Báo PLVN đã phản ánh việc bà Vũ Thị An (xóm 11, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã có đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền kêu oan cho em trai mình là Vũ Đình Nhuệ bị TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên phạt tử hình về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Theo đó, Nhuệ kháng cáo và ngày 28/6/2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo của Nhuệ; giữ nguyên án sơ thẩm. Khẳng định còn nhiều tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án vẫn chưa được làm rõ, bà An cùng gia đình đã làm đơn gửi đến TAND Tối cao, VKSND Tối cao đề nghị xem xét lại vụ án.
Bà An cho biết, Nhuệ không vận chuyển trái phép ma túy vì được Hoàng Thế Mạnh (quê Bắc Kạn) rủ đi chơi rồi lái xe hộ Mạnh, không biết trên xe chở ma túy, lời khai của Nhuệ là theo ý chí của cơ quan điều tra.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội - người bào chữa cho bị cáo Nhuệ), trong vụ án này, tòa buộc tội Vũ Đình Nhuệ dựa trên lời khai nhận tội của Nhuệ và lời khai của bị cáo Phạm Văn Thảo. Trong quá trình xét xử vụ án, Nhuệ luôn khẳng định mình bị oan, lời khai của Nhuệ là do điều tra viên đọc cho viết, trên thực tế Nhuệ không bàn bạc, không biết việc vận chuyển ma túy. Khi được Giang, Mạnh rủ đi mua đào, quất về chơi Tết, Nhuệ đã nói là nếu về trong ngày thì đi... Ngoài lời khai của Nhuệ thì không có lời khai hay chứng cứ nào chứng minh Nhuệ bàn bạc với Giang, Mạnh việc đi vận chuyển ma túy. Việc dùng lời khai của Nhuệ làm bằng chứng buộc tội là trái với khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự là “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.
Trong khi chứng cứ khác được cho là phù hợp với lời khai của Nhuệ là lời khai của Phạm Văn Thảo, vì Thảo cho rằng khi Mạnh đón Thảo ở Thái Nguyên, Thảo lên xe ngồi ghế sau, Mạnh và Nhuệ ngồi ghế trước, khi đó Mạnh có bảo Thảo là đi Hòa Bình vận chuyển ma túy với Mạnh. Thảo cho rằng khi Mạnh nói như vậy thì có thể Nhuệ đã nghe thấy.
Tuy nhiên, lời khai của Thảo mâu thuẫn, bởi có tới 8 lời khai của Thảo, nhất là tại các lời khai ban đầu đều thể hiện Thảo không biết Nhuệ, không có việc Mạnh bảo Thảo và Nhuệ cùng đi vận chuyển ma túy. Hơn nữa, lời khai của Thảo không đảm bảo là đúng ý chí của Thảo vì có rất nhiều lời khai của Thảo không được ký chốt, không gạch bỏ phần trắng…
Thảo bị ốm nặng nhưng không có chữ ký của bác sỹ điều trị, không có luật sư chỉ định cho bị cáo Thảo, dẫn đến toàn bộ lời khai của Thảo ở tất cả các bản cung đều không có sự tham gia của luật sư; lời khai này của Thảo mâu thuẫn với lời khai của Nhuệ, theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Tố tụng Hình sự: “Trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì Điều tra viên tiến hành đối chất”. Thế nhưng cơ quan điều tra đã không tiến hành đối chất. Trong khi tại Điều 3 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này”…
Như vậy, lời khai của bị cáo Thảo không được coi là chứng cứ vì quá trình lấy lời khai, cơ quan điều tra đã vi phạm thủ tục tố tụng. Hơn nữa, Thảo đã chết trong trại giam thì không thể dựa vào lời khai của Thảo để buộc tội Nhuệ. Đây là vụ án mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, Nhuệ bị bắt ngày 8/3/2015 nhưng đến ngày 22/1/2016 Cơ quan điều tra mới cho luật sư tham gia và chỉ duy nhất 01 lần luật sư được tham gia hỏi cung là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Trong vụ án này, người biết rõ nhất là Hoàng Thế Mạnh (người rủ Nhuệ đi mua đào quất) đang bỏ trốn. “Giả sử nếu bắt được Mạnh và Mạnh thừa nhận rằng Nhuệ hoàn toàn không biết việc đi vận chuyển ma túy mà Mạnh rủ Nhuệ đi mua đào, quất và không có chuyện Mạnh nói với Thảo và Nhuệ ở trên xe về việc đi vận chuyển ma túy thì chắc chắn Nhuệ không phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy”, Luật sư Tùng phân tích.