Trong nhiệm kỳ 2006-2010, với một số qui định của T.Ư về phân cấp cán bộ đã khiến công tác cán bộ của công đoàn gặp những khó khăn không nhỏ. Hiện có gần 6.000 cán bộ Công đoàn chuyên trách ở các địa phương đã giao cho các Tỉnh ủy quản lý nên “tầm với”, định hướng của Tổng Liên đoàn, cũng như công tác đào tạo, luân chuyển viên chức theo ý xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vốn được thực hiện rất tốt, nhưng lại gần như vượt ra khỏi “bàn tay” của sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
Tình trạng này tôi cho rằng không phù hợp với tinh thần Nghị quyết VI TƯ nên làm cho công tác tổ chức, đào tạo của tổ chức công đoàn và định hướng giai cấp công nhân với trách nhiệm của tổ chức Công đoàn ngày càng khó khăn hơn. Đề nghị trong thời gian tới, nên trao cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội sự phân cấp nhiều hơn, nhất là công tác cán bộ và tổ chức sao cho đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, nhưng vẫn phát huy tính chủ động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức.
Về Dự thảo sửa đổi Điều lệ Đảng, tôi rất đồng tình với phương án 3 của điều 4 qui định, những nơi có tổ chức Công đoàn thì những người chuẩn bị được phát triển Đảng cần có sự giới thiệu của tổ chức Công đoàn. Đó là tạo điều kiện để nâng cao trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong việc phát triển Đảng, đặc biệt là ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Với điều kiện đó thì công tác phát triển Đảng sẽ là cầu nối, tăng cường chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở và cũng là một nghĩa vụ của các tổ chức Công đoàn cơ sở đóng góp cho việc phát triển Đảng. Đồng thời, có thể tăng tỷ lệ Đảng viên xuất thân từ người lao động trực tiếp. Đây chính là tư tưởng chỉ đạo của T.Ư nên nếu dự thảo được Đại hội thông qua thì sẽ góp phần thực hiện chiến lược về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam do Đảng ta đặt ra trong nhiều năm qua.
Đối với Điều 36 về kỷ luật Đảng của Dự thảo, tôi đề nghị lựa chọn phương án 2 là giao cho cấp ủy cấp huyện và tương đương trở lên có thẩm quyền khiển trách, cảnh cáo Đảng viên. Hiện nay có nơi Chi bộ không thể biểu quyết đa số nên dù có hành vi vi phạm qui định của Đảng và trách nhiệm của Đảng viên cuối cùng không thực hiện kỷ luật (khiển trách hay cảnh cáo) được. Đó là điều không tốt. Vì vậy, một khi chi ủy cấp dưới không biểu quyết được thì quyền quyết định vẫn thuộc ở dưới, nếu việc đó cấp trên đã vi phạm.
Bên cạnh đó, nên qui định cụ thể về những điều Đảng viên không được làm để có cơ sở đối chiếu khi Đảng viên có vi phạm, xác định trách nhiệm và nghĩa vụ.
Cuối cùng, các loại hình DN hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam với thể chế là không phân biệt, tất nhiên trong DNNN có điểm riêng, nhưng về khuôn khổ pháp lý vẫn có cái chung (theo Luật DN 2005) nên tôi đề nghị thực hiện thí điểm hay dần từng bước kết nạp Đảng đối với chủ các DNTN. Vấn đề này cần có văn bản riêng hướng dẫn, vì những công dân Việt Nam yêu nước, đầu tư làm giàu cho bản thân, giải quyết việc làm cho xã hội, chấp hành pháp luật tốt thì không có lý do gì ta không coi là những công dân tốt để phát triển Đảng.