Hoàng Su Phì đang bước vào mùa đẹp nhất trong năm. Những thửa ruộng bậc thang trải dài, uốn lượn quanh những sườn đồi được nhuộm một màu vàng óng ả.
Dưới ánh nắng mùa thu và gió núi mát trong, những cánh đồng lúa bát ngát, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy mê hoặc.
Mùa lúa chín vàng tại Hoàng Su Phì là thành quả của người nông dân cần mẫn, chăm chỉ lao động. Hoàng Su Phì được ví như một tác phẩm nghệ thuật tự nhiên mỗi độ thu về.
Du khách những năm gần đây luôn háo hức với các hoạt động trải nghiệm, khám phá vùng đất và con người nơi đây.
Những thửa ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì đã được công nhận Di tích cấp quốc gia. Từ năm 2015, UBND huyện đã tổ chức chương trình du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì”. Đến nay, chương trình đã qua 8 mùa tổ chức.
Năm nay, chương trình được tổ chức với chủ đề “Tiếng gọi mùa vàng”. Chương trình sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, du lịch sinh thái hấp dẫn. Thời gian tổ chức kéo dài từ ngày 2 - 30/9.
Cũng trong dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang tổ chức triển lãm ảnh chuyên đề di sản quốc gia ruộng bậc thang Tây Bắc của 4 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu từ ngày 15 đến 17/9. Cùng với đó là chương trình khảo sát xây dựng, công bố sản phẩm du lịch Tây Bắc mở rộng năm 2023 và Hội thảo "Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch".
Cùng với sự phát triển kinh tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, huyện Hoàng Su Phì xác định đột phá trong phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Hoàng Đức Tân cho biết: “Các hoạt động văn hóa, du lịch được tổ chức đến hết tháng 9, nhằm kéo dài thời gian để du khách thỏa thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp mùa lúa chín của Hoàng Su Phì, cũng như khám phá nét văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa với những lễ hội, nghi thức truyền thống mang đậm màu sắc. Điểm nhấn nổi bật của chương trình năm nay, là các xã vùng trọng điểm du lịch của huyện đều tổ chức các sự kiện, tour du lịch tham quan, trải nghiệm ruộng bậc thang, làng nghề truyền thống, trình diễn lễ hội của địa phương trong thời gian mùa lúa chín, tạo nên sự đa dạng, nhiều màu sắc cho chương trình".
Theo đó, ông Hoàng Đức Tân cũng xác định đây là cơ hội tốt, để quảng bá hình ảnh du lịch của huyện tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn làm tốt công tác chuẩn bị từ trang trí, khánh tiết, thành lập các đội văn nghệ, thể thao; chú trọng công tác quảng bá trên các nền tảng số, trang thông tin điện tử của huyện. Chính quyền địa phương đã hướng dẫn nhân dân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đảm bảo môi trường, cảnh quan sạch, đẹp. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, ăn uống, các homestay niêm yết giá công khai, ký cam kết không tăng giá. Đồng thời, chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông... nhằm xây dựng Hoàng Su Phì thành điểm đến an toàn, thân thiện cho du khách.
Theo Ban tổ chức, chương trình năm nay sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Trưng bày giới thiệu các sản phẩm văn hóa, hàng nông - lâm sản, dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng của huyện; trình diễn quy trình chế tác và bán các sản phẩm nghề truyền thống như rèn đúc, đan lát, chạm bạc, thêu thổ cẩm; trải nghiệm không gian chợ phiên vùng cao; “Ngày hội bản Dao” tại các xã Bản Luốc, Thông Nguyên; trình diễn Lễ cúng cơm mới của dân tộc Dao xã Hồ Thầu; múa Ngựa giấy dân tộc Nùng, Nhảy lửa dân tộc Dao.
Ngoài ra, các xã còn tổ chức nhiều hoạt động như: Tham quan trải nghiệm ruộng bậc thang, làng nghề truyền thống, bắt cá Chép ruộng, khám phá đỉnh núi Chiêu Lầu Thi và nhiều môn thể thao truyền thống như bắn nỏ, đánh yến, thi thêu thổ cẩm, múa võ cổ truyền dân tộc…