Tiền Giang tìm giải pháp nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu lúa gạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 29/10, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu lúa gạo tỉnh Tiền Giang” nhằm thảo luận các vấn đề trọng tâm, đưa ra giải pháp hiệu quả để thúc đẩy ngành lúa gạo tỉnh Tiền Giang phát triển bền vững.

Tiền Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi với đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nguồn nước phong phú đã đưa tỉnh trở thành một trong những vựa lúa của cả nước. Diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 177.000 ha, trong đó hơn 56.000 ha đất trồng lúa với diện tích gieo trồng lúa năm 2023 hơn 129.000 ha, sản lượng thu hoạch gần 790.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng gạo xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang có chiều hướng giảm, giảm 24,15% về lượng và giảm 18,22% về trị giá so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính dẫn đến là do hiện tại giá gạo Việt Nam cao nên nhà nhập khẩu lựa chọn mua của các nước khác. Ngoài ra, các đối tác nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng để hạ giá xuất khẩu gạo do đang thu hoạch rộ lúa cho vụ Đông Xuân.

Mặt khác, vẫn còn lượng lớn nhà máy chế biến lúa gạo, doanh nghiệp sử dụng công nghệ truyền thống, hiệu quả chưa cao, chưa đầu tư máy tách màu; Chính sách tín dụng của các ngân hàng chưa linh hoạt, lãi suất còn cao chưa hỗ trợ kịp thời khi các doanh nghiệp có nhu cầu.

Ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang báo cáo đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Kim Ngân

Ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang báo cáo đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Kim Ngân

Từ thực trạng hoạt động chế biến và xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh, Hội thảo khoa học đã đi sâu thảo luận các vấn đề trọng tâm như dự báo thị trường và nâng cao giá trị lúa gạo qua chế biến và xuất khẩu; mối liên hệ giữa năng lực của các nhà quản lý logistic và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; nâng cao giá trị các sản phẩm chế biến từ gạo; giải pháp công nghệ nâng cao giá trị từ hạt gạo; hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong chuỗi sản xuất chế biến, xuất khẩu gạo… cũng như đưa ra các giải pháp hiệu quả và khả thi để thúc đẩy ngành lúa gạo tỉnh Tiền Giang phát triển bền vững.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh, Nguyên Viện trưởng-Viện NCPT ĐBSCL-ĐH Cần Thơ, dự báo cung cầu của 75 nước sử dụng gạo đến năm 2030 tổng lượng sản xuất dao động 500-550 triệu tấn gạo, về thương mại toàn cầu giá tăng nhẹ 1,6%/năm, chủ yếu tăng năng suất khoảng 0,4%/năm, giá gạo tăng 1.4%/năm khi nhu cầu tiêu thụ cao hơn là sản lượng sản xuất và dự trữ quốc gia để dự trữ sẽ giảm.

PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh thông tin dự báo cung - cầu của 75 nước sử dụng gạo đến năm 2030. Ảnh: Kim Ngân

PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh thông tin dự báo cung - cầu của 75 nước sử dụng gạo đến năm 2030. Ảnh: Kim Ngân

Ông Phạm Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các cấp, ngành và các nhà khoa học. Qua đó, giúp địa phương tổng hợp, nghiên cứu áp dụng giải pháp nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu lúa gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới, góp phần phát huy hơn nữa lợi thế xuất khẩu lúa gạo của tỉnh.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học đánh giá lại hiện trạng hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa gạo; làm rõ cơ chế, chính sách, vai trò của các cấp chính quyền và các doanh nghiệp, cũng như sự phối hợp của các đối tác trong chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa gạo.

Thông tin mới nhất dự báo về cung - cầu, các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo cũng được cung cấp tại hội thảo; những cơ hội thách thức và giải pháp nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu lúa gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới, nhất là cơ hội mang lại từ Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" của Chính phủ.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 500 doanh nghiệp chuyên doanh xay xát, chế biến lúa gạo tiêu dùng và xuất khẩu, tập trung tại các huyện, thị vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp phía Tây của tỉnh. Có khoảng 20 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo đã đầu tư dây chuyền tự động hóa từ phơi sấy, phân loại, đánh bóng, tách màu, chọn hạt đến đóng gói sản phẩm, giúp nâng chất lượng hạt gạo hàng hóa.

Với sản lượng xay xát gạo hơn 2 triệu tấn/năm, tỉnh Tiền Giang là một trong những trung tâm tiêu thụ lúa hàng hóa và cung ứng gạo lớn cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu của vùng ĐBSCL. Trong đó, huyện Cái Bè là nơi tập trung số lượng lớn các cơ sở chế biến lúa gạo tỉnh với hơn 160 cơ sở tập trung chủ yếu tại khu vực Bà Đắc và Cụm công nghiệp An Thạnh.

Khu vực Bà Đắc thuộc xã An Cư có hơn 80 doanh nghiệp chế biến gạo, chiếm 50% số lượng cơ sở chế biến gạo của huyện, chiếm gần 20% số lượng cơ sở chế biến gạo toàn tỉnh và là một trong những nơi cung cấp lúa gạo lớn nhất tại miền Tây Nam Bộ, tập trung nhiều thương lái từ các tỉnh khác đến mua bán gạo. Sản lượng thu mua gạo tại khu Bà Đắc rất lớn với khoảng 4.000 tấn gạo/ngày và có thể lên đến 6.000 tấn gạo vào những ngày cao điểm.

Tổng sản lượng xuất khẩu gạo của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2018-2022 đạt trên 993.000 tấn với kim ngạch đạt khoảng 521 triệu USD. Năm 2023, xuất khẩu gạo đạt hơn 175.000 tấn với kim ngạch trên 105 triệu USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, ước đạt trên 81.000 tấn với trị giá đạt trên 52 triệu USD, giảm 24,15% về lượng và giảm 18,22% về trị giá so với cùng kỳ.

Gạo của tỉnh Tiền Giang đã xuất khẩu qua 20 thị trường, trong 6 tháng đầu năm, Phillippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của tỉnh chiếm 31%, kế đến là Trung Quốc chiếm 29%, Singapore chiếm 19,11%, châu Phi chiếm 11%, HongKong (Trung Quốc) chiếm 6,25%... tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn xuất qua một số thị trường khác như Hàn Quốc, Kuwait, New Zealand…

Tin cùng chuyên mục

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

(PLVN) -  Ngày 21/11, tại TP Cần Thơ, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức hội thảo Mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ. Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.