Lo tiểu thương “bỏ chợ”
Như Báo PLVN đã thông tin, sau khi TTTM xây dựng xong và đưa vào khai thác nhưng nhiều tiểu thương vẫn quyết định “bỏ chợ” do phương án quy hoạch ngành hàng và không gian tòa TTTM mới bố trí cho khu vực chợ truyền thống bị thu hẹp. Thay vì 3 tầng như dự kiến ban đầu thì khu vực chợ chỉ được bố trí vào 1 tầng hầm, với 375 ki-ốt. Cho rằng chủ đầu tư vi phạm cam kết, nhiều tiểu thương đã không ký hợp đồng với chủ đầu tư, viết đơn kiến nghị lên nhiều cơ quan chức năng để được làm rõ.
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, bà Lê Thị Thu Hương, Phó phòng Kinh tế quận Hoàng Mai cho biết, sau khi TTTM đưa vào khai thác và sử dụng, UBND quận luôn tăng cường sự giám sát để yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Thương mại Trương Định (Cty Trương Định) thực hiện theo đúng các quyết định mà cấp thẩm quyền đã phê duyệt. Sau khi các tiểu thương có đơn thư phản ánh, UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư thực hiện, xử lý ngay một số vấn đề.
Cụ thể, quận yêu cầu Cty Trương Định có văn bản cam kết và thực hiện dứt điểm việc chi trả tiền hỗ trợ đối với 66 hộ kinh doanh không ra kinh doanh tại chợ tạm Trương Định, hoàn thành và báo cáo kết quả về UBND quận Hoàng Mai; yêu cầu chủ đầu tư bố trí địa điểm, phân công cán bộ trực, tiếp thu ý kiến, kiến nghị và giải đáp các vướng mắc của các hộ kinh doanh theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; yêu cầu Cty Trương Định thực hiện đầy đủ và đảm bảo các điều kiện về chất lượng công trình, phòng cháy, chữa cháy và các quy định khác liên quan.
“Mong muốn của quận là chợ sớm đi vào hoạt động và hoạt động hiệu quả. Chúng tôi rất lo bởi đã có nhiều chợ trên địa bàn thành phố sau khi bỏ chợ cũ xây dựng chợ mới nhưng mục đích nâng cấp chợ truyền thống không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Người dân vẫn quen kinh doanh, mua bán ngoài đường... Bởi thế xây dựng xong chợ rồi kéo họ vào được trong chợ để kinh doanh là cả một vấn đề”- bà Hương chia sẻ.
Tầng 1, tầng 2 có phải là chợ truyền thống?
Liên quan đến việc UBND quận Hoàng Mai chỉ bố trí ngành hàng chợ truyền thống tại khu vực tầng hầm, không bố trí tại khu vực tầng 1, tầng 2 như thiết kế dự kiến ban đầu, bà Lê Thị Thu Hương giải thích: Theo phân cấp của thành phố, cấp quận chỉ được phê duyệt ngành hàng của chợ dân sinh. Còn toàn bộ tổng mặt bằng tầng nổi của dự án TTTM là do thành phố phê duyệt. Ở dự án này, UBND quận Hoàng Mai chỉ được phép phê duyệt ngành hàng ở khu vực tầng hầm, còn từ tầng 1 đến tầng 5 quận không có thẩm quyền vì khu vực này thẩm quyền phê duyệt là của thành phố.
Về Quyết định số 7177 ban hành ngày 27/11/2017 của UBND quận Hoàng Mai (về việc phê duyệt nội quy và phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng kinh doanh tại chợ Trương Định), bà Hương cho biết: “đó là quyết định phê duyệt các ngành hàng sẽ được sắp xếp, bố trí ở tầng hầm như thế nào, không phải quyết định thay đổi thiết kế như bà con tiểu thương nhầm tưởng. Tức vị trí này quận bố trí là khu vực hàng ướt, vị trí kia là điểm bố trí kinh doanh hàng khô…Việc bố trí làm sao để tiểu thương kinh doanh hiệu quả và đảm bảo được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn bố trí các hộ kinh doanh từ tầng 1 trở lên là do chủ đầu tư bố trí theo đúng thiết kế đã được thành phố duyệt”.
Bà Hương khẳng định không có chuyện cấm tiểu thương có nhu cầu lên tầng 1, tầng 2 kinh doanh. Không chỉ tầng hầm, khu vực tầng 1, tầng 2 chủ đầu tư vẫn dành một phần lớn ki ốt để phục vụ chợ truyền thống. Theo thiết kế được Sở Xây dựng phê duyệt, khu vực tầng 1 có 14 ki ốt và tầng 2 có 20 ki ốt để bố trí cho khu vực chợ truyền thống còn lại mới là gian hàng cho TTTM. Quận vừa yêu cầu Cty Trương Định tổ chức công khai giá dịch vụ diện tích bán hàng và phương án bố trí các ngành hàng tầng hầm 1 và các ki ốt tại tầng 1, tầng 2 của TTTM để các hộ kinh doanh được biết. Và hiện tại chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục công khai 34 ki ốt ở khu vực tầng 1, tầng 2 cho các hộ kinh doanh có nhu cầu đăng ký.
Tuy nhiên, bà Hương cũng cho biết thêm, do đây là dự án 100% vốn của chủ đầu tư nên họ có quyền xây dựng đơn giá cho thuê theo tính toán của họ và UBND quận không có quyền can thiệp. Miễn là giá họ xây dựng không vi phạm quy định của UBND TP Hà Nội đã duyệt, tức là không vượt quá kịch trần là 450 ngàn đồng/m2. Ngoài vấn đề về giá thuê thì điều kiện kinh doanh ở khu vực TTTM sẽ khắt khe hơn so với khu vực tầng hầm. Khác với khu vực tầng hầm, các hộ kinh doanh chỉ cần giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là có thể kinh doanh, các tiểu thương muốn lên tại các vị trí tầng 1, tầng 2 tòa TTTM để kinh doanh còn phải đảm bảo các nguồn hàng kinh doanh có xuất xứ rõ ràng, có giấy tờ chứng minh đầu vào của hàng hóa hợp pháp… theo đúng quy chuẩn của một TTTM.