Xử sơ thẩm vụ kiện đòi đất vào tháng 4/2021, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định đây là tranh chấp liên quan yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; buộc bà Vân và các con rời khỏi căn nhà trên phần đất này.
Không đồng tình, bà Vân đã kháng cáo bản án lên TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Theo phía bà Vân, vợ chồng bà kết hôn năm 1992, có hai con chung. Đến 2001, vợ chồng bà được cha mẹ chồng chuyển nhượng (bà cho rằng thực chất là tặng cho) một phần đất tại đường Lê Huân (TP Huế), được UBND phường Thuận Hòa, TP Huế xác nhận ngày 27/3/2001.
Cùng năm, phần đất này được chỉnh lý biến động, sang tên cho vợ chồng bà Vân. Kể từ khi được tặng cho đất, vợ chồng bà Vân xây nhà, sinh sống ổn định suốt thời gian dài, cho đến nay là 20 năm. Khi vợ chồng bà ly hôn mới phát sinh vụ đòi lại đất.
Bà Vân cho rằng đây đơn thuần là hợp đồng chuyển nhượng đất, là một giao dịch dân sự được quy định tại Điều 130 Bộ luật Dân sự 1995, do UBND cấp huyện và cấp xã thực hiện chứng thực theo quy định vì năm 2001 chưa có Luật Công chứng, chưa hề có khái niệm “Văn bản công chứng vô hiệu”.
Do đó, theo bà Vân, Tòa cần xác định đây là “Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự” theo khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Đồng thời, chiếu theo án lệ 03/2016, thì hoàn toàn đủ cơ sở để tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ba mẹ con bà.
Khi vợ chồng bà Vân ly hôn, mẹ chồng bà Vân khởi kiện đòi tòa tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng đất cho vợ chồng con dâu cách đó 20 năm. |
Sau khi nhận kháng cáo của phía bà Vân, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã tiến hành mở 5 phiên phúc thẩm nhưng đều bị hoãn, tạm dừng vì các lý do khác nhau. Trong đó, có những phiên tòa, thành viên HĐXX bị thay đổi đột ngột nhưng bà Vân không biết lý do. Vì vậy, mới đây, bà đã gửi đơn khiếu nại vụ việc này lên Chánh án TAND Tối cao, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Theo trình bày của bà Vân, trong phiên xử phúc thẩm lần 3 ngày 25/11/2021, sau khi tiến hành xét xử, HĐXX đã tuyên bố vào nghị án và công bố bản án. Thế nhưng khi quay trở ra, HĐXX lại tuyên bố hoãn phiên tòa theo đề nghị của đại diện VKS để “thu thập thêm chứng cứ ly hôn”.
Đến phiên tòa xử ngày 28/12/2021, bà Vân nhìn vào thành phần HĐXX trong quyết định đưa vụ án ra xét xử thì lại thấy xuất hiện một thẩm phán mới. Cạnh đó, thư ký phiên tòa cũng bị thay đổi. Bà chưa kịp biết lý do thì phiên tòa này đã bị hoãn.
Tiếp đến, phiên tòa dự kiến xử vào giữa tháng 3/2022 tới đây, bà Vân nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử với thành phần HĐXX tiếp tục bị thay mới (kể cả chủ tọa), chỉ còn lại vị thẩm phán mới được thay tại phiên xử phúc thẩm ngày 28/12/2021. Đồng thời, thư ký phiên tòa cũng là người khác. Như vậy, đến nay thì HĐXX hoàn toàn mới so với những phiên xử đầu tiên.
Bà Vân cho rằng, theo Bộ luật Tố tụng Dân sự, việc phân công thẩm phán xét xử là của Chánh án. Tuy nhiên, đó phải là ở những vụ án chưa được xét xử, chưa qua tranh tụng. Còn ở đây, vụ án này đã được đưa ra xét xử, đại diện VKS cũng đã phát biểu kết luận. Chủ tọa tại phiên xử thứ 3 cũng đã tuyên bố “Việc hỏi đã đầy đủ, tranh luận đã đảm bảo, HĐXX đi nghị án và ra tuyên án”. Thế nhưng HĐXX này lại bị thay đổi hoàn toàn mà không rõ nguyên do.
Chưa kể lý do tòa cho rằng phải hoãn tuyên (sau đó thì lần lượt thành phần HĐXX bị thay đổi) vì đại diện VKS cho rằng cần thu thập thêm chứng cứ ly hôn, bà Vân cho rằng là không chính xác. Bởi những tài liệu, chứng cứ này đã được thể hiện trong hồ sơ, được làm rất rõ từ phiên sơ thẩm.
Bà Vân cho rằng, theo Điều 47, 48, 52, 53 và 56 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì việc thay đổi thẩm phán như trên là không đúng quy định. Đến nay, khiếu nại của bà vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, bà đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cần xem xét, có động thái bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà trong vụ kiện nêu trên.