Sự việc này không chỉ mang tính đơn thuần cá nhân, mà còn là điển hình cho thực tế tại một số nơi, cán bộ xã là “vua con” “tác oai tác quái”, tung ra nhiều chiêu trò, gây khó dễ đủ điều khi người sử dụng đất đi xin cấp sổ đỏ.
Dấu hiệu “phù phép” chữ ký nhiều người dự họp
Từ bản báo cáo có dấu hiệu sai lệch như trên của UBND xã Phú Ngọc, sau đó trong vụ việc này, mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đã ra Văn bản số 3438/UBND-TCD, nêu ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh là trường hợp ông Thẩm “không đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ”. Một trong những căn cứ để Chủ tịch tỉnh ra ý kiến này, là căn cứ vào báo cáo nêu trên của xã.
Theo đó, “ngày 4/3/2019, UBND xã Phú Ngọc tiến hành họp và lấy ý kiến khu dân cư (có 31 hộ tham dự)… Các hộ dân tham dự cuộc họp và UBND xã Phú Ngọc kiến nghị không cấp sổ đỏ cho bất kỳ hộ gia đình, cá nhân nào mà chỉ sử dụng vào mục đích công cộng”.
Sự thật không phải như vậy. Từ danh sách “31 hộ tham dự” trên, đi hỏi ngược lại những người này, nhiều người cho biết nội dung cuộc họp ngày 4/3/2019 là khác và họ không có ý kiến như vậy. Nói cách khác, một số cán bộ xã đã báo cáo sai sự thật lên cấp trên, khiến cấp trên có những quyết định sai lệch.
Xin nhắc lại, với khu đất ông Thẩm mua từ năm 1988, cho đến nay đã đủ các điều kiện nằm trên code 62 (không bị ngập nước), không tranh chấp, sử dụng liên tục ổn định. Nay chỉ còn thiếu một điều kiện “được UBND xã xác nhận” là hoàn toản đủ điều kiện được cấp sổ đỏ.
Cuộc họp ngày 4/3/2019 chính là căn cứ mấu chốt để xã có “xác nhận” hay không. Cuộc họp này do ông Lê Bá Diệt, Phó Chủ tịch xã chủ trì. Lưu ý ông Diệt chính là người đã bị Công an huyện Định Quán kết luận mắc sai phạm khi nhiều lần chặt nhổ cây cối, hoa màu trên khu đất.
Theo danh sách các hộ dân được lấy ý kiến đính kèm, có 31 người tất cả, nhưng chỉ có 29 chữ ký. Bản danh sách còn xuất hiện tên ông Đào Văn Quyết 2 lần với hai chữ ký khác nhau. Nhìn bằng mắt thường, nhận thấy loạt 9 tên người và chữ ký (từ thứ tự số 7 đến thứ tự số 15) dấu hiệu do cùng nét chữ 1 người viết.
Hay bà Nguyễn Thị Vân mới đây đã có văn bản khẳng định không ký vào danh sách này, nhưng danh sách vẫn thể hiện ai đó đã viết tên và giả chữ ký bà. Ông Thẩm tố cáo: “Ai đó đã gian dối lập khống danh sách hòng báo cáo sai sự thật lên cấp trên. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần giám định văn bản này để kết luận đúng sai”.
Điểm vô lý thứ hai trong cuộc họp này, đó là nhiều người được mời mới chỉ có thời gian sinh sống tại khu vực chưa đầy 20 năm, nên không thể có ý kiến về nguồn gốc thửa đất, vì ông Thẩm đã nhận sang nhượng cách đây đến 31 năm. Vô lý hơn nữa, có người mới sinh năm 1982 cũng được mời họp. “Anh này khi tôi mua đất thì anh ấy mới 6 tuổi, làm sao đã biết gì mà cũng được mời xin ý kiến?”, ông Thẩm nói.
Chưa hết, nhiều người dân có tên trong danh sách này cho biết họ được mời họp mà không biết nội dung cuộc họp. Trong cuộc họp một số người bỏ về nửa chừng, nhưng cuối cùng bằng “phép thần thông” nào mà xã vẫn có danh sách “đầy đủ” tên người và chữ ký như vậy?
Dân nói một đằng, xã báo cáo lên trên một nẻo
Đó mới chỉ là sai phạm về hình thức. Những sai phạm về nội dung trong cuộc họp này còn đáng chú ý hơn.
Sau khi biết việc ý kiến của mình đã bị bóp méo trong cuộc họp ngày 4/3/2019, nhiều người dân có tên trong danh sách trên đã đồng loạt tự nguyện có các văn bản, cho biết ý kiến thực sự của mình là gì.
