Nếu không có âm nhạc, không có tiếng muôn loài, con người sẽ thấy lạc lõng, tẻ nhạt, mất phương hướng, nhưng khi quá ồn, âm thanh lại gây ra nhiều rủi ro.
Đe dọa thính giác
Xưa kia Trung Quốc sử dụng âm thanh là hình phạt tra tấn tù nhân bằng cách trói họ đứng dưới cái chuông chùa lớn. Ngày nay, tiếng ồn đi vào tai ta một cách hồn nhiên, không có chọn lọc. Một buổi sáng se lạnh, bạn muốn ngủ “nướng” thì có tiếng xe máy nổ inh tai, tiếng phi cơ gầm rú hoặc đàn chim sơn ca của nhà bên véo von mãi không thôi khiến bạn rất bức xúc mà không làm gì được. Đó chính là sự quấy rối của tiếng ồn.
Trong trường hợp tiếng ồn quá mạnh sẽ “đẵn, cắt, gọt” tan hoang những tế bào lông ở tai trong. Các tế bào này sẽ bị “bứng gốc”, hủy hoại. Đây là những tế bào có nhiệm vụ thu nhận các đợt sóng âm thanh, chuyển lên não bộ để được nhận rõ đó là âm thanh gì và từ đâu phát ra.
Mất thính giác vì tiếng động thường xảy ra từ từ, không đau đớn. Ngày nay, nguy cơ bị điếc vì tiếng động nghề nghiệp, môi trường gia tăng nhiều hơn. Hậu quả rõ nhất là ở những người làm việc trong xưởng dệt, hầm mỏ, người khai thác đá đốt mìn..., chỉ ngoài 40 tuổi đã bị nghễnh ngãng.
Gây áp lực tinh thần
Đôi khi âm thanh có tác dụng kích thích sự hứng khởi làm việc. Một nhạc sĩ ngồi trong quán cà phê, có điệu nhạc du dương, nhìn thấy một đôi tình nhân trao nhau món quà nhỏ xinh kèm theo nụ hôn bên hè phố ồn ào, anh đặt bút viết những nốt nhạc tình ca.Tuy nhiên, khi làm việc, bạn bị quấy rối bởi tiếng nói chuyện, tiếng máy nổ, tiếng cười “vô duyên” của ai đó làm mất tập trung sẽ khiến hiệu quả công việc giảm. Học sinh các trường gần xa lộ ồn ào tiếng xe đều giảm khả năng chú ý, vì các em phải tìm cách gạt bỏ tiếng ồn khó chịu.
Âm thanh xâm lấn vào đời tư của con người gây bực mình, tức giận, khó chịu, sợ hãi hay gây gổ, ít giao tiếp với hàng xóm. Trong gia đình, nó là tác nhân gây căng thẳng và những trận khẩu chiến. Một ngày làm việc vô cùng mệt mỏi, bạn mong tìm về nhà để được bình yên thì gặp ông chồng đang xem bóng đá, hò hét, bạn sẽ nổi cơn thịnh nộ mà không cần giải thích. Hoặc trong giấc ngủ đang say sưa, bạn chợt tỉnh giấc vì tiếng nhạc rock của anh hàng xóm. Hậu quả là lúc nào trông bạn cũng lờ đờ, mệt mỏi vì rối loạn giấc ngủ. Nếu là người cao tuổi, phụ nữ có thai hoặc trẻ nhỏ, mức độ ảnh hưởng còn trầm trọng hơn (có thể bị stress, trầm cảm…).
Một số dấu hiệu báo động tiếng ồn nguy hại
- Cảm thấy ù tai, tai như đầy đầy khi rời nơi có nhiều tiếng ồn.
- Nếu vì tiếng động mà ta phải lên cao giọng để đối tác có thể nghe được.
- Không nghe và hiểu điều mà một người đứng cách mình nửa thước nói.
- Người nào đó đứng cạnh bạn mà có thể nghe được âm nhạc phát ra từ tai nghe của bạn.
|
Bên cạnh đó, tiếng động trong khi ngủ cũng làm tăng huyết áp, nhịp tim, co mạch máu ngoại vi và các cử động của cơ thể như trằn trọc trở mình, co chân duỗi tay. Thậm chí ảnh hưởng tới sự tiêu hóa với giảm co bóp của dạ dày, giảm dịch vị bao tử và nước miếng.
My Lan