Như Báo PLVN đã phản ánh, sau khi có đơn tố cáo của công dân, ngày 20/01/2020, UBND huyện Gia Lâm đã có Kết luận số 02/KL-UBND khẳng định việc công dân tố cáo hộ ông Cam Văn Công có hành vi chiếm dụng đất công, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, bó hẹp lòng chảy của mương thoát nước ảnh hưởng tới giao thông, sinh hoạt của cộng đồng dân cư là đúng một phần.
UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo UBND xã Đa Tốn tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan; đồng thời quản lý, giữ nguyên hiện trạng, yêu cầu các hộ dân thôn Khoan Tế cam kết không sử dụng trái phép mặt bằng do việc đậy nắp mương, sử dụng đất nông nghiệp xen kẹt không đúng mục đích.
Với đoạn ngõ bê tông đấu nối vào đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, UBND huyện Gia Lâm yêu cầu xã Đa Tốn phối hợp Phòng Quản lý đô thị kiểm tra quy hoạch, khảo sát hiện trạng để xử lý khôi phục hiện trạng ban đầu trong trường hợp việc đấu nối không phù hợp quy hoạch, không được cấp thẩm quyền chấp nhận. UBND xã Đa Tốn thực hiện chỉ đạo và báo cáo kết quả trước ngày 31/03/2020.
Thế nhưng, người dân địa phương cho biết, ngày 7/3/2020, UBND xã Đa Tốn chỉ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ một phần công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp xung quanh nhà ông bà Công - Bình. Còn riêng vị trí vi phạm do tự ý san lấp chiếm dụng lối đi ra tuyến đường Hà Nội - Hưng Yên để phục vụ kinh doanh nhà hàng ăn uống thì không bị xử lý.
Trao đổi với phóng viên về lý do không xử lý vi phạm này, ông Đỗ Văn Kiên - Chủ tịch UBND xã Đa Tốn cho rằng, “do nước thải dưới mương gây ô nhiễm môi trường nên người ta xin rồi tự bỏ tiền ra đậy cái nắp bê tông lên, người ta cũng chẳng làm gì lên đấy cả. Xã thấy thế cũng cho cán bộ địa chính vào đo đạc, hướng dẫn người ta làm. Mục đích chung là tránh ô nhiễm môi trường, còn không một cá nhân nào được phép sử dụng riêng diện tích đấy cả”.
Tuy nhiên, người dân địa phương khẳng định, khu vực này được nhà ông Công – Bình tận dụng để xe tập trung ở đó vào khu vực nhà trọ, quán cơm. Đến đêm, nhà ông Công còn tổ chức trông coi xe, chứ không phải để sử dụng chung.
Sau khi người dân tiếp tục có đơn, UBND huyện Gia Lâm có Văn bản 832/UBND-TTr yêu cầu Chủ tịch xã Đa Tốn nghiêm túc tổ chức thực hiện Kết luận số 02/KL-UBND và báo cáo trước ngày 25/04/2020. Tuy nhiên, đã quá thời gian chỉ đạo của huyện Gia Lâm gần 2 tháng mà UBND xã Đa Tốn vẫn chưa có bất kỳ báo cáo nào gửi UBND huyện Gia Lâm.
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN chiều ngày 16/6/2020, ông Hoàng Anh Tú – Chánh văn phòng UBND huyện Gia Lâm khẳng định, huyện đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay UBND xã Đa Tốn chưa làm hết trách nhiệm và chưa có văn bản báo cáo UBND huyện Gia Lâm.
“Chúng tôi cũng thừa nhận là việc triển khai xử lý một số công trình vi phạm theo kết luận thanh tra của một số đơn vị còn chậm. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là do chính quyền xã cũng làm chưa hết trách nhiệm” – Chánh văn phòng huyện Gia Lâm nhấn mạnh.
Về trách nhiệm trong việc chậm chễ xử lý công trình vi phạm này, ông Hoàng Anh Tú cho biết, đối với những sự việc khó và kéo dài như thế này thì huyện Gia Lâm sẽ cho tiến hành kiểm tra công vụ để xác định trách nhiệm của từng cán bộ, lãnh đạo và đề xuất Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm xử lý theo quy định. Thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục đôn đốc xử lý và trả lời báo.