Trước sự quan tâm của cử tri đối với vấn đề xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, Bộ Xây dựng cho biết, Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động (như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...).
Pháp luật về nhà ở quy định, đối với khu công nghiệp (KCN) đã hình thành mà chưa có hoặc chưa đáp ứng đủ nhà ở và hạ tầng xã hội cho công nhân thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bổ sung quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Đối với KCN đang trong giai đoạn hình thành thì phải quy hoạch quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở cho công nhân.
Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ tự mua nhà ở hoặc thuê nhà ở để bố trí cho người lao động của doanh nghiệp mình ở mà không thu tiền thuê nhà hoặc có thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá giá thuê nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh ban hành thì chi phí mua nhà ở hoặc thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ tự đầu tư xây dựng nhà ở để bố trí cho người lao động của doanh nghiệp mình ở mà không thu tiền thuê nhà hoặc có thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá giá thuê nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh ban hành thì ngoài các ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật này, doanh nghiệp này còn được tính chi phí xây dựng nhà ở vào giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Mặt khác, để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu cho công nhân KCN, ngày 12/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, khu chế xuất (KCN, KCX) và giao cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì triển khai Đề án này. Việc triển khai Đề án nhằm mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu tất cả KCN, KCX đều có thiết chế của công đoàn bao gồm cả nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao.
Ngày 25/1/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về các giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân KCN, theo đó yêu cầu các bộ ngành và chính quyền địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho công nhân, huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân tại các KCN.
Đến nay trên địa bàn cả nước đã có 173 dự án nhà ở cho công nhân, với số lượng khoảng 129.400 căn hộ; trong đó đã hoàn thành 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 73 dự án với quy mô xây dựng khoảng 88.400 căn hộ.
Bộ Xây dựng thừa nhận, mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân KCN đã đạt được một số kết quả quan trọng như nêu trên, tuy nhiên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân KCN nhằm giảm bớt khó khăn cho công nhân làm việc xa gia đình, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương sẽ phải tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/1/2017.
Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các Ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay nhà ở xã hội. Đồng thời phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong việc triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các KCN, KCX (bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao) để phấn đấu đến năm 2030 tất cả các KCN, KCX trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.