Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được là rất đáng ghi nhận, thể hiện sự chủ động, tích cực và cố gắng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều các kết quả đạt được, công tác bảo vệ trẻ em và tư pháp vì trẻ cũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, nhiều quy định mới về bảo vệ trẻ em vẫn chậm được thực hiện, đặc biệt là ở các địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em của nhiều địa phương còn chưa chặt chẽ, cụ thể, thường xuyên nên hiệu quả hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa cao, những hành động như thăm hỏi, động viên, trao cho trẻ em nạn nhân xâm hại và gia đình một khoản tiền hỗ trợ từ các quỹ xã hội, từ thiện… vẫn còn mang nặng tính hình thức.
Bên cạnh đó, vẫn còn chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, cơ sở giáo dục không thông tin, báo cáo đến cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền các vụ việc xâm hại trẻ em mà tự tìm cách xử lý vụ việc. Không những thế, nhiều cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em trong bối cảnh cuộc sống hiện đại. ...
Do đó, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của trẻ em một cách hiệu quả, cần hoàn thiện luật pháp, chính sách, hoàn thiện các thiết chế hành pháp và tư pháp để phòng ngừa và bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại. Bên cạnh đó, những quy định này của pháp luật phải được thi hành đồng bộ và hiệu quả; tập trung nội lực, kết hợp với sự giúp sức của cộng đồng quốc tế để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trẻ em; hướng tới việc xây dựng một hệ thống tư pháp người chưa thành niên toàn diện; nâng cao nhận thức; tăng cường giám sát thực thi các chính sách pháp luật có liên quan đến trẻ em để tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Hơn nữa, Luật Trẻ em năm 2016 là một trong những đạo luật quy định cụ thể các quyền con người, quyền công dân được Hiến định. Do vậy, các nguyên tắc bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền trẻ em; các yêu cầu về bảo vệ trẻ em, sự tham gia của trẻ em cần phải được xem xét, rà soát, bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan đến bảo vệ trẻ em trong toàn hệ thống pháp luật như Bộ luật Hình sự, Tố tụng Hình sự, Dân sự, Tố tụng dân sự, Giám định tư pháp, Hôn nhân và Gia đình… Việc bổ sung những bộ luật, luật có liên quan đến tư pháp là hình thành một hệ thống tư pháp thân thiện và vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em và người chưa thành niên, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.