Tiếp tục tăng cường chất lượng, hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh.
(PLVN) - Nhân dịp Báo Pháp luật Việt Nam vừa tổ chức kỷ niệm 15 năm ra mắt ấn phẩm Doanh nhân và Pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã trao đổi với chúng tôi về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp - hoạt động giúp tạo được “dấu ấn” trong cộng đồng doanh nghiệp, nhất là thể hiện sự đồng hành của Bộ cùng các doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.

Nhiều mô hình hỗ trợ pháp lý sáng tạo, hiệu quả

* Xin Thứ trưởng chia sẻ đôi nét về ý nghĩa của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và vai trò, vị trí của Bộ Tư pháp trong công tác này?

- Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là việc bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện các hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật; từ đó nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh”. Đồng thời, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng xác định trọng tâm và các định hướng cho công tác hỗ trợ doanh nghiệp nói chung trong giai đoạn 2021-2030, trong đó có hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Với mục tiêu mở rộng các hình thức hỗ trợ pháp lý và triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý một cách chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm, Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, xác định hỗ trợ pháp lý là một trong bảy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng đồng thời cũng là nội dung liên quan đến tất cả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trên cơ sở Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó giao Bộ Tư pháp có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, theo Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp thì hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là 1 trong 38 nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp thực hiện, đó là: giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi cả nước; xây dựng, thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

* Đến nay, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Với cơ sở pháp lý là Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, hiện nay là Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được triển khai một cách tích cực, chủ động trên phạm vi cả nước. Cho đến nay, qua quá trình gần 15 năm triển khai thực hiện, công tác hỗ trợ pháp lý đã đạt được một số thành tựu đáng kể, tạo được “Dấu ấn ngành Tư pháp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”, góp phần hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin pháp lý nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình; hạn chế rủi ro pháp lý trong kinh doanh ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bằng pháp luật.

Thứ nhất, về kết quả hỗ trợ pháp lý liên ngành. Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện, từ năm 2010 đến nay, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp (do Bộ Tư pháp chủ trì) đã xây dựng và phát sóng được 401 Chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” trên Đài Truyền hình Việt Nam; 138 chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 trên Đài Truyền hình Quốc hội và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; 1.992 số “Kinh doanh và Pháp luật” trên Đài Tiếng nói Việt Nam; xây dựng 96 bài giảng điện tử bồi dưỡng nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời, sản xuất 37 phóng sự tư vấn về các vấn đề pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; trực tiếp tổ chức hoặc giao các cơ quan, đơn vị tổ chức tổng cộng 642 lớp bồi dưỡng, hội nghị, diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp, với người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với sự tham gia đông đảo của đại diện các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đại diện doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ pháp lý và cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành.

Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển”. Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành được các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đánh giá là một trong 10 Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong thời gian qua.

Thứ hai, về kết quả công tác hỗ trợ pháp lý của các bộ, ngành: 17/22 bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch/Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cơ sở Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, sau đó là Nghị định số 55/2019/NĐ-CP (khoản 3 Điều 14). 100% các bộ, ngành đã thiết kế Trang thông tin hoặc chuyên mục thông tin pháp luật, cung cấp dự thảo văn bản pháp luật trong lĩnh vực bộ, ngành quản lý trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tra cứu văn bản và tham gia góp ý xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Hàng năm, các bộ và cơ quan ngang bộ tổ chức nhiều hội nghị, lớp tập huấn về công tác hỗ trợ pháp lý, pháp chế, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, kết quả công tác hỗ trợ pháp lý tại địa phương. Theo báo cáo của các địa phương về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nay 63/63 địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Nhiều địa phương trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã có những mô hình hỗ trợ pháp lý sáng tạo, hiệu quả như “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp”; “Bác sỹ doanh nghiệp”...

Bên cạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian qua cũng đã nhận được sự quan tâm của các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý và cộng đồng doanh nghiệp.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp

* Cùng với những kết quả ấn tượng trên, theo Thứ trưởng, cần lưu tâm đến những vấn đề nào trong công tác này?

- Bên cạnh một số thành quả đã đạt được, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và hạn chế. Theo đó, văn hóa pháp lý, hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp còn chưa cao, chưa có sự chủ động trong việc phòng ngừa rủi ro pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về nguồn nhân lực, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương không có đơn vị chuyên trách tổ chức triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý; người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đều hoạt động kiêm nhiệm.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, các cơ quan nhà nước và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ pháp lý còn thụ động, chưa đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả, còn có sự trùng lặp. Nội dung các hoạt động hỗ trợ pháp lý đôi khi còn nặng về hình thức, chưa đi sâu vào những khó khăn, vướng mắc thực tế của các doanh nghiệp, còn trùng lặp, chưa đáp ứng đúng và trúng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tuyên truyền các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, trong khi nhận thức của một số bộ, ngành, địa phương, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp về ý nghĩa của công tác hỗ trợ pháp lý nói chung chưa đầy đủ. Kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu tập trung, chưa được thực hiện một cách đồng bộ nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này trong thời gian qua…

* Vậy thời gian tới, Bộ, ngành Tư pháp sẽ có những giải pháp ra sao nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, thưa Thứ trưởng?

