Kỳ lạ hơn, hồ sơ vụ án thể hiện cùng một thời điểm, nhưng một cán bộ công an đã lập nhiều biên bản ở các địa điểm khác nhau... Đối với Võ Tuấn Hải, các bút lục còn thể hiện có thời điểm Hải đồng thời làm việc với 2 cơ quan khác nhau, tại 2 địa điểm khác nhau... Vậy liệu những chứng cứ, bút lục này có đủ giá trị pháp lý và độ tin cậy?
Những tình tiết, chứng cứ đó đã thêm những dấu hiệu oan sai trong vụ Võ Tuấn Hải bị bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội tuyên 20 tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” mà Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh.
Nhiều dấu hỏi từ phiên tòa sơ thẩm
Sau bản án sơ thẩm số 161 ngày 22/5/2020 của TAND TP Hà Nội, Võ Tuấn Hải kháng cáo kêu oan. Phiên tòa phúc thẩm vụ án ngày 7/12/2020 đã phải tạm hoãn để triệu tập làm rõ lời khai của nhân chứng Bùi Thị Thúy An.
Diễn biến vụ án cho thấy, việc tòa không triệu tập nhân chứng Bùi Thị Thúy An là một thiếu sót lớn vì lời khai của bà An có tính quyết định để xác định hành vi mua bán ma túy diễn ra tại phòng trọ ở khu Đồng Me nhằm làm rõ người mua bán và sử dụng ma túy là những ai? Việc test nhanh Võ Tuấn Hải âm tính trong khi những người khác đều cho kết quả dương tính với ma túy liên quan thế nào đến lời kêu oan của bị cáo Hải?
Bản ảnh kiểm đếm 1000 viên nén ma túy được thực hiện chỉ trong 5 phút (ảnh có trong hồ sơ vụ án do đương sự cung cấp). |
Bên cạnh đó, việc cơ quan tố tụng không điều tra làm rõ, không triệu tập những người có liên quan cũng được xem là dấu hỏi lớn của vụ án. Như bài báo trước chúng tôi đã phân tích, các lời khai nhân chứng Bùi Thị Thúy An, Nguyễn Thị Thái Thanh cho thấy có sự xuất hiện của một người đàn ông đậm người, tóc húi cua, nói giọng miền Bắc đến phòng trọ gặp Trưởng giao dịch liên quan đến ma túy và có sử dụng ma túy nhưng CQĐT đã bỏ qua tình tiết này, bỏ sót không triệu tập người này để điều tra làm rõ.
Tương tự, nhân chứng Hoàng Vũ Lân là người lái xe đến đón các bị cáo (Trưởng, Hiếu, Hải), với kết quả test dương tính với ma túy cũng không được triệu tập đến phiên tòa. Đặc biệt, các nhân chứng tại nơi khống chế các bị cáo trước số nhà 116 D5 Giảng Võ cũng không có mặt.
Bất thường những bút lục “siêu tốc”
Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phiên tòa phúc thẩm mới bị hoãn, các luật sư đã đặt nhiều nghi vấn về tính xác thực, giá trị pháp lý của một số bút lục có trong hồ sơ vụ án.
Cụ thể, theo lời khai của nhân chứng Đặng Thị Anh, thì hoàn toàn không có việc lập bất cứ hồ sơ giấy tờ nào tại trước số nhà 116 D5 Giảng Võ – nơi bắt vụ phạm tội quả tang. Luật sư Trần Đình Xuân – người bào chữa cho bị cáo Hải đặt câu hỏi: Nếu lời khai của nhân chứng này đúng, vậy những biên bản tạm giữ đồ vật tài liệu (bút lục 25); biên bản niêm phong đồ vật, tài liệu bị tạm giữ (bút lục 27); biên bản kiểm tra xe (bút lục 33); sơ đồ hiện trường phát hiện bắt giữ và thu giữ (bút lục 34 và 35) được viết khi nào, ở đâu?
Một bút lục "siêu tốc" khác thể hiện chỉ trong 5 phút mà hoàn tất các thao tác tố tụng như niêm phong đồ vật, tài liệu, lập biên bản, đọc cho mọi người cùng nghe, ký (ảnh có trong hồ sơ vụ án do đương sự cung cấp). |
Cụ thể theo luật sư Xuân, biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu (bút lục 25) được lập vào hồi 15h00 ngày 09/9/2018 tại trước số nhà 116 D5 tập thể Giảng Võ, gồm có điều tra viên Nguyễn Công Vũ, một cán bộ công an phường Giảng Võ và 3 người chứng kiến là Hoàng Vũ Lân, Hồ Nhật Hiếu, Vũ Quốc Trưởng. Đồ vật, tài liệu tạm giữ bao gồm: 01 túi nilon đựng bên trong gồm 01 hộp đồ chơi trẻ em và 01 túi nilon dạng túi cà phê kích thước khoảng 10x15cm chứa 1000 viên nén hình lục giác màu xanh. Luật sự nghi ngờ tại sao những người này chỉ nhìn qua đã biết chính xác trong túi chứa 1000 viên nén như đã được kiểm đếm (thực tế, hồ sơ thể hiện việc kiểm đếm diễn ra sau đó 1000 viên ma túy tổng hợp, rồi lập biên bản các thủ tục chỉ diễn ra trong có 5 phút).
