Vào hồi 10 giờ 45 phút ngày 1-10-2009 (tức 14 giờ 45 phút giờ Việt Nam) tại Abu Dhabi, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Ca trù của Việt
…Trong thành công đưa ca trù trở thành danh hiệu Di sản văn hóa thế giới, có phần đóng góp quan trọng của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, nghệ nhân, nghệ sĩ của Hải Phòng. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan và đoàn công tác lập hồ sơ di sản đã trực tiếp gặp gỡ, phỏng vấn, ghi âm và ghi hình các nghệ nhân của Hải Phòng. Dần dần, sinh hoạt ca trù tại địa danh Quán Bà Mau nức tiếng một thời đã được hiện lên trong lời kể của các nghệ nhân ca trù.
Lần theo những câu chuyện, chúng ta biết Giáo phường Đông Môn (Thủy Nguyên) là một giáo phường lớn, có uy tín khắp Hải Phòng. Giáo phường có đền thờ tổ ca trù, mà khi xây dựng do cả “tam phủ, bát huyện” đứng ra hưng công, khi hoàn thành thì tổ chức về tận Lỗ Khê (Kẻ Rỗ, huyện Đông Anh-Hà Nội) rước chân nhang về thờ phụng. Một khi có nhà thờ tổ, thì hằng năm, vào dịp ngày sinh ngày hóa của Tổ nghề, các đào kép kéo về hát thờ, hát thi rất thành kính mà vui vẻ.
Và những danh ca, danh cầm thuở trước như kép đàn Trần Trọng Quế (1919), đào nương Nguyễn Thị Chín (1924), nghệ nhân Nguyễn Hãn (1921) ở thành phố Hải Phòng; đào nương Nguyễn Thị Chính (1922), đào nương Tô Thị Chè (1923) ở làng Đông Môn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên)… lại dóc phách, nắn phím so dây, gặp nhau trong mừng tủi. Xưa kia là đem tiếng hát tiếng đàn dâng tặng người tri âm tri kỷ; nay còn thêm tâm nguyện dốc hết sức tàn bắt tay chỉ ngón để những âm giai của quá khứ trở về trên đôi tay và khóe miệng của những người tiếp nối.
Nghệ nhân Trần Trọng Quế từng theo học đàn cụ Ký Tuất ở Khâm Thiên thuở trước, từng hai lần đoạt giải Á khôi trong các cuộc thi đàn ở Hà Nội và Hải Phòng. Trước khi đôi tai nghễnh ngãng, gân cốt những ngón tay chẳng theo ý người, thì cụ cũng từng truyền được ngón đàn cho một số bạn trẻ. Nghệ nhân Nguyễn Thị Chín tuổi đã ngoài chín mươi, từng nổi tiếng với làn điệu Cung bắc và Chức cẩm hồi văn, vẫn nặng lòng với nghiệp tổ, kén chọn học trò để quyết truyền cho được những ngón nghề mà cụ đã có được của cả một đời ca hát. 35 ca nương được cụ tuyển lựa, dạy dỗ, nay đã trổ nụ với nhiều hứa hẹn. Nghệ nhân Nguyễn Thị Chính, sau 70 năm mai danh ẩn tích đã lại cầm lá phách và chuốt lại giọng ca với kỹ thuật hát điêu luyện của trăm phần trăm kỹ thuật, cho dù vẫn biết ca trù là khó hát, khó dạy nhưng cụ vẫn dạy cho những người thực tâm cầu học…
Tìm đến ca trù Hải Phòng hôm nay, xin hãy ghé CLB Ca trù Hải Phòng – nơi tụ họp của những người tha thiết với di sản ca trù, “tự tìm thầy để học” như lời của ca nương Đỗ Quyên – chủ nhiệm CLB. Đến nay, già tìm trẻ, trẻ tìm già, tri âm tìm đến tri âm, CLB Ca trù Hải Phòng là chốn sum vầy nơi “hải tần phòng thủ”. CLB có nhiều ca nương thanh sắc khẳng định được vị trí của mình trong việc chinh phục nghệ thuật ca trù bác học qua các cuộc thi và những giải Vàng, giải Bạc. Đã có những làng xã, tư gia, công sở vời đến để được nghe câu thơ, khổ phách cung đàn với niềm trọng thị.
Ca trù cần được sống trong đời sống hôm nay chứ không phải chỉ tồn tại trong thư tịch cổ hay các kho băng đĩa. Các nghệ nhân, nghệ sĩ ca trù đất Cảng đang tìm lại ca trù chỗ đứng trong đời sống văn hóa văn nghệ phong phú và đa dạng hôm nay. Được thế và chỉ có như vậy, tiếng hát ca trù mới thực sự là tiếng họa mị cất lên từ cánh đồng âm nhạc Việt
TS. Nguyễn Xuân Diện
(Viện Hán Nôm)