- Dự báo thời gian tới, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có thể có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam “còn tiếp tục phải đối mặt với không ít hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức”; do đó, một trong các giải pháp đặt ra là “nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện pháp luật…”.

Ngày 9/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh đó, nhằm triển khai Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng để doanh nghiệp phục hồi và phát triển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Bộ Tư pháp đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ với các giải pháp cụ thể như sau:

Một là, hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp; nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở Việt Nam.

Hai là, nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người làm công tác pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật: tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; giữa bộ, cơ quan ngang bộ với địa phương; giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đổi mới cách thức tiếp cận và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng Cổng thông tin điện tử quốc gia về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; triển khai các hoạt động truyền thông phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; lồng ghép hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với thúc đẩy doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm và với tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.

Ba là, triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: đẩy mạnh tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn còn tồn đọng trong quá trình áp dụng pháp luật liên quan doanh nghiệp; triển khai, nhân rộng một số mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả, thiết thực; tăng cường xã hội hóa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đánh giá, kiểm tra, khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

* Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Đọc thêm

Năm 2024: Nhiều khởi sắc trong công tác thi hành án dân sự

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Thứ trưởng Mai Lương Khôi và Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái chủ trì Hội nghị triển khai công tác THADS, THAHC năm 2025. (Ảnh: P.Mai)
(PLVN) - Năm 2024 đi qua với nhiều khó khăn, thách thức, trong bối cảnh khối lượng việc và tiền phải thi hành án ngày càng tăng cao với nhiều vụ án lớn khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS), kết quả đã đạt và vượt 2 chỉ tiêu về việc và tiền.

10 sự kiện nổi bật của Báo Pháp luật Việt Nam năm 2024

10 sự kiện nổi bật của Báo Pháp luật Việt Nam năm 2024. (Ảnh: Thanh Hà)
(PLVN) - Năm 2024 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của Báo Pháp luật Việt Nam trên nhiều phương diện, từ việc lần đầu tiên phát động “Giải Báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp” đến những chương trình thiện nguyện, tọa đàm, hội thảo chuyên sâu và thành tích báo chí ấn tượng. Không ngừng đổi mới, tinh gọn bộ máy, Báo tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực truyền thông pháp luật, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của ngành Tư pháp và đất nước. 

Hậu Giang tuyên truyền pháp luật luôn bám sát nhu cầu xã hội

Hậu Giang tuyên truyền pháp luật luôn bám sát nhu cầu xã hội
(PLVN) - Nhiều năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn được Hậu Giang triển khai hiệu quả với nội dung đa dạng, phong phú, hình thức mới mẻ, hấp dẫn. Sở Tư pháp Hậu Giang thường xuyên tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện và tăng cường nhiều giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật.

Chi bộ Cục THADS tỉnh Tuyên Quang tổ chức sinh hoạt chuyên đề

Toàn cảnh Hội nghị ( Ảnh: Lê Hanh)
(PLVN) - Ngày 23/12, Cục THADS tỉnh Tuyên Quang tổ chức sinh hoạt chuyên đề về “Giải pháp tiếp tục thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”.

Hội thảo về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Đồng Nai và TPHCM

Hội thảo về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Đồng Nai và TPHCM
(PLVN) -  Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP.HCM cập nhật kiến thức pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phối hợp với Báo pháp luật Việt Nam, Video pháp luật tổ chức hội thảo về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Đồng Nai và TPHCM, sẽ diễn ra vào ngày 24 và 25/12/2024.

Hội thảo Pháp luật: “Hành lang pháp lý về an toàn vệ sinh thực phẩm”

Hội thảo Pháp luật: “Hành lang pháp lý về an toàn vệ sinh thực phẩm”
(PLVN) -  Để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm vững quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phối hợp với Báo pháp luật Việt Nam, Video Pháp Luật tổ chức Hội thảo về “Hành lang pháp lý về an toàn vệ sinh thực phẩm” sẽ diễn ra vào ngày chiều 25/12/2024 tại TP. HCM.

Bình Định vượt chỉ tiêu thi hành án dân sự

Quang cảnh hội nghị.
(PLVN) - Năm 2024, các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bình Định đã thi hành xong 8.529 việc và về tiền thi hành hơn 717 tỷ đồng; vượt chỉ tiêu cả về việc và tiền so với chỉ tiêu của Tổng cục THADS giao.

Gia Lai tổng kết công tác Tư pháp năm 2024

Gia Lai tổng kết công tác Tư pháp năm 2024
(PLVN) - Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Tư pháp năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác Tư pháp năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Lê Thị Ngọc Lam, Giám đốc Sở Tư pháp cùng các lãnh đạo Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai.