UBND huyện nợ quán nhậu, nợ “chi tiếp khách”
Vụ án gây thiệt hại cho ngân sách 3,4 tỷ đồng, sẽ được TAND tỉnh An Giang xét xử trong 3 ngày, dự kiến bắt đầu từ 3/7.
Hành vi của bị can Ngô Hoàng Hiếu, cựu Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới; 16 cán bộ cấp dưới và 8 chủ DN được nêu trong cáo trạng của VKSND tỉnh An Giang truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Mua bán trái phép hóa đơn.
Theo cáo trạng, cuối năm 2018, UBND huyện Chợ Mới còn nợ các quán nhậu hơn 575 triệu đồng, nợ Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng (BQL) 1,1 tỷ đồng (lấy từ tiền bảo hành công trình), do phải "chi tiếp khách" trong nhiều năm trước.
Năm 2019, BQL thay lãnh đạo nhưng không thể bàn giao vì khoản nợ này. Lãnh đạo huyện Chợ Mới "chữa cháy" bằng cách ứng 1,3 tỷ đồng của Phòng Tài chính Kế hoạch.
Để trả nợ, Ngô Hoàng Hiếu triệu tập cuộc họp với nhóm thân tín gồm Nguyễn Hồng Viễn, Vũ Minh Thao (Phó Chủ tịch UBND huyện) cùng Nguyễn Văn Ven (Chánh Văn phòng HĐND - UBND) và 2 Phó Chánh Văn phòng Lê Quốc Điền, Nguyễn Tuấn Minh.
Ngô Hoàng Hiếu chỉ đạo Văn phòng chọn các xã "uy tín, đoàn kết nội bộ" để quyết toán ngân sách, lấy tiền nộp về huyện. Các xã Hòa Bình, Hòa An, Hội An và Tấn Mỹ phù hợp "tiêu chí" trong tổng số 16 xã, 2 thị trấn của huyện.
Mỗi xã bị ấn định khoản tiền phải nộp 300 - 500 triệu đồng, tùy tình hình địa bàn mà chọn các công trình quyết toán khống hoặc “rút ruột”. Đổi lại, phía UBND huyện sẽ tạo mọi điều kiện hợp thức hóa hồ sơ quyết toán.
Cáo trạng xác định, tại xã Hòa Bình, Chủ tịch UBND xã Đặng Thanh Bình quyết định "rút ruột" công trình sửa chữa cổng rào một nhà lưu niệm; nâng cấp, cải tạo hội trường và trụ sở xã. Trong đó, khung sắt cổng rào không thay mới, không lót gạch mới hội trường; trụ sở xã, không gắn lan can nhưng vẫn quyết toán đủ cho nhà thầu gần 1,5 tỷ đồng, gây thiệt hại ngân sách hơn 750 triệu đồng (nhà thầu được hưởng 380 triệu đồng, huyện được chia 320 triệu...).
Tương tự, lấy lý do đoạn kênh Cựu Hội dài 42m bị sạt lở, cần gia cố để người dân đi lại thuận lợi, UBND xã Hội An xin huyện kinh phí 408 triệu đồng. Chủ tịch xã Bùi Minh Trí liên hệ các DN để hợp đồng các phần việc: khảo sát, tư vấn thiết kế, thẩm tra bản vẽ và thực hiện gia cố (đóng cọc).
Khi phát hiện đơn vị thi công không đóng cọc, xã báo về huyện thì được chỉ đạo quyết toán khống toàn bộ - tức công trình chỉ được vẽ, thẩm tra trên giấy chứ không thi công. Sau khi chi trả các khoản “vẽ” dự án, huyện được xã nộp cho 300 triệu đồng.
Quyết toán khống 13 công trình, “rút ruột” 5 công trình
Trong năm 2020, Hiếu và đồng phạm hai lần giao "chỉ tiêu" cho lãnh đạo UBND xã Hòa An nộp về huyện tổng cộng 1 tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã Lưu Văn Khôn đã bàn bạc với kế toán Nguyễn Thùy Trang, chọn quyết toán khống lấy 1,4 tỷ đồng từ 3 công trình đường do dân góp tiền xây dựng.
Sau khi dành 1 tỷ đồng nộp về huyện, số tiền còn lại Trang chi cho các Cty đứng tên trong hồ sơ, bản thân giữ lại hơn 100 triệu đồng tiêu xài cá nhân. Phía huyện "lại quả" 60 triệu đồng để địa phương có kinh phí chi hoạt động.
Bằng thủ đoạn tương tự, 5 công trình ở xã Tấn Mỹ cũng bị quyết toán khống để có tiền nộp về huyện hơn 500 triệu đồng.
Năm 2021, "êkip" của Hiếu tiếp tục triệu tập lãnh đạo 8 xã, yêu cầu mỗi địa phương nộp về 200 triệu đồng. Khi đó, Chủ tịch UBND xã Tấn Mỹ Nguyễn Thị Bích Liễu chọn 3 tuyến đường để rải đá, 1 tuyến làm bêtông, sau đó nhờ Huỳnh Khải (chủ cửa hàng cát đá) xuất khống 5 hóa đơn để quyết toán 330 triệu đồng. Sau khi nộp về huyện 200 triệu đồng và các khoản chi cho Khải, Liễu dùng hơn 100 triệu đồng để rải đá, thi công.
Khi sự việc có nguy cơ bị phát giác, Liễu đòi huyện số tiền đã nộp, sau đó thi công bù các phần đã cắt xén và một số công trình chưa được duyệt. Cơ quan chức năng đánh giá việc làm của Liễu mang tính đối phó, sai quy định về đầu tư công và quản lý ngân sách.
CQĐT cũng phát hiện sai phạm tại công trình cải tạo chợ xã Tấn Mỹ như: Nhà thầu nâng khống ống nước từ 45m lên 4.500m (gấp 100 lần) thu lợi bất chính 140 triệu đồng; mái che nhà lồng chợ cũng bị nâng từ 22 triệu đồng lên 250 triệu đồng. Sự việc được xác định có sự tiếp tay của cán bộ huyện.
VKS cáo buộc, tổng cộng nhóm cán bộ ở huyện Chợ Mới đã quyết toán khống 13 công trình, “rút ruột” 5 công trình khác, gây thiệt hại cho ngân sách 3,4 tỷ đồng. Các khoản tiền được dùng để trả nợ, tiếp khách, chúc Tết, thăm viếng.
Trước khi bị khởi tố, ông Nguyễn Văn Ven được phát hiện tử vong tại nhà, nghi tự vẫn. Quá trình điều tra, ông Ngô Hoàng Hiếu (lúc này đã chuyển sang làm Phó Chánh Thanh tra tỉnh) chết do bệnh lý.