Tham dự phiên họp, về phía Việt Nam có ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án; ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp; ông Trần Văn Thư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, TANDTC; bà Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự, VKSNDTC cùng đại diện một số Bộ, ngành, đơn vị có liên quan.
Về phía nhà tài trợ Dự án, có ông Giorgio Aliberti, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam – Đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án; bà Rana Flower, Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, Quyền Trưởng Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam; bà Ramla Al Khadili, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, Dự án EU JULE là dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với EU và các cơ quan của Liên hợp quốc trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp đã được thực hiện tới nay là năm thứ 5. Đồng thời chia sẻ một số kết quả nổi bật của Dự án, như: Ban Chỉ đạo đã thực hiện tốt, đúng vai trò và trách nhiệm là cơ quan đưa ra định hướng, quyết định những nội dung quan trọng để đảm bảo Dự án triển khai đúng mục tiêu và nội dung Văn kiện Dự án; vai trò của từng Thành viên Ban Chỉ đạo và các thiết chế trong Dự án đều được phát huy.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ sáu của Ban Chỉ đạo Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE). |
Cùng đó, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Dự án được giao quản lý, vận hành Dự án trên cơ sở phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức của EU, UN, Oxfam, Bộ Tư pháp và các cơ quan đối tác thực hiện Dự án đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình, bám sát nội dung Văn kiện Dự án, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo cho ý kiến đối với những vấn đề lớn phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Dự án. Các cơ quan đối tác thực hiện Dự án đã chủ động, tích cực trong triển khai các hoạt động theo các kế hoạch được Ban Chỉ đạo phê duyệt.
Trong giai đoạn tới đây, Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch quan trọng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thi hành pháp luật, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Với tư cách là cơ quan thay mặt Chính phủ Việt Nam quản lý Dự án EU JULE, Bộ Tư pháp mong muốn Dự án EU JULE tiếp tục hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan đối tác Việt Nam trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024” – Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh.
Phiên họp lần thứ sáu của Ban Chỉ đạo Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” tập trung vào một số nội dung chính. Cụ thể là, đánh giá đầy đủ chính xác kết quả hoạt động của Dự án EU JULE năm 2022, những thuận lợi, khó khăn, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2022, qua đó đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa Dự án EU JULE trong năm cuối này.
Bên cạnh đó, thảo luận và đưa ra những định hướng làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện Dự án trong năm cuối cùng thực hiện; thảo luận thông qua Kế hoạch hoạt động của Dự án năm 2023 để các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện Dự án có thể triển khai các hoạt động chủ động và hiệu quả, bảo đảm đưa vào Kế hoạch hoạt động năm 2023 những hoạt động hướng tới hoàn tất các mục tiêu, kết quả chính của Dự án và là những nhiệm vụ trọng tâm, nhu cầu ưu tiên của các cơ quan đối tác Việt Nam.