Trưởng đoàn công tác do ông Nguyễn Duy Lâm - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cùng các thành viên là ông Trần Minh Phương - Vụ trưởng Vụ Tài chính; ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ; ông Nguyễn Duy Thạch - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý xây dựng. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Trần Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cùng các đơn vị, ban ngành có liên quan.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ông Trần Văn Dũng chủ trì Hội nghị |
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (đơn vị đầu tư dự án) đã trình bày 4 phương án gồm: phương án 1, phương án 2 (do nhà đầu tư đề xuất), phương án 2A và phương án 3 (do tỉnh Tiền Giang bổ sung) về việc lập trạm thu phí tạm thời để hoàn vốn dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Theo đó, phương án 1: Sử dụng 4 trạm thu phí hiện hữu của tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương kinh phí dự kiến là 160 tỷ đồng. Phương án 2: Đầu tư xây dựng 01 trạm thu phí tạm tại km51+940 trên tuyến chính đầu tuyến Trung Lương- Mỹ Thuận với kinh phí là 140 tỷ đồng.
Phương án 2A: Xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến chính Km51+940 (mở rộng nền đường mở rộng sang bên trái, khu nhà điều hành bên trái tuyến, thiết bị điều chuyển từ trạm ĐT.878). Phương án 3: Xây dựng 02 trạm thu phí mới trên tuyến chính tại Km51+940 và Km99+200 (mở rộng nền đường sang bên trái, khu nhà điều hành bên trái tuyến), thiết bị điều chuyển từ trạm ĐT.878 và 02 trạm nhánh N1, N2 tại nút giao thông An Thái Trung.
Đại diện đơn vị đầu tư trình bày các Phương án lập trạm thu phí tạm |
Các đại biểu đã thảo luận các giải pháp thực hiện có hiệu quả khi tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ hoàn thành và đánh giá cao phương án 3 đã đề ra tại buổi làm việc.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm yêu cầu, trong quá trình thực hiện trạm thu phí tạm theo phương án 3, đơn vị đầu tư Dự án cần có giải pháp thi công phù hợp, không lãng phí và kéo dài thời gian. Có thể làm trước một số hạng mục để sau này có thể sử dụng khi tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ hoàn thành.
Đưa công trình vào khai thác sử dụng 15 ngày trước và sau Tết để phục vụ người dân. Đồng thời cần thẩm định mức độ an toàn giao thông (ATGT), bảo đảm tuyệt đối ATGT trước và sau Tết Nhâm Dần. Tổng cục Xây dựng cần rà soát, bổ sung trạm dừng, nghỉ để đơn vị đầu tư Dự án triển khai.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng cho biết buổi làm việc đã giúp tỉnh Tiền Giang có cơ sở để có kế hoạch làm việc với các Sở, ngành liên quan. Từ đó sẽ chuẩn bị các nội dung để báo cáo với Bộ GTVT cho dự án cao tốc và thông tuyến tạm.
Được biết trong thời gian qua, mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, gây ra nhiều khó khăn, nhưng dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận luôn đảm bảo tiến độ đề ra. Các đơn vị đã xử lý kịp thời các vướng mắc, kiểm soát vấn đề về giá vật liệu bằng các chương trình bình ổn giá sắt, thép, xi măng, nhựa đường…
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, đề án thu phí của tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt và chưa xác định được thời gian thu phí.