PV có trong tay ít nhất 8 văn bản của những người này, đều khẳng định: “Buổi làm việc ngày 4/3/2019 do ông Lê Bá Diệt chủ trì không có nội dung cụ thể”. Bà Nguyễn Thị Vân cho biết: “Ông Diệt nói không ghi âm chụp hình”.
Nhiều ý kiến khác của ông Đào Văn Khôi, Trần Mạnh Hùng, Trần Thị Soi đều kiến nghị: “Năm 1988 ông Vũ Từ Thẩm có làm nhà hàng ăn uống trên khu đất… hiện nay là vườn cây tràm của ông Thẩm, là sự thật. Kính đề nghị Nhà nước giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân (ông Thẩm)”.
Như vậy, hoàn toàn không có chuyện “các hộ dân tham dự cuộc họp kiến nghị không cấp sổ đỏ cho bất kỳ hộ gia đình, cá nhân nào mà chỉ sử dụng vào mục đích công cộng” như UBND xã Phú Ngọc đã báo cáo sai sự thật với UBND tỉnh Đồng Nai.
Hình ảnh một đám cưới từng tổ chức ở nhà hàng ông Thẩm trên khu đất. |
Ông Thẩm tố cáo: “Chỉ qua một cuộc họp trên, đã thấy UBND xã Phú Ngọc lập khống danh sách, làm sai lệch hồ sơ, cố tình triệu tập người không đủ khả năng xác nhận sự việc đến tham gia, giả mạo chữ ký… để báo cáo sai sự thật với cấp trên, quyết không cấp sổ đỏ cho tôi”.
Nghiên cứu hồ sơ sự việc, Luật sư (LS) Nguyễn Đình Thuận (Đoàn LS TP HCM), đánh giá: “Trong vụ này, đã có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy một số cán bộ xã Phú Ngọc, trong đó có Chủ tịch và Phó Chủ tịch xã lộng quyền, ngụy tạo chứng cứ, bóp méo Luật Đất đai, cố tình gây khó cho ông Thẩm.
Vì xã đã báo cáo sai lệch lên cấp trên, nên theo tôi UBND tỉnh Đồng Nai và UBND huyện Định Quán cần lập một tổ công tác để xác minh giải quyết sự việc, chứ không thể căn cứ vào những báo cáo của địa phương được nữa. Có như vậy mới giải được “sự việc gây phức tạp cho tình hình an ninh trật tự tại địa phương”, như Công an huyện Định Quán đã đánh giá”.
Nói về việc sổ đỏ mảnh đất mà ông Thẩm mua từ năm 1988, LS Thuận nói: “Luật Đất đai năm 1987 nghiêm cấm việc cá nhân mua bán đất với nhau. Luật Đất đai năm 1993 mới cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Vì vậy chuyển nhượng trước năm 1993, người ta sẽ mua tài sản trên đất nhưng thực tế là nhận chuyển nhượng đất và mua nhà. Địa phương nói rằng năm 1988 ông Thẩm chỉ mua cái xác nhà chứ không nhận chuyển nhượng đất là hiểu sai pháp luật tại thời điểm đó”.
Được biết hiện ông Thẩm đang làm đơn tố cáo một số cán bộ xã có hành vi ngụy tạo chứng cứ đến cơ quan công an. PLVN sẽ tiếp tục trở lại sự việc khi có những diễn biến mới.
Trong vụ ông Thẩm bị “làm khó” này, còn một điều khiến nhóm PV băn khoăn, đó là vì sao một địa phương vô vàn trường hợp xin cấp sổ đỏ, nhưng có trường hợp của ông là nổi cộm nhất, kéo dài hàng chục năm nay?
Ông Thẩm từng là bộ đội tham gia chiến trường biên giới phía Bắc những năm 1979, nhiều năm chuyên lái xe đưa các liệt sỹ từ trận địa về nghĩa trang, bao lần sống chết mong manh và quãng đời đó dường như đã tạo nên một phần tính cách ông: Không luồn cúi, coi thường những xin xỏ bon chen, trân trọng điều ngay thẳng.
“Chất lính” phóng khoáng ngày nay ông vẫn giữ. Hơn 60 tuổi vẫn đi làm mưu sinh, vẫn ở nhờ nhà anh trai, nhưng vẫn đi xe hơi, dù chỉ là chiếc xe “cỏ” giá chưa đầy 200 triệu do các con thương cha góp tiền mua tặng và thường xuyên lên tiếng những khi gặp chuyện “ngang tai trái mắt” dù trên đường hay ở địa phương.
Ông cười, không rõ buồn hay vui: “Chắc người ta quen xu nịnh, nên “ngứa mắt” với tôi”.