiều lần có đơn gửi cơ quan chức năng và lời khai tại tòa, tất cả trước sau đều thống nhất: Do gia đình bị đơn không có đất (đang ở nhờ đất của ông Tâm) nên ông Đông thương tình mà xác nhận “khống” vì muốn tạo điều kiện để bị đơn được cấp nhà tình thương.
Điểm thứ hai là việc gia đình ông Niên đóng thuế hàng năm trên mảnh đất. Theo nhận định của VKS, cho dù gia đình này bỏ tiền đóng thuế từ năm 1994 đến năm 2010 (dù người đứng tên nộp thuế vẫn là ông Tâm) cũng không chứng minh được nhà đất của bị đơn. Bởi vì ông Tâm cho gia đình bị đơn ở nhờ không lấy tiền, thì bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế hàng năm thay ông Tâm cũng là bình thường. Qua việc đóng thuế trên, càng chứng tỏ, khi vợ chồng ông Tâm mua đất năm 1992, ông Niên không có mặt tại mảnh đất đang tranh chấp. Đến năm 1994, họ mới vào ở nhờ.
Các chứng cứ cho thấy, năm 1994, ông Niên mới từ Quảng Ngãi vào ở nhờ nhà ông Tâm, còn vợ chồng ông Tâm nhận chuyển nhượng đất từ năm 1992, được UBND huyện cấp sổ đỏ năm 1993. Vậy, năm 1992, ông Niên làm gì có mặt tại xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc để mua đất?
Chưa kể, nếu là đất của ông Niên, tại sao năm 2007, khi vợ chồng ông Tâm bán một phần mảnh đất (hơn 600m2) cho bà Trần Thị Khánh, gia đình ông Niên không có ý kiến gì hoặc ngăn cản việc mua bán trên, mặc dù họ đang sinh sống trên đất? Cần nói rõ, việc mua bán đất giữa ông Tâm và bà Khánh được UBND xã ký chứng thực, hai bên được cấp sổ mới sau đó.
Bây giờ, nhắc đến việc tranh chấp chẳng đặng đừng sáu năm qua, ông Tâm thường im lặng và thở dài. Ông còn điều may mắn từ người vợ sau khi trải qua bao sóng gió, bà chưa bao giờ cằn nhằn ông một lời khi thấy những người em họ và ông chú ruột chồng nhẫn tâm tranh giành đất. Mỗi khi nghĩ đến chuyện cũ, ông lại lần giở lá thư cũ ra đọc, lá thư chỉ đề ngày tháng âm lịch mà không đề năm, nhưng ông còn nhớ như in đó là năm 1994, cái năm ông Niên từ Quảng Ngãi vào Xuân Lộc sống nhờ vợ chồng ông.
Lá thư có đoạn: “… Anh chị thương tình nghĩa anh em như ruột thịt, sâu sắc và đậm đà hơn thì anh chị cố gắng dạy Niên và hướng dẫn Niên trên công việc làm ăn, để cho Niên tằn tiện dành dụm. Sau này, em cũng nhờ anh chị dìu dắt cho Niên vì Niên cũng còn dại khờ…”. Lá thư tay của người anh ruột ông Niên gửi theo khi ông Niên bỏ quê vào tá túc, sống nhờ ông Tâm, bà Khánh 24 năm trước.
Chủ tọa xử phúc thẩm là ai?
Chủ tọa phiên xử phúc thẩm vụ kiện của vợ chồng ông Tâm, bà Khánh là Thẩm phán Bùi Kim Rết (TAND tỉnh Đồng Nai). Bà Rết từng bị kỷ luật, khai trừ Đảng vì nhận tiền của đương sự.
Theo tìm hiểu của PLVN, vào năm 2007, bà Rết bị TAND Tối cao xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Chánh án TAND huyện Xuân Lộc, bãi nhiệm chức danh thẩm phán, đồng thời cấm hành nghề có liên quan đến tòa án do có hành vi nhận 2 triệu đồng của đương sự là nguyên đơn trong vụ kiện dân sự ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc vào tháng 6/2006. Huyện ủy Xuân Lộc cũng ra quyết định khai trừ Đảng đối với bà Rết.
Sau khi bị cách chức, bà Rết được điều về công tác tại bộ phận văn phòng của TAND tỉnh Đồng Nai và từng đảm nhận chức Phó Chánh văn phòng. Năm 2016, bà Rết được bổ nhiệm lại chức danh thẩm phán, tham gia xét xử tại TAND tỉnh Đồng Nai. Như vậy, sau 10 năm bị TAND Tối cao cách chức, bà Rết nay lại ở một vị trí cao hơn.