Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Hồ Quang Huy cho biết: trên cơ sở kết quả tổng hợp, Bộ Tư pháp đã xây dựng báo cáo về kết quả rà soát đối với 13 luật và đề xuất Ban Chỉ đạo giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng 03 Luật sửa đổi, bổ sung 13 luật này.
Đối với các kết quả rà soát thuộc các lĩnh vực pháp luật khác, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã tổng hợp, xây dựng 15 Phụ lục đối với kết quả rà soát 40 luật. Qua xem xét, trao đổi, nghiên cứu, Bộ Tư pháp đã phân loại các vướng mắc, bất cập cần xử lý tại 12 luật với 32 nội dung nêu tại Dự thảo Báo cáo về rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL trong các lĩnh vực pháp luật về sử dụng vốn nhà nước, đấu thầu lao động, bưu chính, giáo dục quốc phòng và an ninh, phòng chống tham nhũng, thanh tra, quảng cáo, di sản văn hóa, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, trồng trọt sau khi có sự xem xét, trao đổi, đánh giá giữa các cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà văn bản đó điều chỉnh.
Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Hồ Quang Huy báo cáo tại cuộc họp. |
Về tình hình tình hình xử lý kết quả rà soát hệ thống VBQPPL thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15, đến nay Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo của 18 Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Trên cơ sở nội dung nhiệm vụ được giao và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo, trong thời gian tới, Bộ phận thường trực Ban chỉ đạo cần tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau: Chuẩn bị tài liệu, đề xuất tổ chức Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo; đôn đốc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chuẩn bị các nội dung, tài liệu để báo cáo Ban Chỉ đạo về việc xây dựng một luật sửa đổi, bổ sung một số luật đã được giao và các vướng mắc phát sinh (nếu có).
Đôn đốc các bộ, ngành chưa có Báo cáo tình hình xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản QPPL thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 gửi Báo cáo về Bộ Tư pháp. Cập nhật tình hình xử lý kết quả rà soát hệ thống pháp luật, xây dựng Báo cáo về nội dung này.
Để việc triển khai nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, chất lượng, Bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo về kết quả rà soát đối với các nội dung về sử dụng vốn nhà nước, đấu thầu lao động, bưu chính, giáo dục quốc phòng và an ninh, phòng chống tham nhũng, thanh tra, quảng cáo, di sản văn hóa, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, trồng trọt để trình, xin ý kiến Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 3. Đồng thời đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục phối hợp tích cực, trách nhiệm với Bộ Tư pháp, đảm bảo đúng thời hạn theo yêu cầu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và kiện toàn nhân sự.
Tại cuộc họp, các thành viên Nhóm giúp việc Ban chỉ đạo đã cho ý kiến về kiến nghị của Bộ Tư pháp đối với ý kiến của địa phương về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, giáo dục, quốc phòng, nông nghiệp, thanh tra... Đồng thời các đại biểu cũng nêu lên một số kiến nghị, đề xuất để Nhóm giúp việc triển khai tốt các công việc được Ban chỉ đạo giao.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận. |
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận sự cố gắng của các Bộ, ngành trong công tác rà soát, xử lý vướng mắc các VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh các Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn phải tiếp tục tập trung tháo gỡ các vướng mắc hệ thống VBQPPL thuộc nhiều lĩnh vực khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trên cơ sở rà soát, Thứ trưởng yêu cầu Cục Kiểm tra VBQPPL phối hợp một số Bộ như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính… để bổ sung một số Luật và xem xét nghiên cứu về sự cần thiết sửa đổi các Luật này như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương…
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý về vấn đề phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Theo đó, cần nghiên cứu rà soát sửa đổi một số điều tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ trường hợp nào không được phân cấp, ủy quyền, trường hợp được thì xác định rõ được phân cấp, ủy quyền những nhiệm vụ gì. Đồng thời cũng cần rà soát, giảm bớt thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một số hình ảnh tại cuộc họp: