Thời phong kiến, ở nước ta, những người có học vị cử nhân, tiến sĩ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong cộng đồng dân cư các vùng miền, nhưng lại được xã hội, được các cấp chính quyền hết sức coi trọng. Những người này ngay từ khi mới cắp sách đến cửa Khổng, sân Trình, khi mới bước đầu làm quen với các sách “Tam tự kinh, Ngũ tự kinh” đã được các bậc ông bà, cha mẹ, các thầy giáo dạy rằng: Đi học là để có cái chữ mà làm người. Đến tuổi đi thi hương, thi hội… không mấy ai là không ý thức được phận làm trai: Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông (Nguyễn Công Trứ).
Lập thân, lập nghiệp, lập ngôn, lập đức, lập công, lập danh… những điều ấy luôn là điều nhắc nhở, thôi thúc họ gắng công tu dưỡng, học hành. Thành đạt trong thi cử, phần lớn những người có học vị cử nhân, tiến sĩ thuở xưa đều được nhà nước phong kiến bổ làm quan. Làm quan với những người có học ngày ấy được xem là một cách dấn thân, một cách cống hiến cho nước, cho dân. Làm quan là một cách tiến thân, một cách hành xử trong cuộc sống.
Nhưng chốn quan trường, thời nào cũng vậy, những người có tri thức, có nhân cách, không chịu cúi luồn, phần lớn đều treo ấn từ quan. Hoặc khi thời thế thay đổi, không muốn hợp tác với chính quyền mới họ cũng lui về bản quán. Sống ở làng quê, nơi hương đồng gió nội, xa chốn phồn hoa nơi thị thành, những vị nhân sĩ, trí thức thường tìm tới nghề dạy học “Tiến vi quan, thoái vi sư”.
Xin được dẫn một vài tấm gương tiêu biểu.
* Chu Văn An (1292-1370) quê ở Thanh Trì (Hà Nội). Ông làm Tư nghiệp Quốc tử giám đời Trần Minh Tông (1314-1340). Dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 tên loạn thần, không được vua Trần Dụ Tông (1341-1368) chấp thuận, ông từ quan, về Hải Dương dạy học. Về sau, vua Trần có đôi lần mời ông ra làm quan, nhưng ông đã từ chối và vẫn ở lại làng quê để truyền dạy cái chữ cho môn sinh. Học trò của thầy Chu Văn An sau này có nhiều người nên danh, nên giá như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh. Người đời sau tôn vinh thầy là bậc sư tổ của nghề dạy học ở nước ta và thờ thầy ở Văn Miếu - Quốc tử giám Hà Nội.
* Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), đỗ trạng nguyên và làm quan đời nhà Mạc, chức Tả thị lang. Cũng như Chu Văn An, ông từng dâng sớ xin vua cho chém 18 tên loạn thần. Từ quan, Nguyễn Bỉnh Khiêm về quê làm nghề dạy học và vui thú với điền viên. Thơ chữ Hán, chữ Nôm của thầy, rất nhiều bài “hay và đẹp lạ thường”, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
* Nguyễn Huy Tự (1743-1790) người Hà Tĩnh, từng làm Tri phủ Quốc Oai (Hà Đông cũ) và giữ chức “Nhập nội thị giảng” trong phủ chúa Trịnh. Ông là tác giả của tập “Hoa tiên” nổi tiếng. Khi mẹ vợ mất, ông về quê chịu tang, rồi ở lại quê làm nghề dạy học cùng cha, vĩnh viễn từ bỏ chốn quan trường.
* Bùi Huy Bích (1744-1818), cùng quê với thầy Chu Văn An (đời Trần), giữ chức tể tướng thời Lê Trịnh. Thời thế đảo điên, ông rời bỏ thị thành về quê sinh sống bằng nghề “gõ đầu trẻ”. Nhiều lần được các vua Lê Chiêu Thống, Quang Trung, Gia Long vời ra làm quan, thầy đều chối từ.
Cùng làm nghề dạy học như các thầy mà chúng tôi vừa kể ra trên đây, thời kỳ trung đại còn có rất nhiều người học rộng, tài cao nức tiếng gần xa như các thầy cô: Mạc Đĩnh Chi (1705-1748), người Hưng Yên, trạng nguyên đời Trần, Đoàn Thị Điểm (1705-1748), quê ở Hưng Yên, tác giả nhiều áng thơ văn hay, Lê Quý Đôn (1726-1784), người Thái Bình, nhà bác học của thế kỷ 18, lừng danh với các tác phẩm “Vân đài loại ngữ”, “Kiến văn tiểu lục”, “Phủ biên tạp lục”…, Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), sống ở Nam Bộ, người viết nên truyện thơ Nôm nổi tiếng “Lục Vân Tiên”… Xem thế đủ biết nghề dạy học có vị trí cao đẹp như thế nào trong đời sống xã hội.
Xưa nay, người có học thức, có đức, có tài, có tâm huyết đều lấy việc phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân làm lẽ sống của đời mình. Nghề dạy học thanh bạch, đạm bạc, mang cái chữ đến cho con cháu, giúp cho họ có cơ hội nên danh, nên giá sau khi đỗ đạt, lại phải ít quỵ lụy… Đây là một trong những nghề cao quý được xã hội, được mọi người tôn trọng, yêu quý xưa nay… Phải chăng, vì vậy mà được các bậc nhân sĩ, trí thức và có danh vọng tìm đến những khi cần giữ trọn danh tiết của con người chân chính, lương thiện.
Trần Hoàng