Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam đầu tư, kinh doanh

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Viện Brookings.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Viện Brookings.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng dù bối cảnh tình hình có thay đổi Việt Nam vẫn tiếp tục nhất quán đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó coi trọng quan hệ với các nước lớn... Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tới đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Theo tin từ Bộ Ngoại giao ngày 27/3, ngày 26/3, tại Washington D.C., trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và đồng chủ trì Đối thoại Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dự và phát biểu tại tọa đàm về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tại Viện Brookings, gặp cố vấn và trợ lý của một số Ủy ban chủ chốt của Quốc hội Hoa Kỳ, tiếp Phó Hiệu trưởng Đại học bang Arizona Jeffrey Goss và gặp trực tuyến Phó Chủ tịch tập đoàn NVIDIA Keith Strier.

Trong bài phát biểu tại Viện Brookings, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, mặc dù thế giới đang có nhiều chuyển biến sâu sắc, khó lường, châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động, là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới. Bên cạnh những điểm sáng đó, khu vực cũng tiềm ẩn nhiều thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống.

Bộ trưởng khẳng định, trong bối cảnh đó, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục trường phái Ngoại giao cây tre Việt Nam “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” để ứng phó với các thách thức và duy trì môi trường đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước.

Điều này thể hiện rõ nhất ở việc đến nay, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác Chiến lược và Đối tác Chiến lược toàn diện với tất cả 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu phát triển 2030 và 2045 mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, ngoài sự nỗ lực, chủ động, tự lực, tự cường, Việt Nam cần môi trường đối ngoại hòa bình, ổn định và sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của các đối tác quan trọng, trong đó có Hoa Kỳ.

Với tinh thần đó, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Hai nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quan hệ song phương kể từ khi bình thường hoá quan hệ năm 1995 đến nay, đặc biệt chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ năm 2015 và chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam năm 2023, nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

Trong thời gian tới, để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, Bộ trưởng cho rằng hai nước cần tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, thúc đẩy tin cậy chính trị, nhất là tôn trọng thể chế chính trị của nhau; tiếp tục coi hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là trọng tâm; thúc đẩy hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bao gồm hệ sinh thái bán dẫn; củng cố giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục và văn hoá và phối hợp chặt chẽ hơn tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, quan hệ đối tác Mekong - Hoa Kỳ…

Trả lời câu hỏi của một số khách mời, Bộ trưởng cho rằng dù bối cảnh tình hình có thay đổi Việt Nam vẫn tiếp tục nhất quán đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó coi trọng quan hệ với các nước lớn; bày tỏ Việt Nam mong muốn các nước lớn có quan hệ ổn định, lành mạnh và có thể hợp tác ứng phó với các thách thức chung như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực. Bộ trưởng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tới đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Tiếp các cố vấn, trợ lý của Quốc hội Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ hợp tác song phương trên các lĩnh vực, bao gồm khắc phục hậu quả chiến tranh, kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng, giao lưu nhân dân...

Bộ trưởng đánh giá cao hợp tác giữa Quốc hội hai nước thời gian qua và đề nghị hai bên phối hợp tăng cường quan hệ giữa các cơ quan của hai Quốc hội, góp phần triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.

Các cố vấn và trợ lý Quốc hội Hoa Kỳ đánh giá cao việc Việt Nam luôn quan tâm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm quyền con người...

Các cố vấn và trợ lý Quốc hội Hoa Kỳ khẳng định sự ủng hộ của hai chính Đảng trong Quốc hội Mỹ đối với quan hệ song phương và khẳng định tiếp tục hợp tác với Việt Nam góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trên các lĩnh vực theo tinh thần của khuôn khổ quan hệ mới cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế.

Tại cuộc tiếp Phó Hiệu trưởng Đại học Arizona Jeffrey Goss, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh hợp tác về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện.

Bộ trưởng hoan nghênh hợp tác giữa Đại học Arizona với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và các đối tác Việt Nam khác trong việc hợp tác đào tạo nhân lực trong ngành bán dẫn, đề nghị Đại học Arizona tiếp tục góp phần hỗ trợ xây dựng thành công hệ sinh thái bán dẫn.

Phó Hiệu trưởng Đại học Arizona Jeffrey Goss chia sẻ Đại học Arizona có bề dày hợp tác đào tạo với các đối tác là các trường đại học của Việt Nam. Ông Jeffrey Goss khẳng định Đại học Arizona sẽ tích cực hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực có thế mạnh, trong đó có hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và sẽ tiếp tục là đối tác của các cơ quan, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tại cuộc gặp trực tuyến Phó Chủ tịch tập đoàn NVIDIA Keith Strier, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định hợp tác trong lĩnh vực công nghệ AI và bán dẫn là bước đột phá trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Việt Nam đã xây dựng Chiến lược AI quốc gia và sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành bán dẫn đến năm 2030 và Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn năm 2030, định hướng đến năm 2045; mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt là các công ty công nghệ hàng đầu như NDIVIA, phân bổ nguồn lực và thúc đẩy quan hệ đối tác với Việt Nam.

Phó Chủ tịch Keith Strier bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ về quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghệ cao, AI và bán dẫn. Cùng với những cam kết của CEO Jensen Huang, hai bên sẽ tích cực hợp tác để biến Việt Nam thành “ngôi nhà thứ hai của NDIVIA”, nhất là về mặt công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Keith Strier cũng khẳng định NVIDIA sẽ thúc đẩy để sớm triển khai cụ thể các kế hoạch hợp tác với Việt Nam mà hai bên đã xây dựng.

Tin cùng chuyên mục

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.