Sau hơn một năm thụ lý giải quyết vụ tranh chấp bất thường này, ngày 20/3/2014, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Tạ Quang Minh ký Quyết định số 21/QĐ-SHTT không chấp nhận đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Arirang (GCNĐKNH) đã cấp cho Cty Maseco.
“Cố đấm ăn xôi”
Không chỉ riêng “khổ chủ” Maseco mà các chuyên gia, doanh nhân quan tâm đến vụ kiện đều cho rằng đây là quyết định đúng đắn, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản trong Luật SHTT của các nước thành viên khối mậu dịch thế giới WTO. Cục SHTT xác nhận, vào năm 2001, Cty Maseco có quyền đăng ký nhãn hiệu Arirang tại Việt Nam. Từ năm 2001 đến nay, Cty Maseco liên tục phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm điện tử hoàn chỉnh mang nhãn hiệu Arirang để bán không chỉ ở Việt Nam mà còn xuất khẩu, lưu hành sang nhiều nước khác.
Đặc biệt, Cty Maseco còn nộp đơn đăng ký bảo hộ tại Mỹ, Canada, Nga, Singapore, Lào, Campuchia… và đã được Cơ quan Nhãn hiệu Quốc gia các nước này cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa Arirang cho các sản phẩm nhóm 09. Đến nay nhãn hiệu Arirang đã được bảo hộ thêm tại các nước thuộc khối Cộng đồng châu Âu - EU.
Quyết định của Cục SHTT nêu rõ: Cty Arirang Tech hoàn toàn không bán các sản phẩm máy đọc đĩa và phát âm thanh, trong đó có đầu máy karaoke tại Việt Nam từ năm 2001 đến nay, có chăng chỉ sản xuất các linh kiện, phụ tùng và chưa đủ cơ sở để chứng minh Cty Arirang Tech đã sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam. Hơn nữa, nếu chỉ nhãn hiệu “Arirang, hình” đã được sử dụng tại Việt Nam thì không đủ là cơ sở để hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNH đã cấp cho Cty Maseco.
Điều bất thường là cùng thời gian Cty Công Nghệ Xanh gửi đơn yêu cầu hủy bỏ GCNĐKNH Arirang của Cty Maseco thì Cty Arirang Tech Corp (Hàn Quốc) thông qua đại diện là Cty TNHH Lê & Lê (địa chỉ tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày 25/01/2013 cũng nộp đơn đến Cục SHTT để đăng ký nhãn hiệu Arirang cùng nhóm 09 mà Cty Maseco đang được bảo hộ từ năm 2001. Hành vi này đã bị Cty Maseco phát hiện và có công văn đề nghị Cục SHTT không cấp GCNĐKNH cho đơn này.
Sau khi có Quyết định 821/QĐ-SHTT, Cty Công Nghệ Xanh lại tiếp tục gửi đơn khiếu nại nhưng với lý do hoàn toàn khác. Doanh nghiệp cho rằng Cục SHTT không xem xét đến nhãn hiệu Arirang là... kênh truyền hình bằng tiếng Anh nổi tiếng của Hàn Quốc được phát 24/24 giờ tới 188 quốc gia trên toàn cầu! Nói như vậy, phải chăng Cty Công Nghệ Xanh cho rằng không chỉ Cục SHTT Việt Nam mà tất cả các Cơ quan Nhãn hiệu Quốc gia các nước tiên tiến khác như Mỹ, Canada, Nga, Singapore, EU… cũng đã sai khi cấp GCNĐKNH Arirang cho Cty Maseco?!
“Củi đậu đun hạt đậu”
Theo điều tra của Pháp luật Việt Nam, Công ty Công Nghệ Xanh mới thành lập đến nay được 3 năm (đăng ký kinh doanh vào ngày 23/6/2011 với vốn điều lệ 15 tỷ đồng) nhưng đã 3 lần đổi địa chỉ và đã qua 3 “đời” giám đốc. Cổ đông sáng lập Cty Công Nghệ Xanh chính là Cty TNHH MTV TM-DV Sóng Nhạc do ông Phạm Duy Tùng làm Chủ tịch HĐTV với tỷ lệ góp vốn 83,33%. Ông Tùng cũng là cổ đông sáng lập Cty Maseco, từng là thành viên HĐQT của Cty Maseco nhiệm kỳ đầu tiên 2001-2005.
Sau khi ông Tùng thôi việc tại Cty Maseco thì vẫn còn là cổ đông của Maseco một thời gian mới rút vốn. Cty TNHH Sóng Nhạc của ông Tùng từng là nhà phân phối sản phẩm mang thương hiệu Arirang của Maseco, sau đó do không tuân thủ thỏa thuận nên Maseco cắt hợp đồng bán hàng. Hai thành viên khác của Cty Công Nghệ Xanh là ông Lê Xuân Hòa và Nguyễn Hữu Hòa cũng từng là cán bộ, công nhân viên của Cty Maseco, đã nghỉ việc từ năm 2009.
Không chỉ khởi động một cuộc chiến pháp lý, Cty Công Nghệ Xanh trên thực tế đã cố tình xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu Arirang bằng cách in chữ Arirang trên sản phẩm do mình lắp ráp để bán ra thị trường.
Tại Kết luận giám định (số NH334-12YC/KLGĐ) của Viện Khoa học SHTT do Phó Viện trưởng Nguyễn Hữu Cẩn ký ghi rõ: chữ Arirang trên sản phẩm của Cty Công Nghệ Xanh “tương tự đến mức nhầm lẫn” với thương hiệu Arirang của Maseco. Cty Maseco phát hiện và đã yêu cầu Cty Công Nghệ Xanh chấm dứt hành vi vi phạm.
Maseco tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa từ tháng 10/2001, đến nay đã gần 15 năm phát triển bền vững với thương hiệu Arirang, được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cùng nhiều danh hiệu cao quý khác. Liệu trong cuộc chiến tranh giành thương hiệu Arirang này, ngoài hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn có những âm mưu nào khác phía sau? Pháp luật Việt Nam sẽ thông tin tiếp đến độc giả.