[links()] Trong khi thị trường bất động sản cho người sống đang trong giai đoạn đóng băng, rao bán nhiều mà người mua gần như không có, thì thị trường bất động sản cho… người đã khuất lại diễn ra rất sôi động.
Mỗi phần mộ như thế này có giá khoảng 1,2-1,5 tỉ đồng. |
Không tiếc tiền tỉ
Theo đại diện Công ty CP Ao Vua (chủ đầu tư dự án công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng tại huyện Ba Vì, Hà Nội), đến giờ những khu phân lô 100m2 dành cho những gia đình giàu có gần như đã được bán hết. Đại diện công ty cho biết hiện chỉ còn những phần mộ nhỏ được rao bán với giá khoảng 12 triệu đồng/m2. Dự kiến, cuối năm nay phần đất mộ tại công viên nghĩa trang này sẽ cạn, trong khi việc mở rộng cũng đang gặp khó khăn về mặt bằng.
Ở công viên Vĩnh Hằng có những ngôi mộ giá tới vài tỉ đồng, được lát gạch hoa cương, xây dựng rất bề thế. Khu mộ đắt nhất nằm trên khu vực rộng hơn 200 m2 có giá trên 10 tỉ đồng của một gia tộc tại Hà Nội.
Trong “trào lưu” tìm nơi an nghỉ cho người quá cố, không ít đại gia Hà Nội đã đổ xô lên huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình. Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên rộng gần 100 hecta được thiết kế, bố trí trên 9 ngọn đồi, và 9 cơ suối chạy quanh, phóng vút tầm mắt ra bốn phía cũng chỉ thấy một màu xanh của cây cối.
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Toàn Cầu, chủ đầu tư công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình), giá mỗi lô khoảng 1,2-1,5 tỉ đồng nhưng rất nhiều gia đình muốn mua liền mấy lô cạnh nhau để bố mẹ, ông bà sau này được “gần gũi” nhau.
Một nhân viên nghĩa trang cho biết, hàng tuần có rất nhiều gia đình tại Hà Nội và các tỉnh lân cận lên đây tìm hiểu, chọn mua đất. “Họ coi việc tìm được một mảnh đất cho ông bà, bố mẹ mình là một việc hết sức ý nghĩa nên luôn muốn tìm những vị trí đắc địa, rộng rãi. “Công dân” tương lai của nghĩa trang sẽ có một nhà sử học và không ít trí thức nổi tiếng” - người này tiết lộ.
Độc chiêu
Con đường dẫn lên khu công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên trải dài quanh co men theo những triền đồi. Những ngôi mộ của các đại gia đều được nằm trong khuôn viên có hệ thống tường rào, cây xanh, thảm cỏ, ghế đá, … như một biệt thự thu nhỏ.
Các phần mộ đều được đội ngũ kiến trúc sư của công ty thiết kế sẵn. Có người là chủ một công ty bất động sản lớn ở TP.HCM, khi mất vì bệnh ung thư đã có tâm nguyện được đưa ra Bắc mai táng. Người này để lại cho gia đình một khối lượng tài sản khá lớn nên người nhà không ngại để mua những loại đá, cỏ tốt nhất xây mộ. Chỉ riêng việc đầu tư ướp xác thôi chi phí đã trên 1 tỉ đồng rồi. Xung quanh phần mộ có cả bàn uống nước bằng đá, xích đu cho những người tới tham quan, viếng mộ nghỉ ngơi, thư giãn.
Thậm chí có vị nhạc sĩ khi “đặt chỗ” cho mình tại đây đã yêu cầu kiến trúc sư thiết kế làm sao để những người ghé thăm phần mộ của ông sau này có thể phát hiện ngay ra mình qua những bài hát được phát ra từ hệ thống âm thanh đặt quanh mộ phần. Cũng có những khách hàng cầu kỳ, trước lúc chết đã yêu cầu con cái phải xây mộ ốp bằng đá cẩm thạch, hai bên phải đôi rồng chầu, lư hương xây bằng đá xanh.
Một nhân viên kinh doanh của nghĩa trang cho biết, rất nhiều khu mộ gia tộc rộng 300-500 m2 đã được đặt chỗ. “Chủ nhân của những lô đất này thường là những gia tộc lớn, giám đốc doanh nghiệp hay chủ tịch tập đoàn,…. Chỉ riêng tiền đất đã hết 5-6 tỉ đồng, tiền xây dựng có thể thêm cả tỉ đồng mỗi ngôi mộ. Gia đình họ cầu kỳ, tỉ mỉ lắm, mỗi tháng bỏ hàng chục triệu để thuê chăm sóc cây cảnh, quét dọn phần mộ…” - người này nói.
Việt Hưng