Báo cáo tại Toạ đàm, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lê Tuấn Phong cho biết, hiện nay, tại Bộ Tư pháp có 69 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Để hoàn thành mục tiêu “Tích hợp, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2022”, trong năm 2022, Bộ Tư pháp đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: thường xuyên rà soát, thực hiện tái cấu trúc quy định, hoàn thiện các tính năng kỹ thuật; tổ chức nhiều cuộc làm việc để bàn giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng như giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công của Bộ Tư pháp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Đến tháng 02/2023, Bộ Tư pháp đã hoàn thành kết nối 58 dịch vụ lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 20 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt tỷ lệ 34,5%) và 38 dịch vụ công trực tuyến một phần. Các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC trực tuyến, không để phát sinh hồ sơ quá hạn, đặc biệt trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm.
Phó Chánh Văn phòng Bộ Lê Tuấn Phong báo cáo về tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tư pháp. |
Tại Toạ đàm, đại diện Cục Con nuôi đã nêu một số khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện sử dụng dịch vụ công thuộc lĩnh vực nuôi con nuôi, như: việc scan các giấy tờ hợp pháp hoá lãnh sự; thủ tục cấp giấy xác nhận cho công dân Việt Nam ở trong nước đủ điều kiện nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi rất ít phát sinh trên thực tế… Do đó công dân cũng thường lựa chọn hình thức nộp trực tiếp tại Cục thay vì phải tự tiến hành việc nộp trực tuyến.
Đại diện Cục Con nuôi đã nêu một số khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện sử dụng dịch vụ công thuộc lĩnh vực nuôi con nuôi |
Qua đó, đồng chí đề xuất cần phải đẩy mạnh truyền thông về cung cấp dịch vụ công trực tuyến để người dân, doanh nghiệp được biết và lựa chọn sử dụng; thường xuyên đánh giá nhu cầu thực tiễn sử dụng dịch vụ công của người dân, từ đó đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến và đưa ra các giải pháp phù hợp.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan đề nghị cần rà soát các quy định pháp luật liên quan; quan tâm đầu tư, xây dựng hạ tầng một cách đồng bộ, số hóa các kết quả giải quyết TTHC theo Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; kết nối đồng bộ kho dữ liệu của Bộ với kho dữ liệu quốc gia và kho dữ liệu của các đơn vị thuộc Bộ. Đồng chí nhấn mạnh, Bộ Tư pháp cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ thực hiện.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan phát biểu tại Toạ đàm. |
Kết luận Toạ đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị trong thời gian tới, Văn phòng Bộ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của các đơn vị thuộc Bộ; phối hợp chặt chẽ với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, thống nhất với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Cục Bổ trợ tư pháp xác định các nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành yêu cầu của Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 về “tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 40%”.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu kết luận Toạ đàm. |
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc tái cấu trúc quy trình, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu thuộc phạm vi trách nhiệm thực hiện của Bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng tiến độ, chất lượng đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Chú trọng đẩy mạnh thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, trong đó có dịch vụ công trực tuyến, quản trị nội bộ; chủ động, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch thực hiện, điều chỉnh, rà soát, bổ sung các VBQPPL.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu lưu trữ cơ sở dữ liệu; bảo đảm kết nối an ninh, an toàn thông tin; bảo đảm nguồn nhân lực hỗ trợ các đơn vị trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử và chuyển đổi số.