Cũng theo hồ sơ vụ án, ngay sau đó là 15h15 đến 15h20 lập biên bản niêm phong đồ vật, tài liệu bị tạm giữ (bút lục 27). Tức là các thao tác tố tụng như niêm phong đồ vật, tài liệu, lập biên bản, đọc cho mọi người cùng nghe và ký đều chỉ thực hiện trong 5 phút. Liệu thời gian này có khả thi khi dựng lại hiện trường?
Tương tự, biên bản tạm giữ đồ vật tài liệu của Hồ Nhật Hiếu (bút lục 31) cũng chỉ diễn ra trong 5 phút được lập từ 15h35 đến 15h40 tại trước số nhà 116 D5 Giảng Võ. Việc kiểm tra xe đối với Hồ Nhật Hiếu (bút lục 33) cũng được lập biên bản trong vòng 5 phút từ 15h25 đến 15h30 với người chứng kiến duy nhất là Hoàng Vũ Lân. Đáng chú ý, Vũ Quốc Trưởng không được chứng kiến nhưng biên bản kiểm tra xe lại có chữ ký của Trưởng!
Điều tra viên có khả năng “phân thân”?
Hồ sơ vụ án còn thể hiện, cùng một thời điểm, nhưng một cán bộ công an đã lập nhiều biên bản ở các địa điểm khác nhau.
Cụ thể, biên bản làm việc giữa điều tra viên với bị cáo Võ Tuấn Hải (bút lục 36) được lập tại Công an phường Giảng Võ, thời gian từ 15h35 đến 15h50. Đối chiếu với bút lục 31 nêu trên và bút lục 36 có sự xuất hiện của một cán bộ công an cùng lúc có mặt ở hai địa điểm cách xa nhau để lập 2 loại biên bản khác nhau cho 2 người. Điều này xét về mặt logic là không thuyết phục.
Chưa hết, biên bản kiểm tra người đối với bị cáo Võ Tuấn Hải (bút lục 24) được điều tra viên Nguyễn Công Vũ lập tại Công an phường Giảng Võ, có sự tham gia của đại úy Nguyễn Chí Công diễn ra từ 15h35 đến 15h40. Luật sư Trần Đình Xuân cho rằng bút lục này có dấu hiệu sửa giờ. Tiếp sau đó là biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu đối Võ Tuấn Hải được tiến hành từ 15h40 đến 15h45 (bút lục 26).
Luật sư Xuân đặt câu hỏi: Vậy, lúc 15h35 ngày 09/9/2018 điều tra viên Nguyễn Công Vũ đang ở Công an phường Giảng Võ để lập biên bản đối với bị cáo Võ Tuấn Hải (bút lục 24) hay ở 116 D5 Giảng Võ để lập biên bản đối với bị cáo Hồ Nhật Hiếu (bút lục 31)? Tương tự, vào lúc 15h35 đại úy Nguyễn Chí Công lập biên bản trước nhà 116 D5 hay tại Công an phường? Còn bị cáo Võ Tuấn Hải, 15h35 Hải đang bị lập biên bản với cán bộ Dương Nguyễn Cường (bút lục 36) hay làm việc cùng điều tra viên Nguyễn Công Vũ (bút lục 24)?
Hồ sơ vụ án cũng thể hiện, đối với Võ Tuấn Hải, lúc 16h00 ngày 09/9/2018 còn cùng một lúc làm việc với 2 cơ quan khác nhau, tại hai địa điểm cách xa nhau. Tại biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Hải được tiến hành lập tại Công an phường Giảng Võ (bút lục 19), kết thúc 16h30. Nhưng cũng thời điểm đó, từ 16h00 Hải lại được cán bộ ghi lời khai tại Công an quận Đống Đa (bút lục 367), biên bản ghi lời khai cũng kết thúc 16h30. Như vậy, từ 16h00 đến 16h30 ngày 9/9/2018, Hải có mặt làm việc ở cả 2 địa điểm là Công an quận Đống Đa và Công an phường Giảng Võ? Điều này liệu có phù hợp logic thực tế?
Một tình tiết nữa, theo luật sư Xuân cần phải làm rõ dấu hiệu ghi thêm chữ “BB quả tang” vào biên bản làm việc (bút lục 36), luật sư cho rằng chỗ này cán bộ điều tra đã viết thêm vào và phải viết tắt cho đủ dòng.
Trong vụ ma túy bắt quả tang có một số người dân chứng kiến nhưng CQĐT không triệu tập những nhân chứng khác mà lại để những người có liên quan trực tiếp đến vụ án (là bị cáo Hiếu, Trưởng) làm chứng, ít nhiều ảnh hưởng đến tính khách quan của sự việc.
Từ những phân tích trên thấy rằng, vụ án này còn có nhiều sai sót về tố tụng dẫn đến việc kết tội bị cáo Võ Tuấn Hải chưa thuyết phục. Luật sư bào chữa cho bị cáo Hải cũng như các luật gia quan tâm vụ án cho rằng, do những sai sót tố tụng không thể khắc phục được cộng với nhiều tình tiết, nhân chứng quan trọng chưa được điều tra làm rõ nên phiên tòa phúc thẩm của Tòa án Cấp cao tại Hà Nội tới đây cần phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại đối với bị cáo Võ Tuấn Hải, có như thế mới giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và cũng tránh được oan sai.