Những câu hỏi đặt lên bàn làm việc lãnh đạo tỉnh Hải Dương
Vấn đề quyết liệt dừng tất cả các loại lò gạch thủ công (bao gồm cả lò liên tục kiểu đứng) xuất phát từ Thông báo 274, ngày 5/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nên chúng tôi đã gửi văn bản làm việc đến 2 cơ quan lãnh đạo cao nhất của tỉnh Hải Dương là Tỉnh ủy Hải Dương và UBND tỉnh Hải Dương.
Trong đó có những câu hỏi như sau: Thứ nhất, theo Quyết định số 1469/QĐ-Ttg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn 1452/BXD-GĐ ngày 15/7/2016 vẫn phân cấp rất rõ ràng các loại công nghệ làm gạch bao gồm: lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục... Vậy không hiểu lãnh đạo tỉnh Hải Dương căn cứ vào văn bản và tiêu chí nào để gộp các loại lò gạch nói trên vào làm một loại (lò gạch thủ công) để tiến hành yêu cầu chấm dứt hoạt động.
Thứ hai, ô nhiễm môi trường là lý do lớn nhất được đưa ra để dừng hoạt động các lò gạch liên tục kiểu đứng (theo Thông báo 274). Tuy nhiên, các chủ lò gạch liên tục kiểu đứng đề nghị lãnh đạo Tỉnh ủy có thể chỉ đạo ban hành các chế tài phạt thật nặng nếu các lò gạch liên tục kiểu đứng gây ô nhiễm môi trường, thậm chí có thể rút giấy phép nếu sai phạm về ô nhiễm môi trường liên tục xảy ra. Quan điểm của lãnh đạo Tỉnh ủy về vấn đề này?
Thứ ba, việc các chính quyền cơ sở coi Thông báo 274 như một văn bản pháp lý để tiến hành cưỡng chế các lò gạch trái phép có đúng không? Trong văn bản gửi đến UBND tỉnh, Báo PLVN còn hỏi thêm một câu về việc tỉnh có tiến hành bồi thường cho các trường hợp cấp huyện cấp giấy phép quá thời hạn so với lộ trình quy định không.
Nhưng lãnh đạo tỉnh Hải Dương né tránh toàn bộ việc trả lời. Trong các lần liên lạc với lãnh đạo Tỉnh ủy, trước mỗi lần phóng viên lên tiếng hỏi về văn bản trả lời, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vũ Văn Sơn đều lảng tránh trả lời, rồi sau đó tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với Ban Biên tập”. Tuy nhiên, thực tế phía Tỉnh ủy Hải Dương chưa hề làm việc với Ban Biên tập Báo về vấn đề này.
Liệu có gì khuất tất đằng sau Thông báo 274, thông báo dừng tất cả các loại lò gạch trên địa bàn tỉnh (ngoại trừ lò tuy nen) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy? Bởi nếu Tỉnh ủy có đủ tài liệu chứng minh cho việc làm của mình là đúng thì tại sao phải né câu trả lời khi chúng tôi đã gửi công văn làm việc?
Vì sao lảng tránh báo chí?
Trong văn bản yêu cầu dừng hoạt động các lò gạch thủ công, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu lý do duy nhất là “môi trường”. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Lương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng). Trong cuộc chuyện trò, ông Long cho biết, đã có nhiều số lượng thực nghiệm cho thấy số lượng than đốt trong một lò tuy nen lớn hơn so với lò liên tục kiểu đứng.
Điều này đồng nghĩa với việc tổng lượng phát thải các khí CO2, lưu huỳnh, sunfua ra môi trường của lò tuy nen lớn hơn. Nghĩa là các lò liên tục kiểu đứng không thể làm ô nhiễm môi trường nhiều hơn so với các lò tuy nen, vì các lò tuy nen sử dụng nguyên liệu hóa thạch (than), trong khi các lò liên tục kiểu đứng chỉ sử dụng nguyên liệu tận dụng là sỉ than từ nhà máy nhiệt điện.
PGS, TS Lương Đức Long nêu quan điểm, vấn đề chính ở đây là việc các lò gạch có đầu tư quy mô xử lý khí thải hay không và cho rằng, muốn phát triển kinh tế phải tiến tới sử dụng những loại công nghệ tiên tiến. “Tuy nhiên, cần phải hợp lý và có lộ trình phù hợp để các chủ lò gạch không bị thiệt hại quá mức. Trong trường hợp xảy ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giữa chính quyền và các chủ lò gạch cần phải ngồi lại bàn bạc, xem xét giải quyết cho thỏa đáng” - PGS, TS Long bày tỏ.
Ý kiến của nhà khoa học là vậy nhưng tính đến thời điểm này, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng vẫn chưa chính thức có cuộc làm việc nào với Hiệp hội Gạch công nghệ lò đứng tỉnh Hải Dương. Còn với cơ quan báo chí thì lãnh đạo tỉnh lại né tránh như đã trình bày. Phải chăng do quyết định của chính quyền địa phương này quá vội vàng và còn có nhiều bất hợp lý?