Đảo Thuyền Chài là một trong những đảo chìm thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Sở dĩ có tên gọi là đảo Thuyền Chài C, bởi hai đầu đảo thu nhỏ, ở giữa phình to, từ xa trông đảo có hình dáng giống một chiếc thuyền đánh cá của ngư dân. Đảo là rạn san hô dài khoảng 13km, rộng 3km. Trên đó nổi lên những khối đá mồ côi.
Giữa đảo Thuyền Chài có một hồ nước sâu, với 3 bãi cát nhỏ, có một lạch nhỏ dẫn vào đảo. Khi chúng tôi cập đảo, từ xa, các chiến sĩ phất cờ hướng dẫn cho xuồng chuyển tải vào luồng nhanh và bảo đảm an toàn. Những cái bắt tay xiết chặt ngay tại cầu cảng của cán bộ, chiến sĩ với đoàn như đón người thân đi xa lâu ngày không về nhà, chứa chan tình cảm ấm áp.
Chuyến hành trình 10 ngày trên biển, đoàn công tác chúng tôi ấn tượng về chương trình văn nghệ thật sự “đặc sắc” mang đậm chất lính đảo xa. Không sân khấu lung linh, không ánh đèn rực rỡ mà chỉ là chân đất dép rọ, biểu diễn trong không gian chật hẹp, hòa quyện, đan xen giữa lính đảo Thuyền Chài C và các nghệ sĩ Nhà hát chèo Thái Bình.
Thượng úy Lường Văn Hợp cùng với ca sĩ Cẩm Loan, Đoàn Văn công Quân khu 9 (thành viên đoàn công tác) trở thành người dẫn chương trình (MC) chính của buổi giao lưu văn nghệ đó. Cặp MC không hẹn mà gặp đã thể hiện thành công bài hát “Hành khúc ngày và đêm” mở màn cho buổi văn nghệ. Chất giọng của nữ MC miền Tây Nam Bộ ngọt ngào đã hòa cùng chất giọng khỏe khoắn của người lính đảo làm cho mọi người có mặt đều hào hứng cổ vũ, muốn góp vui thêm những tiết mục văn nghệ của mình.
Đêm giao lưu sôi động với rất nhiều trò chơi. Khi đến trò đi tìm diễn viên xuất sắc thì quản trò đưa ra tình huống ca sĩ hát, người chơi phải diễn sao cho thật giống với người hát, nhưng không phát ra âm thanh... Rồi trò chơi ai nhanh trí hơn, anh lựa chọn 6 chàng lính trẻ, kết bạn với 6 nữ thành viên đoàn công tác xinh đẹp, dịu dàng. Họ đố nhau tập làm nhanh những động tác bắn súng, đánh bộc phá, bò, lê, lái xuồng... theo từng cặp.
Chiến sĩ làm động tác vừa mạnh, vừa dứt khoát. Các nữ thành viên làm theo phải thể hiện động tác uyển chuyển, mềm mại, nhanh trí xử lý tình huống. Cứ thế xoay vòng, trong khoảng hơn mười phút đêm giao lưu đã tạo ra nhiều tiếng cười sảng khoái. Phần thưởng cho cặp đôi hoàn hảo nhất là những bông hoa làm từ vỏ ốc biển do chính lính đảo tặng.
Đáp lại tình cảm của người lính đảo, các nghệ sĩ của Nhà hát chèo Thái Bình cũng biểu diễn “cháy” hết mình với nhiều làn điệu chèo cổ và các các khúc ca về biển, đảo... Nghệ sĩ Vũ Ngọc Chuyên cho biết: Chính tinh thần của các chiến sĩ đã giúp đoàn thêm nhiều động lực. Trước buổi lên đảo Thuyền Chài C, chị đã phải truyền nước, người mệt mỏi nhưng lên đảo biểu diễn và giao lưu văn nghệ thì mệt nhọc không còn nữa.
Còn theo Nghệ sĩ Mạnh Tuấn, Nhà hát chèo Thái Bình, chính từ các cuộc giao lưu và cảm nhận về biển, đảo anh đã sáng tác thành công ca khúc “Khúc quân hành trên sóng”. Tác phẩm mang nhịp quân hành của người lính biển kiên trung nơi đầu sóng ngọn gió. Ở tàu hay lên đảo các nghệ sĩ của đoàn đều hăng say luyện tập để kịp biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đoàn công tác. Mỗi khi giai điệu của ca khúc mới vang lên, đông đảo thành viên đoàn công tác đã hòa mình vào nhịp điệu của ca khúc.
Trong buổi giao lưu với cán bộ, chiến sĩ đảo Thuyền Chài, nghệ sĩ Vũ Ngọc Chuyên với cách thể hiện linh hoạt đã viết thêm phần lời gắn với đảo Thuyền Chài và biểu diễn với cánh lính trẻ: “Đặt chân lên đảo Thuyền Chài. Mà em cứ ngỡ như mình ở quê. Ngày đêm bao gian khó, canh giữ ngoài đảo xa… Gửi các anh chiến sĩ, quê hương chan hòa… tiếng các em thiết tha gửi Thuyền Chài yêu mến, một khúc tâm tâm tình…”.
Ở đảo Thuyền Chài C hôm đó, chúng tôi còn được nghe tiếng sáo trúc vi vu của một chiến sĩ thể hiện. Thượng úy Lường Văn Hợp-Chính trị viên điểm C, đảo Thuyền Chài chia sẻ: “Thời gian rảnh chiến sĩ học hát, thổi sáo, làm hoa, chơi trò chơi dân gian. Chúng tôi luôn tổ chức đời sống văn hóa tinh thần phong phú để không có khoảng cách khá xa với đời sống văn hóa tinh thần ở đất liền”.
Con nước thủy triều lên xuống theo quy luật. Đoàn công tác đến thăm đảo Thuyền Chài C cũng phải căn cứ vào đó để đưa đón đoàn ra vào đảo một cách hợp lý nhất để tiếp tục hải trình. Buổi giao lưu văn nghệ khép lại sau gần hai tiếng đồng hồ. Tất cả đã tạo ra niềm vui, ngọn lửa yêu thương tiếp sức cho người giữ đảo luôn chắc tay súng, vững niềm tin ở nơi đầu sóng.