Từ sau khi triển khai Luật TGPL năm 2017, hoạt động TGPL đã có sự chuyển hướng rõ rệt, các Trung tâm TGPL đã tập trung thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng. Hoạt động phối hợp TGPL trong tố tụng đã có nhiều chuyển biến, qua đó nguồn vụ việc tham gia tố tụng được tăng lên rõ rệt. Theo Bộ Tư pháp, tính đến tháng 12/2021, các tổ chức thực hiện TGPL trên toàn quốc đã thực hiện được 2.304.834 vụ việc TGPL miễn phí, trong đó có 204.411 vụ việc tham gia tố tụng. Số lượng vụ việc tham gia tố tụng đã hoàn thành, kết thúc tăng hằng năm, cụ thể: năm 2018 là 11.860 vụ, năm 2019 là 13.428 vụ, năm 2020 là 16.168 vụ, năm 2021 là 16.976 vụ.
Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh, thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, thậm chí được vô tội đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, củng cố niềm tin vào công lý.
Về công tác kiểm tra về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, hằng năm, Bộ Tư pháp tổ chức và liên ngành với các bộ, ngành khác (Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao) đã phối hợp và tổ chức các đoàn kiểm tra về tổ chức và hoạt động TGPL tại một số địa phương. Về hoạt động hợp tác quốc tế, trong những năm qua, Bộ Tư pháp đã tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác, đặc biệt là các tổ chức của Liên hợp quốc như UNDP, UNODC, UNICEF, UNAIDS, UNWOMEN..., các đại sứ quán (Đại sứ quán Ai-len, Đại sứ quán Israel...), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cộng đồng châu Âu (EU) nhằm huy động hơn nữa các nguồn lực hỗ trợ cho công tác TGPL.
Ngoài ra, việc truyền thông về TGPL không ngừng được đổi mới theo các phương thức khác nhau, gồm truyền thông truyền thống (trực tiếp về cơ sở, báo đài, tờ gấp…), truyền thông hiện đại (internet, điện thoại hotline…) và hình thức đặc thù (hộp, bảng tin, tờ tin TGPL tại cơ quan tố tụng, chính quyền cơ sở…); ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện TGPL thông qua hệ thống quản lý TGPL; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân cũng đạt được nhiều hiệu quả rõ rệt.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì số lượng vụ việc TGPL, trong đó có số lượng vụ việc tham gia tố tụng hàng năm vẫn còn thấp so với số người thuộc diện TGPL và số lượng vụ án được xét xử trên toàn quốc; chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL còn chưa đồng đều. Số lượng vụ việc TGPL do cơ quan quản lý TGPL đánh giá chưa được nhiều, công tác quản lý chất lượng, kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL còn chưa được quan tâm đúng mức, chưa được triển khai thường xuyên…
Vì vậy, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác TGPL trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường năng lực quản lý hoạt động TGPL của các cơ quan quản lý, bảo đảm chỉ đạo, điều hành trong hoạt động TGPL theo hướng chuyên nghiệp, tiến lên hiện đại. Tiếp tục trở thành trụ cột trong việc bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật cho một bộ phận lớn người dân trong xã hội, qua đó tạo công bằng trong tiếp cận công lý và góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp nói riêng và trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung.
Mở rộng diện người được TGPL; tăng cường số lượng và nâng cao năng lực cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý; vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu về TGPL, Cổng thông tin điện tử TGPL; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin theo hướng số hóa cơ sở dữ liệu về TGPL để chia sẻ, kết nối, tích hợp dữ liệu người thuộc diện được TGPL với cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, hỗ trợ người dân yêu cầu TGPL trực tuyến, đơn giản hóa và giảm tải thủ tục hành chính…