Liên quan đến việc bà Phận khai hoang, sử dụng đất ổn định 50 năm nhưng chưa được cấp sổ đỏ vì đang vướng lý do tranh chấp, gia đình bà Phận mới đây đã có đơn gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Trong đó, gia đình phản ánh việc Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tiếp tục kéo dài thời gian giải quyết vụ việc. Đồng thời yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Phú Giáo nhanh chóng công nhận phần đất ngoài tranh chấp để cụ bà và gia đình ổn định cuộc sống.
Sau khi tiếp nhận đơn, ngày 12/6, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 338/TTr-TDXLĐT, chuyển đơn của gia đình đến Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương “để chỉ đạo kiểm tra, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời công dân và thông báo kết quả đến Bộ Tài nguyên và Môi trường”.
Ngày 20/6, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã chuyển đơn của gia đình đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết, trả lời gia đình bà Phận và thông báo kết quả đến Ủy ban Về các vấn đề xã hội.
Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội chuyển đơn đến Chủ tịch Bình Dương |
Như Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, bà Phận khai hoang đất từ năm 1969, đến năm 2001 thì kê khai đăng ký diện tích 5.278 m2 để xin cấp sổ đỏ nhưng đến nay vẫn chưa được. Lý do được chính quyền địa phương đưa ra trong giai đoạn 2008 -2014 vì đây là đất công. Đến khi bà Phận khiếu nại đến cấp tỉnh, lý do lúc này là vì năm 2016, người con dâu (bà Trần Thị Hường) bỗng dưng đứng ra tranh chấp diện tích 619,4 m2/5.278 m2.
Năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ra Quyết định số 1611/QĐ-UBND, bác yêu cầu của bà Hường nhưng công nhận cho bà này diện tích 240 m2. Bà Phận không đồng ý, khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy quyết định trên. Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương sau đó đã tuyên hủy Quyết định 1611, yêu cầu tỉnh xem xét giải quyết lại.
Trong gần 20 năm chờ đợi cấp sổ đỏ, gia đình bà Phận đã chịu nhiều khốn khổ vì phải sống dưới khu nhà lụp xụp, tạm bợ, thiếu điều kiện vệ sinh và an toàn. Bản thân cụ bà nhiều năm qua nằm một chỗ chờ đợi nhưng nguyện vọng mãi vẫn chưa thành. Để giải quyết những nhu cầu bức thiết, gia đình yêu cầu chính quyền địa phương trước mắt công nhận diện tích đất nằm ngoài việc tranh chấp để có thể ổn định cuộc sống.
Gia đình bà Phận cho biết, họ đã gửi đơn đến Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường,Ủy ban nhân dân huyện Phú Giáo trình bày cụ thể yêu cầu nói trên. Theo đó, căn cứ bản trích đo, tổng diện tích bà Phận khai hoang, đăng ký kê khai năm 2001 được xác định thực tế khoảng 4.983,3 m2, được chia làm 5 phần và đã xác định ranh đất cũng như vị trí từng phần. Phần đất đang bị tranh chấp là phần thứ 5, có diện tích 619,4 m2. Trừ đi phần diện tích tranh chấp này, diện tích nằm ngoài tranh chấp trên thực tế còn lại bốn phần, diện tích khoảng hơn 4.360 m2.
Nguyện vọng của gia đình là trước mắt phần đất nào đủ điều kiện cấp sổ thì địa phương phải công nhận, diện tích nào còn vướng tranh chấp thì đợi giải quyết theo thủ tục.
“Yêu cầu của bà Phận là đúng luật”
Đó là nhận định của Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Theo luật sư, trong trường hợp này, vì một phần diện tích (619,4m2) trong mảnh đất 5.278 m2 đang bị tranh chấp nên theo quy định của Luật Đất đai, việc cấp sổ đỏ với toàn bộ diện tích cho bà Phận hiện tại không thể thực hiện.
Tuy nhiên, bà Phận vẫn có quyền yêu cầu chính quyền địa phương xem xét cấp sổ đỏ với những phần diện tích nằm ngoài diện tích tranh chấp. Bà Phận có thể làm hồ sơ và đo vẽ phần đất còn lại (trừ diện tích bà Hường tranh chấp), việc đo vẽ và xác định mốc giới tiến hành theo quy định pháp luật. Diện tích này Ủy ban nhân dân huyện phải cấp giấy cho bà Phận. Phần diện tích tranh chấp còn lại sẽ tiếp tục được giải quyết bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra tòa.