Thời gian tới, Phó Thủ tướng chỉ rõ cần tiếp tục thể chế hóa định hướng chiến lược của Đảng về xây dựng và thực thi pháp luật, sớm cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp vừa được thông qua liên quan đến việc ban hành VBQPPL, tập trung hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu quả thi hành thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để ổn định chính trị, phát triển kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc ban hành VBQPPL là công cụ pháp lý bảo đảm cho quy trình đề xuất, xây dựng, trình và thông qua chính sách trở thành khâu trung tâm của toàn bộ quy trình xây dựng pháp luật; cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch, thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng, thống nhất; cần có giải pháp kiên quyết, mạnh mẽ để mọi hành vi của cán bộ, công chức và cơ quan công quyền phải tuân thủ pháp luật. Ý thức kỷ luật, kỷ cương phải là yếu tố chi phối toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước, môi trường pháp chế phải trở thành yếu tố tự nhiên của xã hội.
Phê bình nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của công tác xây dựng VBQPPL tại một số Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: “Giờ người ta lo nhất là chuyện cháy nhà, chết người, cơm áo, gạo tiền, dự án, kinh tế thị trường này khác, chứ luật pháp thì các Bộ, ngành chưa lo nhiều... Họp Chính phủ tôi cũng có nói tại Hội trường, hỏi xem có Bộ trưởng nào đã bước chân tới Vụ Pháp chế để nói rằng tư tưởng chính sách và những vấn đề cụ thể của luật này như thế nào không?. Phần lớn chúng ta tới Vụ Kế hoạch - Tài chính, doanh nghiệp thôi, Vụ Pháp chế không mấy ai tới, cho nên chưa quan tâm bố trí con người, kinh phí cho công tác này nên ít người muốn làm công tác pháp luật”.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của thể chế vì: “Thậm chí 2 địa phương có điều kiện tự nhiên rất giống nhau, nhưng một địa phương phát triển rất tốt, còn một địa phương thì trì trệ. Lý do là môi trường pháp lý, các quy định của một địa phương tạo thuận lợi cho sự phát triển”. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của thể chế đối với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.