Sáng ngày 5/8/2020, trao đổi với Pháp luật Việt Nam, Chánh án TAND huyện Bến Lức Lê Hùng Cường cho hay, sau khi thẩm phán được phân công giải quyết vụ án – bà Nguyễn Thị Lệ Thu, có thông báo số 01/2020/TB-TA về việc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (biện pháp khẩn cấp tạm thời ) đối với tài sản tranh chấp, nguyên đơn có đơn khiếu nại và bổ sung yêu cầu tranh chấp về đất thừa kế và tài sản trên đất, đơn vị đã tiến hành họp và chấp nhận tiến hành áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
“Đồng thời, bà Huyền (chị gái bà Trinh, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án – PV) cũng có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời . Tôi đã phân công thẩm phán xem xét giải quyết. Tòa án sẽ xem xét giải quyết vụ án đúng pháp luật”, Chánh án Lê Hùng Cường thông tin.
Sáng cùng ngày, PV Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã liên hệ làm việc với Chi chánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bến Lức. Ông Lê Hồng Hải – Phó giám đốc đơn vị này cho biết, ngày 16/7, đơn vị có tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng QSDĐ giữa vợ chồng bà Lương Thị Ngọc Anh, ông Nguyễn Văn Quốc và ông Nguyễn Hoàng Tuấn từ Trung tâm Hành chính công huyện Bến Lức.
Tuy nhiên sau đó đơn vị nhận được đơn của bà Trinh về việc đề nghị ngăn chặn đăng ký sang tên, chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất đối với thửa đất đang sang nhượng. Đến ngày 30/7, TAND huyện Bến Lức ra thông báo thụ lý đơn khởi kiện của bà Trinh liên quan việc tranh chấp tài sản chuyển nhượng nói trên. Căn cứ các quy định pháp luật, ngày 4/8/2020, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Bến Lức đã có thông báo đến ông Nguyễn Hoàng Tuấn về việc tạm dừng thực hiện hồ sơ chuyển nhượng QSDĐ.
Đến ngày 6/8/2020, TAND huyện Bến Lức chính thức có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” đối với thửa đất số 3133 (hiện nay là thửa 34), tờ bản đồ số 2 (hiện nay là 24) diện tích 121,1 m2 (ấp 3B, xã Phước Lợi) – nơi cả 3 chị em bà Anh, Huyền, Trinh cùng các thành viên khác trong gia đình đang sinh sống.
TAND huyện Bến Lức đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. |
Như chúng tôi đã thông tin, trước đó vào ngày 15/7, hai vợ chồng bà Lương Thị Ngọc Anh, ông Nguyễn Văn Quốc đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ thửa đất nói trên và tài sản gắn liền cho ông Nguyễn Hoàng Tuấn. Việc mua bán không hề có sự tham gia hay thống nhất ý kiến của bà Huyền, bà Trinh.
Thửa đất này bà Anh là người đứng tên đăng ký trên Giấy chứng nhận QSDĐ từ năm 2012. Trong thương vụ mua bán đất này, ngoài bà Anh còn có chồng là ông Quốc, tuy nhiên hai em gái ruột của bà Anh là bà Huyền và bà Trinh thì dường như bị bỏ quên. Mặc dù từ năm 2012 - thời điểm người mẹ của 3 người là bà Lương Thị Bé Sáu mất vì tai nạn giao thông, ba chị em gái mồ côi cùng chung sống với nhau trên mảnh đất này.
Mảnh đất này được bà Trinh, bà Huyền và nhiều người thân trong gia đình khẳng định là di sản của bà Sáu để lại cho 3 người con, thời điểm năm 2012 vì hai em còn nhỏ tuổi nên để bà Anh là chị cả đứng tên. Vấn đề nữa, trên mảnh đất này ngoài ngôi nhà gia đình bà Anh sinh sống, còn có ngôi nhà bà Trinh xây dựng năm 2019, hiện đang là nơi sinh sống của bà Trinh và hai mẹ con bà Huyền. Thế nên, việc vợ chồng chị gái bán toàn bộ mảnh đất chẳng khác nào đẩy hai em gái và cháu nhỏ vào cảnh mất đất mất nhà, không chốn nương thân.
Bà Lương Thị Bé Tư – dì của 3 chị em cho biết, sau khi em gái là bà Bé Sáu mất đột ngột năm 2012, ngoài góp tiền với người thân để trả tiền mảnh đất đã đặt cọc, bà còn cho 3 cháu gái một số tiền để dựng ngôi nhà tôn cho 3 chị em chung sống, chính là ngôi nhà hiện tại vợ chồng bà Anh đang ở. Chính vì vậy bà và ông Bé Năm (cậu của 3 chị em – PV) đề nghị Tòa chia đều tài sản thừa kế làm 3 phần cho 3 người cháu gái.
Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin về vụ việc.